Mùa bão Mặt trời đã khởi động

18/04/2011 10:50 GMT+7

(TNO) Sau 3 năm chìm vào giấc ngủ sâu khiến không ít chuyên gia sốt suột, Mặt trời cuối cùng đã bắt đầu thức dậy.

Những vết đen Mặt trời, khu vực tối trên bề mặt Mặt trời do nhiệt độ của chúng thấp hơn các vùng xung quanh, đã xuất hiện thường xuyên hơn trên bề mặt quả cầu lửa.

Và Mặt trời đã vài lần phát ra các đợt bùng nổ trên bề mặt khí quyển và giải phóng năng lượng khủng khiếp trong vài tháng gần đây, bao gồm sự kiện hôm 14.2, vụ nổ mạnh nhất trong hơn 4 năm qua.

Tất cả các dấu hiệu trên cho thấy, Mặt trời đã bắt đầu chuyển mình thức giấc sau đợt ngủ đông kéo dài.

"Cuối cùng, chúng ta bắt đầu chứng kiến được vài hoạt động của Mặt trời”, Space dẫn lời Richard Fisher, người đứng đầu Bộ phận Vật lý Mặt trời tại trụ sở chính của NASA ở Washington, Mỹ.

 
Mặt trời đang bắt đầu sôi sục trở lại - Ảnh: NASA

Vào năm 2008, Mặt trời chìm vào trạng thái im lìm nhất trong gần 1 thế kỷ. Các vết đen của nó hầu như biến mất hoàn toàn, những đợt bùng nổ giảm hẳn và ngôi sao mang sự sống của chúng ta trở nên im lặng một cách kỳ quái.

Những lần ngủ đông như vậy không phải là chuyện mới mẻ. Nó xuất hiện theo chu kỳ 11 năm/lần. Tuy nhiên, điều khá bất thường ở đây là lần ngủ nghê này kéo dài lâu hơn thường lệ, đến nỗi một vài chuyên gia bắt đầu lo lắng rằng liệu khi nào tình trạng này mới ngừng lại.

Nhưng cuối cùng, sự chờ đợi ấy đã chấm dứt, cũng theo kiểu bất thường. Các vệ tinh di chuyển xung quanh quỹ đạo Trái đất đột nhiên phát hiện 2 đợt bùng nổ tia X (loại mạnh nhất) trên bề mặt Mặt trời, một vụ vào ngày 14.2 và sau đó là 9.3.

Kể từ khi giới khoa học lần đầu tiên ghi nhận các chu kỳ Mặt trời vào giữa thế kỷ 18, đã có 24 chu kỳ diễn ra. Theo chuyên san Space Weather Journal, chỉ có 4 chu kỳ từng khởi động chậm hơn chu kỳ hiện nay của Mặt trời.

Giới chuyên gia dự đoán hoạt động của Mặt trời sẽ lên đến đỉnh điểm vào tháng 5.2013. Như vậy Trái đất sẽ sớm chứng kiến những cơn bão Mặt trời mạnh khủng khiếp trong thời gian tới, mang đến hiện tượng cực quang tuyệt đẹp kèm theo những hiệu ứng phụ không mong muốn. Các vụ nổ có thể tàn phá vệ tinh, phá hỏng mạng lưới điện và đe dọa sức khỏe của các phi hành gia đang làm việc trên quỹ đạo Trái đất.

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.