Một tuần với bệnh nhân AIDS - Bài 1: Bỗng nhiên nhiễm HIV

03/02/2010 17:15 GMT+7

Nhiều người ngạc nhiên khi thấy chúng tôi “bám riết” các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, hết ngày này qua ngày khác...

“Tui không xì ke, không mại dâm, đàng điếm... Vậy mà rốt cuộc lại dính si-đa!”. Ở nơi dành cho những bệnh nhân AIDS, đã không ít lần chúng tôi nghe những lời cay đắng như vậy.

Bệnh viện Nhân Ái (thuộc Sở Y tế TP.HCM) rộng đến 170 ha, nằm trên một quả đồi trải dài hơn 1,5 km thuộc địa bàn xã Phú Văn, huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Một bên là rừng. Ba bên còn lại dẫn xuống lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Đây là nơi chuyên chăm sóc, điều trị miễn phí cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, có quy mô lớn nhất nước. Bệnh viện được thành lập vào ngày 31.10.2006 trên cơ sở chuyển từ Trung tâm cai nghiện Trọng Điểm. Hiện có hơn 200 bệnh nhân AIDS cư ngụ tại TP.HCM và bệnh nhân lang thang cơ nhỡ đang được điều trị tại đây.

Chồng chạy xe ôm, vợ cũng... dính

Khoa Săn sóc đặc biệt nằm gần cuối bệnh viện, có một cửa sau thông với Nhà tang lễ và Nhà lưu cốt. Đây là nơi dành cho những người bệnh yếu nhất, trong đó có không ít người đang nằm “giường lỗ” - tức mọi sinh hoạt, tiểu tiện đều trên chiếc giường có gắn bô nhôm bên dưới.

Khoa cũng có một nơi mà những bệnh nhân “hơi khỏe khỏe” thường lui tới. Đó là phòng xâu hột cườm do soeur Xoài phụ trách. Trong những ngày lưu lại bệnh viện, chúng tôi cũng thường có mặt tại đây, cùng xỏ cườm với bệnh nhân. Phòng có khoảng 7 - 8 người. Họ cặm cụi kết những chiếc giỏ hoặc móc khóa thật đẹp. Thi thoảng, mấy câu pha trò và tiếng cười bật ra, phá tan không gian tĩnh lặng và có phần u ám. H.L, cô gái gốc Nghệ An, mới ngoài 20 tuổi, tâm sự: “Ngồi không cứ nghĩ quẩn. Có việc này làm vừa giết thời gian, cuối tháng lại vừa được chút tiền”.       

Có hai bệnh nhân nam bị mù đang lần mò đâm cọng thép xuyên qua từng hột cườm khiến chúng tôi phải đặc biệt chú ý. Một người tên Đạt, 26 tuổi, quê ở Q.Gò Vấp, TP.HCM. Một người tên Hiền, biệt danh là Hiền “cá sấu” khoảng 40 tuổi. “Tui với anh Hiền một thời hút chích, đâm thuê chém mướn, vào tù ra  khám... phải trả giá như vầy cũng đáng. Nhưng có những người tội nghiệp lắm! Họ chỉ là nạn nhân...”. Đạt nói, rồi nhướng mắt về phía trước: “Như chị H. nè! Chị ấy chịu thương chịu khó, sống lương thiện, không mích lòng ai. Vậy mà khổ một đời”.

 Đêm nào tôi cũng nghĩ về con. Nó đã mồ côi cha, nếu mồ côi thêm mẹ thì tội quá. Nên tôi đã cố sống. Tôi cố ăn uống thật nhiều, giữ tinh thần không nặng nề nữa

Chị H., một bệnh nhân AIDS nhà ở P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Chị H. nhà ở P.17, Q.Bình Thạnh. Tiếp xúc với chúng tôi, chị kể: “Tôi bán sữa đậu nành trước trường nuôi con ăn học. Còn chồng tôi chạy xe ôm, nhiều khi “cõng đào” (chở gái vũ trường). Có tiền, anh ấy đâm ra ăn chơi, hút chích lúc nào không hay. Sau này thấy chồng ôm ốm, ăn uống thất thường nên tôi nghi ngờ. Lúc biết chồng nghiện ma túy, tôi khuyên nhủ hết lời. Nhưng anh lại tụ tập chích choác, làm những chuyện phi pháp nên bị bắt vào tù. Tôi buồn lắm nhưng vợ chồng không bỏ nhau được. Mỗi tháng tôi xách giỏ đi thăm nuôi. Chồng tôi hết ở tù lại vào trại cai nghiện. Đùng cái, người ta gọi điện thông báo chồng tôi đã bị nhiễm HIV. Lòng tôi tan nát nhưng lúc nào cũng ráng an ủi, chăm sóc chồng. Anh ấy cứ khóc hoài, nói giờ hối hận cũng đã muộn rồi, rằng nếu biết trước ma túy có tác hại ghê gớm, phá hạnh phúc gia đình như vậy thì đã không dám lao đầu vào. Anh cầu mong tôi tha thứ. Anh bảo tôi đi xét nghiệm nhưng tôi sợ...”.

Sau khi chồng mất, chị H. ngã bệnh liệt giường. Đi xét nghiệm thì biết đã bị nhiễm HIV. Tháng 2.2009, chị được chuyển lên đây. Lúc đó, chị chỉ nặng 29 kg, phải nằm “giường lỗ” suốt một tháng. Chị bảo: “Đêm nào tôi cũng nghĩ về đứa con. Nó đã mồ côi cha, nếu mồ côi thêm mẹ thì tội quá. Nên tôi đã cố sống. Tôi cố ăn uống thật nhiều, giữ tinh thần không nặng nề nữa”. Chị khẳng định: “Bây giờ tôi khỏe rồi! Tết này tôi sẽ về với con”.

Chuyện đau lòng của những nam, nữ công nhân


Giờ cơm của bệnh nhân - Ảnh: Như Lịch

Điều dưỡng Lê Thị Dâu (23 tuổi), một trong những điển hình hết lòng vì người bệnh, khẳng định: số bệnh nhân bị lây nhiễm HIV từ chồng/vợ hoặc từ người yêu không phải hiếm. Trong những ca đó, cô không thể quên bi kịch của một chị công nhân tên Th.

Chồng chị Th. cũng là công nhân nhưng lén lút quan hệ với gái mại dâm. Anh này bị nhiễm HIV và đã lây sang vợ. Lúc chị Th. nhập viện, người chồng bỏ đi biệt tăm. Anh trai của Th. (cũng là công nhân tại TP.HCM) ở lại bệnh viện suốt hơn 1 tháng để chăm sóc. Một buổi tối giữa năm 2009, chị Th. hấp hối đúng vào ca trực của Dâu. Lúc đó, Dâu đang ghi hồ sơ bệnh án thì giật mình nghe chị Th. gào to: “Con ơi!”; “Mẹ ơi!”. Dâu và một chị điều dưỡng khác vội chạy đến giường chị. Thế là, một tay chị Th. nắm lấy tay Dâu, khẩn khoản trong mê sảng: “Mẹ xin lỗi con!”; còn một tay bám lấy người điều dưỡng kia và nói: “Con xin lỗi mẹ!”. Rồi chết không nhắm mắt...

Tại khoa Săn sóc đặc biệt, chúng tôi đã chứng kiến một nữ bệnh nhân tên Trần L., 23 tuổi, người Hoa, đang nằm thoi thóp trên giường. V., bệnh nhân phòng C6 “Điều trị bệnh Nhiễm trùng cơ hội”, người tự xưng là “má mì” một thời cũng chép miệng: “Tội nghiệp con nhỏ, có vẻ con gái nhà lành! Nó mới vào đây chừng 1 tuần. Khi tôi hỏi chuyện, nó bỏ ra ngoài đứng khóc. Nó nói đang đi học phải ngưng vì bệnh. Không hút xách gì, chỉ vì lỡ “quan hệ” bồ bịch mà ra nông nỗi này”. Khuôn mặt Trần L. xanh xao, gầy guộc nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp não nề. Ngày 22.1.2010, L. không thể tự tiêu tiểu được nữa. Một số người đoán rằng cô gái trẻ này sẽ “đi” trong nay mai. Trong khi đó, thân nhân của cô vẫn chưa có mặt.

Anh thủy thủ và giấc mơ biển cả

Tại khoa Lao, chúng tôi gặp S., 32 tuổi, quê Thanh Hóa. S. giải thích: “Tui sinh ra ở Thanh Hóa nhưng lưu lạc vào Nam từ năm 13 tuổi. Hồi đó, mẹ tui chết, cha lấy vợ khác và đuổi mấy chị em tui ra khỏi nhà. Còn nhỏ nhưng ai kêu gì làm nấy, miễn sao có cơm lót bụng. Sau này, tui chuyển sang làm nghề cào cá ở Phan Thiết   (Bình Thuận), Vũng Tàu, Cà Mau... Vài năm gần đây tui mới được lái tàu”. S. tâm sự, anh biết thân phận mình nghèo và mồ côi nên cố gắng sống lương thiện, không đua đòi ăn chơi. “Nhưng số tui nó nghiệt quá! Bình thường tui cũng kỹ lưỡng, hạn chế ba cái vụ gái trai. Vậy mà có đôi lần đi biển về, tiền bạc rủng rỉnh, mấy đứa bạn chài rủ tui nhậu xỉn rồi kêu gái đến. Tỉnh dậy, tui hết hồn vì không “bao bị” chi cả...”. Tháng 9.2009, phiếu xét nghiệm của S. cho kết quả dương tính với HIV! 

Mấy tháng nay, S. được điều trị lao phổi, lao hạch. Những lúc thấy sức khỏe khá hơn, S. tình nguyện làm phụ hồ, cắt cỏ, trồng rau... trong khuôn viên bệnh viện. S. ứa nước mắt khi kể rằng: có những lúc ngồi trên đồi cắt cỏ, nhìn xuống dưới kia là lòng hồ thủy điện Thác Mơ trải dài, S. tưởng tượng đó là biển cả. Và cây liềm trong tay S. như là chiếc vô-lăng cho S. tự do đưa con tàu lướt trên mặt sóng...

18 giờ. Cả ngọn đồi bắt đầu chìm dần vào màn đêm. Một vầng trăng khuyết treo lơ lửng trên đầu. Có con quạ đen từ đâu bay đến, lượn mấy vòng và buông mấy tiếng kêu thảng thốt. S. chắp tay: “Mong sao đêm nay đừng có người “đi”...”.  (còn tiếp)

Phóng sự của Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.