Mùa hè năm Petrus

26/01/2013 03:20 GMT+7

Thật bất ngờ khi đọc truyện dài Mùa hè năm Petrus của Lê Văn Nghĩa vừa phát hành, khác hẳn những truyện trào phúng của ông trong hơn hai mươi năm qua.

Sách dày gần 500 trang nhưng có sức hấp dẫn, lôi cuốn lạ lùng, đã đọc là phải đọc một mạch. Mạch văn trong sáng, tự nhiên và cảm động… như tác giả viết khi mười sáu tuổi chứ không phải ở tuổi sáu mươi và vừa qua một cơn bạo bệnh.

Mùa hè năm Petrus 

Bởi đó là những kỷ niệm đẹp của những tháng năm đẹp nhất đời người mà Lê Văn Nghĩa đã hồi tưởng, sống lại với biết bao kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò. Là những chuyện học hành, thi cử, nghịch ngợm của đám học trò con trai lớp đệ tứ 7, năm cuối cấp, như chuẩn bị “lột xác” để lên đệ tam (lớp 10 bây giờ), bước sang cái tuổi “chưa lớn nhưng không còn nhỏ nữa”, tuổi học làm người lớn. Học đủ thứ, từ những bài học bắt buộc trong nhà trường đến những chuyện bên ngoài cửa lớp. Và cũng đã biết mơ mộng vu vơ về cô bé hàng xóm hay các bạn nữ sinh của các trường nữ trung học danh tiếng ở Sài Gòn bấy giờ như Trưng Vương, Gia Long (nay là Nguyễn Thị Minh Khai)… mỗi khi có dịp giao lưu, gặp gỡ (vì thời bấy giờ các trường công lập dành cho nam và nữ riêng biệt). Môi trường học tập tuyệt vời của những ngôi trường ấy là học ra học, chơi ra chơi. Những Dũng, Thạch, Hòe, Chương, Mai… ngoài việc học ra còn mê thơ văn, đàn hát, kịch cọt… Không chỉ là những trò phá phách, nghịch ngợm với bạn bè, thầy cô mà còn có những đoạn rất cảm động, như đoạn Mai tuy rất có khiếu và rất mê kịch nhưng nhà nghèo, cha mất sớm vì bệnh lao, đã vào nhà sách Khai Trí “coi cọp” (đứng coi mà không mua), rồi lén lấy cắp cuốn sách học kịch, bị ông chủ bắt được nhưng chỉ bắt làm kiểm điểm rồi cho về, còn tặng luôn cuốn sách ấy và bảo: “Mai mốt thành kịch sĩ nổi tiếng khi nào diễn nhớ mời tôi đi xem nhé”.

Khép sách lại, tôi nghĩ, đây không chỉ là một truyện viết về trường xưa bạn cũ Petrus Ký, mà còn dành cho những ai đã từng đi học, ở những ngôi trường khác, thầy cô khác với bao kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò. Truyện còn gợi ra bao nhiêu điều về một phương pháp giáo dục sáng tạo đầy tính nhân văn, thầy ra thầy, trò ra trò. Những người thầy, cả khi trên bục giảng lẫn trong đời thường, luôn là những con người mẫu mực đáng kính, tạo những dấu ấn sâu sắc trong tâm khảm học trò, đến nhiều chục năm sau vẫn còn rưng rưng khi nghĩ về thầy cô.

Lê Văn Nghĩa rất giàu kỷ niệm nên đã sớt chia với những bạn đọc của ông.

Phạm Chu Sa

>> Sách “vỡ lòng” về biển đảo cho trẻ
>> Sách ngôn tình mất tiếng
>> Câu lạc bộ đổi sách Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.