Qua nhiều thế hệ, lực hút ấy vẫn không thay đổi", nhà báo Dương Thành Truyền chia sẻ tại buổi ra mắt sách Mùa hè không tên của Nguyễn Nhật Ánh.
Sáng 19.9, tại NXB Trẻ (Q.3, TP.HCM), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có buổi giao lưu ra mắt tác phẩm mới nhất Mùa hè không tên.
Mùa hè không tên là tác phẩm thứ 3 của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - sau những Hạ đỏ, Ba bước tới mùa hè - viết về mùa của phượng vĩ, nơi đó nhà văn trải lòng về những ký ức bàng bạc của bản thân, về một thời đã qua không bao giờ trở lại.
Nhà văn lý giải về tên gọi ngắn gọn, mộc mạc của tác phẩm mới: "Đó là mùa hè thật đặc biệt với tôi. Sau mùa hè đó, cuộc sống của tôi đã thay đổi mãi mãi. Vì vậy, tôi muốn đặt cho nó một cái tên để nó không giống với những mùa hè khác trong đời mỗi khi tôi nhớ về. Tôi định gọi nó là mùa hè chia tay, mùa hè ưu tư, mùa hè định mệnh, hay sến sẩm một chút là mùa hè có mây tím bay nhưng rồi tôi thấy không cái tên nào thật sự phù hợp. Cuối cùng, tôi nghĩ nếu cần phải có một cái tên thì tôi sẽ đặt tên cho nó là mùa hè không tên".
Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Mùa hè không tên có những câu chuyện tuổi thơ với vô số trò tinh nghịch, những thoáng thinh thích hồi hộp cùng vô vàn kỷ niệm. Để rồi khi những tháng ngày trong sáng của tình bạn dần qua, bọn nhỏ trong mỗi gia đình bình dị lớn lên cùng chứng kiến những giây phút cảm động của câu chuyện tình thân, nỗi khát khao hạnh phúc êm đềm, cùng bỡ ngỡ bước vào tuổi lớn nhiều yêu thương mang cả màu va vấp".
Họa sĩ Hoàng Tường cũng góp phần quan trọng làm nên phiên bản bìa cứng in màu đẹp với 25 hình minh họa lớn và rất nhiều minh họa nhỏ xen kẽ.
Truyện dài cũng có thể là... tập thơ
Tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh một lần nữa đưa bạn đọc hồi tưởng về tuổi thơ của tác giả ở ngôi làng ông từng lớn lên bên lũ bạn chơi nhiều trò tinh nghịch; truyện kể về những cô bé, cậu bé như Khang, Nhàn, Chỉnh, Tí, Cúc, Đính… Cũng nơi ấy, những mùa hè của ông trôi đi, mãi mãi nằm lại, để hôm nay, nhà văn kể lại với một tâm thế nhiều ưu tư, suy tưởng.
Câu chuyện mà Nguyễn Nhật Ánh tìm về và cơi nới qua từng chi tiết, mạch truyện cũng là câu chuyện của rất nhiều đứa trẻ khác nhưng với nhà văn, "hấp lực" của ngày xưa thơ mộng đó lại mang dụng ý nghệ thuật. Ở tác phẩm Mùa hè không tên, những dòng văn của tác giả có sự thoải mái và ấm áp, như khi kể về những ký ức mình thương quý. Điểm nhấn trong tác phẩm còn là những đoạn thơ trong veo và cách kết thúc rất đặc bệt.
Bìa sách Mùa hè không tên
NXB Trẻ
Ông làm nhiều bài thơ lồng vào tác phẩm của mình. "Hồi đó/Con gà còn là quả trứng/Cơn mưa còn là đám mây/Người yêu chưa là người yêu cũ/Tôi chưa là tôi hôm nay//Hồi đó/Thứ hai còn là chủ nhật/Mưa thu còn vướng gió hè/Con kiến còn trách con ve/Ông La Fontaine chưa chết…". Hẳn nhiều độc giả sẽ thích thú nhận ra có nhiều đoạn thơ hay… đến lạ xuất hiện trong tác phẩm mới này. Nhà văn dí dỏm nói cuốn sách của mình cũng có thể là… tập thơ do sự "thiếu kiểm soát cảm xúc" của tác giả nên để phần văn chen vào "hơi quá lố".
Trả lời câu hỏi chất vấn của nhà báo tại sao trong các tác phẩm gần đây của mình, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay có kết thúc buồn khiến cho độc giả… khổ sở mà không biết phải làm sao, ông nói: "Khi bắt đầu viết, tôi chỉ có vài phác thảo sơ lược, còn nhân vật ấy đi đến đâu, sướng khổ thế nào, cuốn sách có kết thúc dang dở hay có hậu là tùy vào tình huống, cùng với sự va đập của đời sống mà chúng có đời sống đau đớn hay hạnh phúc".
Nhà văn - nhà báo Dương Thành Truyền bày tỏ: "Tôi rất vui vì vẫn còn rất nhiều bạn trẻ tìm đọc Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có độ gây nghiện đặc biệt. Thậm chí khi mang sách của nhà văn sang Đức, bạn đọc nhiều thế hệ cũng tìm đến chúng tôi với mong muốn được đọc sách Nguyễn Nhật Ánh. Vì vậy, tôi tin rằng Mùa hè không tên sẽ tiếp tục là tác phẩm thu hút nhiều thế hệ độc giả cùng tìm đọc để tìm lại khung trời tuổi thơ mình".
Bình luận (0)