Vựa của anh Đen cân trung bình 4 - 5 tấn dâu mỗi ngày - Ảnh: Hồng Ánh |
Cây đặc hữu
Phong trào trồng dâu trên núi Cấm lan truyền rộng rãi khoảng chục năm trước. Ban đầu, bà con trồng giống dâu bản địa, nhưng cho năng suất thấp và chua nên bán không chạy. Về sau, khi biết dâu Bến Tre trái to, vị ngọt, bà con xuống tận miệt vườn mua giống về trồng xen canh để tăng thêm thu nhập. Mùa này, lên núi Cấm theo đường chùa Phật Nhỏ sẽ bắt gặp những vườn dâu xanh mướt trổ trái oằn cây. Chỉ cần lội qua dốc núi dựng đứng sẽ thấy nhà vườn đang nhanh tay hái dâu chất đầy vào giỏ, rồi nối đuôi nhau gánh xuống núi.
Anh Chín Cư, một nông dân trồng dâu trên núi Cấm, nói: “20 công dâu của tôi ở tận chùa Phật Nhỏ. Tôi trồng xen canh với mít, măng mạnh tông được khoảng 500 gốc. Hổm rày vô đợt thu hoạch, chúng tôi phải dùng xe chở dâu xuống núi bán”. Năm nay thời tiết tốt, dâu cho trái trúng vụ, bình quân mỗi gốc thu hoạch từ 50 - 100 kg. Hiện anh cân cho thương lái với giá 5.500 - 6.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, anh bỏ túi trên 20 triệu đồng. Anh Chín Cư cho biết dâu là cây làm chơi mà ăn thiệt. Cây dâu dễ trồng, không phải tốn công phun thuốc hoặc bón phân nhiều như các loại cây khác. Dâu bắt đầu cho trái từ tháng 11 âm lịch kéo dài cho đến tháng 4 năm sau là thu hoạch. Nhờ trồng xen canh dâu mà gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định quanh năm. Hết mùa dâu lại đến mùa măng, mít, mãng cầu…
Xuất khẩu sang Campuchia
|
Dưới chân núi Cấm hiện có khoảng 3 vựa thu mua dâu. Theo anh Đen, một chủ vựa ở đây, trung bình mỗi ngày vựa anh cân từ 4 - 5 tấn dâu của sơn dân. Vào những ngày cao điểm, nhà vườn đem xuống cân đến trên 15 tấn. Hiện anh Đen có khoảng 160 mối trồng dâu trên núi Cấm. Năm nào cũng vậy, đến mùa thu hoạch dâu là vựa của anh thu mua chất đầy cả sân trước. Dâu ở đây chủ yếu bán sang các chợ đầu mối bên Campuchia. Nhiều năm gần đây, mặt hàng trái cây, đặc biệt là dâu núi Cấm được người dân Campuchia ưa chuộng. Dâu núi Cấm có hậu chua ngọt dễ ăn và phù hợp với túi tiền của dân nghèo nên bán rất chạy. Anh Đen cho biết năm ngoái, dâu được đưa rất nhiều sang chợ Tà Lợp, chợ Kirivong (tỉnh Ta Keo)… nhưng vẫn không đủ bán.
Bình quân mỗi ngày có đến 300 nhà vườn gánh dâu xuống bán, trong đó có rất đông đồng bào Khmer. Vừa đến dốc chùa Phật Nhỏ, chúng tôi gặp vợ chồng ông Chau Sóc và bà Neang Sa Mai đang mồ hôi nhễ nhại gánh trên vai 2 giỏ dâu nặng. Đăt gánh dâu xuống một tảng đá nghỉ xả hơi, ông Chau Sóc chia sẻ: “Vào 2 ngày thứ bảy, chủ nhật, vợ chồng tôi thường gánh dâu xuống bán cho khách tham quan Khu du lịch núi Cấm, ai cũng khen dâu ở đây ngon. Vụ này, với 100 gốc dâu xanh, tôi thu hoạch khoảng 4 tấn, cầm chắc trong tay trên 10 triệu đồng. Nhờ vườn dâu trên núi, nhà tôi có nguồn thu ổn định, sắp nhỏ được ăn học đàng hoàng”.
Mùa dâu trên núi Cấm còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại 2 xã An Hảo và Tân Lợi (H.Tịnh Biên), trong đó đa số là đồng bào dân tộc Khmer được mướn để gánh và lặt lá cho vườn dâu. Ông Chau Đăng, một lao động người Khmer, cho biết: “Mỗi ngày gánh 2 bận. Bận lên gánh hàng cho chủ quán, mỗi gánh kiếm được 60.000 đồng. Bận xuống gánh dâu, mỗi gánh nặng khoảng 50 - 60 kg, kiếm cũng được trên dưới 60.000 đồng, đủ nuôi sống gia đình”.
Hồng Ánh
Bình luận (0)