Mùa đông đang đến, trẻ em co ro trong rét làm sao được ấm?

Hai tai họa lớn nhất đe dọa đời sống con người thường xuyên là đói và rét.

Đói diễn ra nhiều nơi trong những đất nước đang có chiến tranh hoặc nền kinh tế nông nghiệp chưa phát triển. Đói có thể de dọa một bộ phận người này nhưng lại không phải là nguy cơ đối với một bộ phận người khác.
Cái đói dễ chống hơn, cụ thể là khi người ta được ăn no thì hết đói. Riêng cái rét rất khó chống bởi nó có mặt khắp nơi, nhất là khi mùa đông khắc nghiệt đến và kéo dài.
Đất nước ta ở vào vùng nhiệt đới, khí hậu tương đối nóng và ấm quanh năm nhưng cuối thu đầu đông, lúc gió mùa đông bắc về cũng là khi người ta cảm thấy rét. Đối với người châu Âu, không khí 20oC là nhiệt độ lý tưởng cho mọi hoạt động thì đối với chúng ta không khí ấy đã là rét rồi.
Đất nước ngày nay phát triển, người dân bình thường ra đường đã có được áo khoác, áo len, mũ len, khăn quàng cổ, găng tay, vớ giữ ấm cho thân thể. Vậy nhưng, nếu lùi lại 60 năm trước thì tình hình rét diễn ra trong dân ta là rất nghiêm trọng, nhất là ở vùng quê.

tin liên quan

Khi bà con 'đi mây về gió'
Nhiều năm trở lại đây, bà con ta đã có thói quen mua vé máy bay đi đây đi đó trong nước. Thói quen ấy phát triển là nhờ hoạt động hàng không dân dụng của ta ngày càng phong phú, đường bay an toàn, nhiều tuyến bay ngắn đến các tỉnh được mở ra thêm. 

Tôi từng là nạn nhân của cái rét dù quê tôi là miền Trung, không bị ảnh hưởng nhiều từ không khí lạnh và gió mùa đông bắc. Thời Pháp xâm lược, chúng tôi còn nhỏ, mỗi đứa trẻ có được hai cái áo, hai chiếc quần xà lỏn đã là sang rồi.
Cả xã không một ai có được chiếc áo chống lạnh. Đêm đông, nhà nhà khép cửa kín mít, chỉ chừa một khoảng cửa sổ nhỏ để lấy không khí mà thở. Những đứa bé gầy gò như tôi mặc hai cái áo, đắp chiếc chiếu nằm vẫn không bao giờ ngủ được tròn giấc. Ấy bởi vì đắp chiếu thì hở đầu và hở chân, cái lạnh ở hai khoảng hở đó vẫn tràn vào thân thể.
Ngày ấy ở các vùng quê của chúng ta không có chăn và mền. Ngành dệt tiểu thủ công chỉ có thể làm ra những thước vải thô sơ - gọi là vải tự túc, nhuộm một màu đen để may quần áo. Người nào sang lắm, khá lắm mới may được một cái áo.
Vải thiếu đến nỗi áo không bao giờ được may cổ sơ mi, chỉ may cổ tròn cho lợi vải. Căn bản, mỗi người chỉ có từ một đến hai bộ áo quần, khó bề thay đổi, điều kiện vệ sinh lại rất kém nên dễ xảy ra bệnh chấy rận. Quần áo đã thiếu thốn như vậy thì nói gì đến chuyện có một chiếc mền, chiếc chăn để đắp ấm trong đêm mùa đông?
Thiếu thốn vậy nên người ta phải đốt lửa sưởi ấm những đêm đông. Cũng may là thời ấy, cây củi còn nhiều, rừng chưa bị tàn phá. Cái “lò sưởi” thô sơ của người dân quê ngày ấy là một ông táo cũ làm bằng đất sét, có ba đầu chụm vào, đốt bằng củi hoặc than. Người ta đặt lên đó một nồi nấu nước hay rang bắp, đậu phộng để ăn chơi.
Lửa ngọn và sức nóng tỏa ra bốn bên. Cả gia đình ngồi chung quanh lò, hơ tay, hơ chân, xây lưng lại sưởi ấm. Khi đi ngủ, người ta cũng cố xây lưng lại chung quanh lò lửa, mong sức nóng tỏa ra ấm được cái lưng. Không hiểu sao cảm giác về cái lạnh luôn luôn bắt đầu từ cột sống...
Y học cho biết cái lạnh khiến người ta không làm chủ được mình nên có những phản ứng thần kinh vô nghĩa. Người bước ra ngoài trời lạnh đột ngột hay mới lội sông, đi mưa về thường bị run rẩy tay chân, hai hàm răng đánh cạp vào nhau, ngón tay và ngón chân móp méo gần như tê liệt.
Những nghiên cứu mới nhất của y học gọi đó là tình trạng bệnh lý giảm nhiệt (Hypothermia) khiến con người run rẩy, rùng mình, thậm chí mất kiểm soát đến nỗi có thể nói nhảm, nói vô nghĩa. Ở những vùng đất có băng giá, nghĩa là không khí lạnh dưới 0oC, người ta còn bị bệnh lý cóng giá (Frost bite - theo y văn của Mỹ). Trong hội chứng này, tay, chân, mũi, hai tai, hai má tê cóng đi dù không bị đóng băng.
Tình hình giảm nhiệt, cóng giá và mùa đông quá lạnh có thể đưa con người đến hội chứng trầm cảm mùa đông mà y học gọi chung là Blues Winter. Trong hội chứng này, con người buồn bã, tâm trạng rất xấu, mất hết cả nghị lực sống, nguồn sống. Đời sống thân xác của họ rất tàn tạ. Nếu sống đơn độc và phương tiện cứu hộ không đến kịp thời, họ có thể chết vì đông máu.
Ở những quốc gia có vùng băng tuyết hay khí hậu lạnh giá, về mùa đông việc chống lạnh được đặt lên hàng đầu. Một quốc gia giàu như Mỹ mà nghe tin bão tuyết đến, thành phố văn minh bậc nhất như New York cũng phải ra lệnh cấm người dân ra đường.
Bão tuyết đến thì chỉ có xe xúc tuyết, xe cứu thương và xe cảnh sát được hoạt động. Những mùa đông khắc nghiệt ở Mỹ cho người ta thấy rằng không có nhà giàu nào chết vì rét, chỉ có những người vô gia cư ngủ trên đường phố hay dưới dạ cầu mới chết. Họ chết vì thiếu quần áo và tấm đắp chống lạnh.
Con người có thể chống lạnh được với điều kiện không đi ra khỏi nhà; có quần áo, mũ len, giày vớ, găng tay, khăn quàng cổ đầy đủ. Ăn theo thuở, ở theo thời, người sống ở vùng giá lạnh và khí hậu lạnh biết mình phải mặc như thế nào, phải ăn cái gì thì mới đủ khả năng chống chọi với cái rét mùa đông.
Những con người vùng lạnh thường mặc áo bằng các loại da động vật, ăn nhiều thịt, chú trọng lượng mỡ. May một điều là mùa đông đến, cả thiên nhiên trở thành một cái “tủ lạnh” khổng lồ, tốt hơn cả tủ lạnh nhân tạo. Người ta làm thịt gia súc nguyên con, treo lên và khi cần thì cắt ra ăn dần.
Nói đến đây, tôi bỗng nhớ lại những thước phim của các đài truyền hình về các em học sinh ở các tỉnh miền cao biên giới phía Bắc. Trẻ con ta phần lớn nhà nghèo, nhiều em không có được chiếc áo, chiếc mũ chống lạnh đi học.
Có khi các em ngồi trong lớp được thầy cô đốt cho bếp lửa sưởi ấm nhưng đôi chân trần không giày, không vớ vẫn co ro, không biết giấu vào đâu cho hết lạnh.
Nhiều nhà hảo tâm đã vận động hoặc tình nguyện đóng góp cho các em trường dân tộc nội trú một tuần vài ba ngày ăn những bữa “cơm có thịt”. Nhiều nhà hảo tâm và các đoàn thể thanh niên, mặt trận, phụ nữ ở Hà Nội và các thành phố phía Bắc đã đem tặng cho các em áo chống lạnh, mũ len, áo khoác.
Nhu cầu thì khá lớn nên số lượng vẫn chưa đủ, đặc biệt là cho trẻ em ở nhưng làng bản xa xôi, hẻo lánh. Ở cao nguyên miền Trung, mùa đông về cũng lạnh lắm. Con em học sinh các dân tộc cũng đang rất cần áo chống lạnh, mũ, giày, vớ đi học mùa đông. Mong sao, bà con ta mở rộng tấm lòng đùm bọc, giúp đỡ cho các em có thêm được phương tiện chống lạnh.
Sự thay đổi khí hậu và những hiện tượng cực đoan của thời tiết đang thử thách đất nước chúng ta, mùa hè thì nóng quá và mùa đông có thể sẽ lạnh cóng. Trẻ con đi học đang cần được mặc ấm để chống lạnh. Thiếu nhi cả nước có thể gửi tặng bạn những bộ quần áo còn tốt nhưng không dùng nữa, đặc biệt là áo chống lạnh.
Nhiều trường tiểu học và phổ thông cơ sở đã làm được nghĩa cử này. Rất mong các nhà trường khác ở các tỉnh và thành phố phía Nam phát huy tinh thần gửi áo quần tặng bạn nhỏ vùng lạnh. Chắc chắn tổ chức đoàn đội trong nhà trường sẽ làm tốt việc này.
Mùa đông đang đến. Có gì hay hơn một tấm áo chống lạnh cho em thơ mùa đông. Đâu đó trên núi cao, rẻo xa của những vùng núi rừng lạnh lẽo, một bộ phận lớn con em chúng ta đang đi chân trần, thiếu áo chống lạnh, ngồi trong lớp mà viết chữ không được và đôi chân trần tội nghiệp không biết giấu vào đâu.
Một tấm áo chống lạnh, một chiếc mũ, một đôi giày, một đôi vớ cho các em là cả tình thương và lòng chia sẻ, làm ấm lòng nhau trong những ngày đông giá!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.