Mùa hè vất vả

21/07/2012 03:50 GMT+7

Hè là khoảng thời gian các em nhỏ được vui chơi thỏa thích, hoặc tham gia những lớp học năng khiếu. Nhưng với những học sinh vùng nông thôn, mùa hè chính là mùa cơ cực nhất...

Cậu bé Bành Anh Vũ mà chúng tôi gặp trên đường Phan Đình Phùng (Đà Nẵng) không giống những cậu bé bán vé số khác. Vũ ốm nhom, đen nhẻm, lễ phép, nói năng nhỏ nhẹ, mời khách mà không kèo nhèo. Hỏi ra mới biết, Vũ vốn là học sinh giỏi một trường tiểu học ở H.Quế Sơn (Quảng Nam). Vừa bước vào hè, Vũ đã rời gia đình ra Đà Nẵng bán vé số. "Nhà cháu đông anh em, nên ba mẹ làm bao nhiêu cũng không đủ tiền chi tiêu trong gia đình. Mấy đứa em cháu thì cứ than ăn không đủ no", Vũ tâm sự. Cũng vì lý do đó, từ năm nghỉ hè lớp 4, Vũ đã một mình vào TP.HCM để bán vé số. 3 tháng hè, trừ tiền ăn ở đi lại, Vũ dư ra được hơn 7 triệu đồng mang về đưa ba má đóng tiền học cho anh em trong nhà.

"Cháu cũng may mắn, ra Đà Nẵng có cô kia thấy tội, cho ở nhờ. Quán ăn kia thì cho bữa trưa, nên chi phí cũng ít lại, hy vọng mang được nhiều tiền về giúp ba mẹ", Vũ hào hứng kể.

Cũng có một số em học sinh phụ việc trong những cơ sở sản xuất tư nhân gần nhà với mong muốn giúp gia đình. Nguyễn Thị Trinh - học sinh xã Điện Phước, H.Điện Bàn, Quảng Nam - cho biết 14 tuổi đã có 5 năm đi làm. Em bắt đầu làm việc từ 6 giờ và kết thúc lúc 16 giờ. Công việc là sơ chế cá tươi, sắp cá lên vỉ mang ra ngoài trời phơi nắng, gỡ cá đã phơi khô ra rồi xếp lại thành một lát cá bò khô thành phẩm. Mỗi kg cá tươi được dán lên vỉ, các em hưởng 2.000 đồng. Mỗi ngày, thu nhập từ 50.000 đến 70.000 đồng. "Nhưng ngồi lâu cũng mỏi lắm, lại hít hoài mùi cá nên dễ bị viêm mũi", Trinh chia sẻ. Ở xưởng cá này, có hơn 10 học sinh tranh thủ mùa nghỉ hè để kiếm thêm thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Tư - chủ xưởng cá cho hay các em làm việc rất nhanh nhẹn, lại chăm nên được ưu tiên khi tuyển dụng. "Nghề này đơn giản, dễ kiếm tiền nên tụi nhỏ đến xin làm dịp hè đông lắm", bà Tư nói.

Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Nhi - chuyên viên phòng Lao động - Thương binh và Xã hội H.Điện Bàn, nghề dán cá bò được xếp vào nghề nặng nhọc, các em phải ngồi khom lưng dán cá bò với một tư thế trong nhiều tiếng đồng hồ, trong môi trường ô nhiễm đặc trưng do mùi hải sản ở các xưởng chế biến, sản xuất cá bò.

Diệu Hiền

>> Trích tiền “Nuôi heo đất” giúp học sinh nghèo
>> Đỡ đầu học sinh nghèo
>> Giúp học sinh nghèo
>> Chương trình cho học sinh nghèo miền Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.