Hàng chục ngàn hộ trồng cà phê ở Tây nguyên như ngồi trên lửa khi
cà phê đến kỳ thu hoạch lại không kiếm ra nhân công, giá xuống thấp, mất
mùa và đối mặt với nạn trộm cắp.
Nhiều chủ vườn tìm không ra nhân công hái khi cà phê vào kỳ thu hoạch - Ảnh: Trần Hiếu |
Đỏ mắt tìm người hái
|
Thiếu nhân công nên hiện nhiều vườn cà phê đã chín nhiều ngày còn chờ thu hái. Bà Nguyễn Thị Liên ở H.Đăk Đoa (Gia Lai) cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 2 ha cà phê. Những năm trước chúng tôi thuê 6-7 công nhân hái trong 10 ngày trở lại là xong, nhưng năm nay kiếm không ra người, dù đã đến các huyện trong tỉnh, rồi xuống tận Bình Định tìm. Đã có mưa nhỏ ở một vài nơi nên chúng tôi càng sốt ruột, bởi cà phê gặp mưa sẽ bung hoa, khi hái chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất vụ sau”.
Năng suất giảm, giá thê thảm
Theo nhiều chủ vườn thì năm nay, rất nhiều diện tích cà phê bị giảm năng suất 2-3 tấn/ha, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu. Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở H.Ia Grai (Gia Lai) trồng gần 3 ha cà phê cho biết diện tích này mỗi năm bà thu khoảng 35 tấn cà phê tươi, nhưng năm nay sẽ giảm mất chừng 10 tấn. Trừ tiền phân bón, công chăm sóc... thì với giá cà phê như hiện nay, mỗi ha cà phê chỉ thu khoảng 20 triệu tiền lời, thấp hơn rất nhiều so với những niên vụ trước. Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn còn lâm cảnh trắng tay vì vườn cà phê già cỗi, bị sâu bệnh, giá lại giảm.
Nỗi lo về giá cà phê cũng khiến các nhà vườn mất ăn mất ngủ. Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên dao động trong khoảng 33,6 - 34,8 triệu đồng/tấn, giảm sâu so với giá cà phê cùng kỳ của niên vụ trước với hơn 42 triệu đồng/tấn. Thời điểm này, cà phê tươi được thương lái mua vào từ 7.300 đồng/kg và trong vòng mười ngày trở lại giá đã giảm xuống còn 6.800 đồng/kg. Không ít nông dân vì tiếc đã không bán cà phê thu được từ niên vụ trước, nay lại dở khóc dở cười với tình trạng cà phê rớt giá thảm hại và chưa có dấu hiệu khả quan giá cà phê đảo chiều.
Anh Nguyễn Văn H., một chủ doanh nghiệp kinh doanh cà phê lớn ở Tây nguyên, nói: “Nhiều công ty kinh doanh cà phê phải vay tiền ngân hàng, huy động nguồn tiền bên ngoài để tích trữ cà phê từ niên vụ trước với giá cao. Giá lao dốc bất ngờ khiến họ bị thua lỗ nặng. Càng găm nhiều hàng càng lỗ. Như các năm trước chúng tôi phải lui tới nhiều nơi và liên hệ với thương lái để mua cà phê. Nhưng năm nay chúng tôi ngồi yên một chỗ chờ họ đem cà phê đến bán vì nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê không còn dòng tiền lưu động. Nếu giá như thế này, tôi dám chắc chỉ trong thời gian ngắn nữa, không ít doanh nghiệp đang găm hàng nhiều từ niên vụ trước sẽ phá sản”.
Bình luận (0)