Cá chuồn thân tròn, nửa trên có màu xanh nước biển, nửa dưới bụng màu trắng, nhiều vảy nhỏ. Mùa này, cá được bày bán tràn lan ở các chợ, từ miền xuôi đến miền ngược. Khác với các loại cá biển - thường ít tanh, cá chuồn mùi vị đặc trưng: tanh và có nhiều xương dăm nhỏ. Vì vậy, chọn cá và chế biến cá chuồn cũng phải đặc biệt tinh tế, nếu không, tốn tiền mà bữa ăn lại mất ngon.
Cá chuồn rất kén gia vị. Chúng chỉ hợp với sả, ớt, nén, tỏi, hành. Nên chế biến nó cũng phải đi kèm với những loại gia vị như thế, không thể khác được. Cá tươi, mua về mổ bụng, làm sạch ruột, rồi xẻ dọc bụng từ đầu đến gần đuôi, phơi nhẹ ngoài nắng. Sau đó, cho tỏi, ớt, củ nén, ít hành (cả củ lẫn lá) và một củ sả băm nhuyễn vào giã nát với muối hạt. Dùng hỗn hợp gia vị này trải đều khắp bụng cá, gấp cá theo cách: chia cá ra làm 3 phần, bẻ đuôi vào trước, rồi ép phần đầu cá vào... Cuối cùng dùng dây buôc chặt cá không để gia vị rơi ra ngoài khi chiên. Trước khi cho cá vào chảo dầu đang sôi, nếu muốn thịt cá dai, thơm, nhiều người còn kỳ công cho cá chuồn lên bếp than, nướng vừa vàng tới. Cá chiên dòn, thịt thơm ngon, lại cay cay ăn nóng thì không biết bao nhiêu cơm mới no! Cá chiên là vậy. Món nướng cũng hết sẩy! Cá ướp với sả, ớt vừa thấm, đặt lên vỉ than hồng cho chín tới rồi cuốn với bánh tráng, rau sống. Món này ăn phải chậm rãi một tí để nhai cho kỹ những chiếc xương nhỏ và cũng là cơ hội để thưởng thức cái vị ngọt của cá chuồn tươi. Ở quê, món cá chuồn cắt lát mỏng nấu canh với khổ qua cũng là món ăn siêu hạng. Vì cá tanh, còn khổ qua đắng nên hai thứ này mà "hợp làm một" rất khoái khẩu.
“Ai về nhắn với cội nguồn/Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”, câu ca dao ấy không ít thế hệ thuộc nằm lòng. Món cá chuồn kho với mít non đã gọt vỏ, thái tam giác. Lúc mít chín tới thì bỏ vài cọng ngò ta vào, nhưng nhớ đừng kho khô, để nước vừa xâm xấp với cá và mít là vừa... Với dân vùng trung du, nơi có nhiều lá sung thì cho lá này vào nồi thay cho lá ngò, quả là tuyệt chiêu!
Nguyễn Hữu
Bình luận (0)