Vụ việc tranh chấp được cơ quan tố tụng và chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc tưởng chừng sẽ sớm khép lại thấu tình đạt lý. Ai ngờ, 24 năm trôi qua, tất cả quay trở lại từ đầu khiến người mua đất hợp pháp phải gánh chịu quá nhiều thiệt thòi.
Ông Lê Văn Ngọc trình bày nỗi vất vả của gia đình bị hành lên hành xuống - Ảnh: Công Sơn |
Theo báo cáo xác minh của Sở TN-MT TP.HCM và UBND Q.Thủ Đức, phần đất tranh chấp có nguồn gốc do ông Trần Văn Cát, ông Nguyễn Văn Cảnh đứng bộ trước năm 1975 (ông Cát đứng bộ 9.250 m2, ông Cảnh đứng bộ 2.650 m2, cùng tờ bản đồ thứ 2 xã Hiệp Bình).
Khoảng năm 1960, ông Cảnh để cho vợ chồng ông Đoàn Văn Nhầm - bà Châu Thị Dực đến ở, trông giữ đất. Sau 1975, gia đình bà Dực tiếp tục quản lý và sử dụng phần đất này. Đến năm 1991, con ông Cảnh là Nguyễn Văn Chí đến gặp bà Dực yêu cầu trả lại.
Giữa ông Chí và bà Dực có thỏa thuận đền bù hoa màu, cây và đường đi tổng cộng 6 lượng vàng và bà Dực có làm giấy biên nhận đầy đủ.
Nhận đủ vàng vẫn không trả đất
Sau khi bồi thường xong, năm 1992 ông Chí lập ủy quyền cho ông Nguyễn Hữu Chắng sang nhượng một phần đất đã nhận lại của gia đình bà Dực cho ông Hoàng Văn Tiên với giá 40 lượng vàng. Hay tin, bà Dực khiếu nại lên UBND xã Hiệp Bình Phước xin được tiếp tục sử dụng phần đất đã trả. Cũng trong năm này, ông Chí làm đơn trả đất gửi UBND xã để lập thủ tục giao đất cho ông Tiên mở nhà xưởng.
Ngày 11.11.1995, ông Chắng tiếp tục lập thủ tục chuyển nhượng phần đất được ủy quyền còn lại cho ông Lê Văn Ngọc (ngụ Q.10). Sau đó, ông Tiên, ông Ngọc rào lưới B40 để giữ đất thì phát sinh tranh chấp với bà Dực. Ông Ngọc lập thủ tục xin sử dụng đất theo quy định và được UBND TP ra quyết định thu hồi, giao diện tích 176 m2 thuộc một phần thửa 306, tờ 10 cho ông Ngọc.
Bà Dực cho rằng, phần đất ông Ngọc mua nằm trong đất của gia đình bà đang sử dụng nên tiếp tục khiếu nại. Ngày 27.8.2001, UBND Q.Thủ Đức sau khi đối chiếu với các tài liệu đã ra Quyết định số 159/QĐ-UB không công nhận nội dung đơn tranh chấp đất của bà Dực, với lý do: Hiện thửa đất số 302, diện tích 793 m2 mà bà sử dụng không liên quan. Hơn nữa, việc đã nhận vàng và giao trả lại đất cho ông Chí là đã chấm dứt quyền sử dụng của bà trên phần đất này.
Ngày 24.12.2002, tại trụ sở TAND Q.Thủ Đức công khai xét xử sơ thẩm vụ kiện hành chính của bà Dực. Tòa cũng cho rằng: Phần đất ông Ngọc mua thuộc thửa 306 có nguồn gốc của cha ông Chắng đứng bộ trước giải phóng, còn phần đất của bà Dực đăng ký sử dụng hiện nay có nguồn gốc của ông Cảnh, 2 phần đất này nằm liền ranh nhau, không trùng khớp... nên bản án tuyên bác yêu cầu của bà Dực và khẳng định quyết định của UBND Q.Thủ Đức có hiệu lực thi hành khi bản án hành chính có hiệu lực pháp luật.
Sự thật cần được tôn trọng
Mặc dù đã có các quyết định của chính quyền địa phương và bản án của TAND Q.Thủ Đức nhưng việc mua đất của ông Tiên và ông Ngọc vẫn tiếp tục rắc rối. Vụ việc được đẩy lên cấp cao hơn.
Ngày 19.5.2003, TAND TP ra phán quyết hủy các quyết định của UBND Q.Thủ Đức với lý do: UBND Q.Thủ Đức chưa làm rõ các vấn đề như tình hình kê khai, sử dụng đất, việc thỏa thuận đền bù, giám định chữ ký... và thế là vụ việc quay trở lại điểm xuất phát.
Đến ngày 10.2.2010, UBND Q.Thủ Đức ra Quyết định số 787/QĐ-UB và 798/QĐ-UB giải quyết đơn của ông Tiên và ông Ngọc, trong đó nhận định: Việc người đại diện theo ủy quyền cho bà Dực cho rằng không có sự thỏa thuận của bà Dực với ông Chí về việc bồi hoàn là không phù hợp với thực tế, vì tại biên bản hòa giải ngày 30.3.1998 của UBND P.Hiệp Bình Phước, bà Dực thừa nhận cụ thể: “Tôi ở từ năm 1960 - 1991, ông Nguyễn Văn Chí đến yêu cầu trả đất để bán, gia đình tôi đã trả đất và nhận tiền bồi thường hoa màu 5 cây vàng và đường đi là 1 cây vàng”.
Mặt khác, gia đình bà Dực cho rằng phần đất tranh chấp do bà Dực mua của ông Cảnh trước năm 1975 là không phù hợp thực tế vì cho đến nay bà không có giấy tờ gì chứng minh cho việc mua bán này, đến khi ông Chí đến đòi lại đất ở nhờ thì giữa bà và ông Chí đã có sự thỏa thuận bồi hoàn 6 cây vàng. Trong khi đó, việc mua đất của ông Ngọc và ông Tiên lúc ấy có lập thủ tục và được UBND xã Hiệp Bình Phước xác nhận, là có cơ sở và chính quyền địa phương buộc bà Dực phải giao trả lại phần đất tranh chấp cho hai ông này.
Tuy nhiên, không hiểu sao hai văn bản trên vẫn không được thực hiện khiến cho sự việc cứ kéo dài vô thời hạn. Trong khi đó, ở vụ việc này UBND Q.Thủ Đức đã làm rõ các vấn đề như: tình hình kê khai, sử dụng đất, việc thỏa thuận nhận tiền đền bù, đã thẩm tra xác minh và ghi nhận ý kiến của các thành viên (hiện còn sống) từng ký biên bản ngày 23.7.1992 trước khi ban hành Quyết định 787/QĐ-UBND, giải quyết tranh chấp của bà Dực với ông Tiên. Việc ông Chí (con ông Cảnh) thỏa thuận với bà Dực theo biên bản ngày 23.7.1992 cũng đã thực hiện xong trong thực tế, có chính quyền địa phương chứng thực.
Rõ ràng quyền lợi của người mua đất được chính quyền công nhận phải được pháp luật bảo vệ và sự thật thực tế cần được các bên nghiêm túc tôn trọng.
Quyết định của chính quyền phải được thi hành
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng: “Với những tình tiết nêu trên, việc bà Dực tranh chấp quyền sử dụng đất là không có cơ sở. Gia đình bà được cho ở nhờ trên phần diện tích đất của ông Trần Văn Cát, ông Nguyễn Văn Cảnh. Sau khi ông Nguyễn Văn Chí - con của ông Cảnh có yêu cầu đòi lại đất, giữa ông Chí với bà Dực đã có thỏa thuận bồi hoàn cho hoa màu, đường đi tổng cộng là 6 lượng vàng. Hai bên đều thừa nhận sự việc này và có giấy biên nhận. Nếu gia đình bà Dực cho rằng mình đã mua đất từ phía ông Cảnh thì phải có chứng cứ để chứng minh sự việc trên. Nếu không có thì Quyết định 787/QĐ-UB và 798 QĐ-UB ngày 10.2.2010 của UBND Q.Thủ Đức phải được thi hành mới đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của ông Tiên và ông Ngọc”.
|
Bình luận (0)