Mua hàng livestream, lợi bất cập hại

21/12/2023 17:14 GMT+7

Hình thức mua bán online, livestream đang nở rộ, mang lại nhiều tiện ích hơn cho người tiêu dùng nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp "ôm cục tức" hoặc dở khóc dở cười...

Những gáo nước lạnh 

Mua hàng livestream, lợi bất cập hại- Ảnh 1.

Hình ảnh rao bán khác xa sản phẩm thực tế nhận được và thái độ "quăng cục lơ" khi bị bóc phốt

NVCC

Chị N.M.H, ngụ tại P.Phước Kiểng, H.Nhà Bè (TP.HCM) kể lại trường hợp của chính mình khi mua hàng qua mạng: "Mới đây, tôi nhìn thấy một trang Facebook là Tione Decor bán hàng trang trí nội thất qua mạng, tôi khá ưng ý một chiếc đồng hồ treo tường có đèn LED và quả lắc nên liên hệ tin nhắn để được tư vấn. Nhân viên bán hàng rất vồn vã, giới thiệu nhiệt tình và chốt giá 300.000 đồng. Ngoài ra còn có bán kèm remote để tắt đèn từ xa với giá 30.000 đồng. Tôi tin tưởng nên chuyển tiền trước, nhận hàng sau. Tuy nhiên, đến khi nhận hàng thì hỡi ôi chiếc đồng hồ cũng có quả lắc nhưng được gắn cố định, không thể nào di chuyển được. Tôi lập tức liên hệ lại nhân viên bán hàng hôm trước để khiếu nại nhưng người này chỉ trả lời gọn lỏn là đồng hồ lắc có giá cao hơn, sau đó im bặt không hề trả lời dù tôi gửi rất nhiều tin nhắn". 

"Mua bán qua mạng bằng hình ảnh rõ ràng thuận tiện cho người tiêu dùng, nhất là nhân viên văn phòng không có nhiều thời gian để shopping, nhưng đôi lúc người mua lại chịu những gáo nước lạnh như vậy. Vì giá trị không cao nên tôi cũng nín nhịn cho qua, nhưng khá ấm ức", chị N.M.H đúc kết. 

Thường xuyên theo dõi một kênh Youtube livestream bán hàng, chị N.T.P, ngụ tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng gặp trường hợp "dở khóc dở cười" khi bị ép mua hàng mỗi khi vào xem trực tiếp. "Chủ kênh sau vài lần mua bán đã làm quen với tôi và sau đó, mỗi khi livestream bán hàng nhìn thấy tôi chào thì lập tức gọi tên, ép mua để "mở hàng". Tôi chưa kịp trả lời thì H.T.G đã nhanh chóng tự chốt đơn và ngày hôm sau đã gửi hàng đến nhà tôi, vì là đơn 0 đồng nên người giao hàng cứ treo ở cửa. Lần đầu tôi còn cả nể nhận hàng nhưng vài lần sau tôi nổi nóng trả hàng lại vì mua bán kiểu ép mua như thế đâu có được", chị P. bức xúc. 

Gặp một trường hợp khác "khó đỡ" hơn, anh N.C.N, ngụ tại Q.11 (TP.HCM) kể: "Tôi thích trồng cây nên hay xem các trang Facebook bán cây cảnh online, hôm đó nhìn thấy cây trầu bà Nam Mỹ và rất thích, tôi vào hỏi người bán thì được chào giá 500.000 đồng, tôi chần chừ suy nghĩ vài hôm chưa vội mua, khoảng mấy ngày sau tôi liên hệ lại thì giá cây trầu bà đã được nâng lên gần 800.000 đồng với lý do là... cây lớn hơn trước, cây nhỏ đã hết rồi". 

Đừng để "sớm nở tối tàn"

Mua hàng livestream, lợi bất cập hại- Ảnh 2.

Livestream bán hàng chuyên nghiệp và uy tín, hậu mãi chu đáo sẽ không bị đào thải khỏi cuộc chơi

Chia sẻ kinh nghiệm livestream bán hàng qua các nền tảng mạng xã hộị, anh T.M.K, ngụ tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chủ một kênh Youtube có khá đông khán giả theo dõi, bộc bạch: "Những KOL có có số lượng người xem đông có thể đi theo nhiều hướng khác nhau, có người xây dựng hình tượng hotgirl, hotboy, có người đi theo kiểu hoạt ngôn, hài hước, và cũng có những người lựa chọn các vấn đề nổi cộm trên xã hội để phản biện, bảo vệ quan điểm... Tuy nhiên, dù lựa chọn con đường nào thì kinh doanh online, bán hàng qua mạng so với buôn bán truyền thống vẫn phải xây dựng thương hiệu, uy tín và đáp ứng các quy định của pháp luật. Hiện nay, ai cũng đổ xô bán hàng online nhưng nếu không có nguồn hàng chất lượng, không giữ uy tín của kênh thì sẽ gặp phải tình cảnh sớm nở, tối tàn". 

N.M.T, chủ một kênh Youtube khác ngụ tại P. Trường Thọ, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã có kinh nghiệm nhiều năm bán hàng online, ngậm ngùi chia sẻ: "Tôi không có ngoại hình, cũng không có tài năng nổi bật nên chỉ có thể "đu trend" câu kéo khán giả ủng hộ mua hàng. Nhưng đu trend rất rủi ro, khi cao trào có đông người ủng hộ, nhưng khi qua trend rồi thì người ta bỏ đi hết. Tôi đã từng bán được rất nhiều hàng, kinh doanh khấm khá nhưng đến nay đã qua những drama thời sự nên người xem ít lại, hàng bán chậm. Tôi không thể duy trì được mặt bằng nên định tết này thanh lý hết hàng hóa để về quê".  

Mester Chef Phan Tôn Tịnh Hải, người khá nổi tiếng trong lĩnh vực ẩm thực cũng chia sẻ: "Tôi dành nhiều thời gian để phát triển văn hóa ẩm thực, hiện nay tôi đang tham gia mạng xã hội để bán những sản phẩm đích thân mình làm ra. Quan điểm của tôi là dù làm ở lĩnh vực nào cũng cần tâm huyết và giữ vững uy tín, chất lượng. Bán hàng online cũng là xu hướng chung vì người tiêu dùng đang dần quen với cách này, nhưng bản thân tôi cho rằng hình thức nào thì cũng chân tình, gần gũi, thật tâm mới duy trì lâu bền được". 

Nhiều chuyên gia dự báo, sự bùng nổ của mạng xã hội và các kênh truyền thông giúp người tiêu dùng ở nông thôn dần tiếp cận thông tin và yêu cầu chất lượng sản phẩm cao hơn và thị trường này còn rất rộng lớn để khai thác. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng online sẽ luôn đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao hơn, chủ động hơn trong việc được lựa chọn quyền mua, quyền được phục vụ… so với các giao dịch mua bán truyền thống. Do vậy, những nhà bán hàng online cần đầu tư vào chất lượng sản phẩm thay vì kiểu "ăn xổi ở thì" phục vụ lợi ích trước mắt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.