Mưa lũ hoành hành ở miền Trung

03/10/2010 18:10 GMT+7

* 3 người thiệt mạng (TNO) Mưa lớn liên tục ở nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung đã làm mực nước của các sông tại khu vực này dâng cao, gây ngập úng, sạt lở, chia cắt nhiều tuyến đường bộ, đường sắt...

Quảng Trị gồng mình trước mưa lũ

Sau đợt mưa kéo dài từ ngày 29.9 đến 3.10, tỉnh Quảng Trị đã hứng chịu một lượng nước khổng lồ. Nước từ thượng nguồn đổ về vùng hạ lưu và tạo nên nhiều “túi nước” tại các địa phương trong tỉnh.


Người dân thôn Trường Phước (xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng) bồng con chạy lũ

Theo báo cáo chiều tối nay (3.10) của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Trị, lượng mưa trên địa bàn phổ biến từ 400 - 500mm, cá biệt nhiều nơi đạt ngưỡng 550mm.

Từ 12 giờ trưa nay thì hầu hết các sông ở Quảng Trị đều vượt các mức báo động. Cụ thể sông Thạch Hãn tại thị xã Quảng Trị là 4,12m (vượt báo động II 0,12m); sông Ô Lâu - Thác Ma tại Hải Sơn (H.Hải Lăng) là 5,02m (vượt báo động III 0,02m)...


Người dân xã Hải Lâm phải tìm chỗ cao để đứng chờ nước rút

Liên tiếp trong 2 ngày qua, tại nhiều địa phương ven biển liên tục xảy ra gió lốc. Sau trận lốc mạnh tại xã Trung Giang (H.Gio Linh) thì vào chiều tối 2.10, tại thôn Trung An - xã Hải Khê (H.Hải Lăng) một trận lốc khác đã làm hư hỏng 1 chiếc ghe và làm tốc mái 8 nhà dân (nâng tổng số nhà bị tốc mái trên toàn tỉnh vì gió lốc, gồm nhà dân, nhà văn hóa, nhà trẻ... xấp xỉ con số 30).

Cùng với đó, nhiều diện tích lúa tại TP Đông Hà và huyện Gio Linh chưa thu hoạch kịp cũng bị ngập úng và nhiều cây lâm nghiệp bị gãy đổ vẫn chưa thống kê được.


Tại xã Hải Lâm, đoàn kiểm tra đến thăm, động viên và đề nghị các gia đình nhanh chóng chuyển đến nơi an toàn

Chiều 3.10, PV Thanh Niên cùng với đoàn của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Trị vào thị sát tại huyện vùng trũng Hải Lăng. Vào thời điểm hiện tại, nhiều xã trên địa bàn huyện đã chìm trong biển nước, đặc biệt là tại xã Hải Thọ, Hải Lâm, Hải Tân…


Gió mạnh vẫn quần đảo mạnh

Tính đến 15 giờ 30 cùng ngày, các tuyến đường trọng yếu của huyện như Hải Thiện - Hải Thành - Hải Quế; Hải Sơn - Hải Tân - Hải Hòa; chợ Mỹ Chánh - xã Điền Hương (H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đều đã bị nước chia cắt và không thể lưu thông được.


Nhiều nhà dân, trụ sở làm việc nằm sát sông Ô Lâu (thuộc xã Hải Chánh, H.Hải Lăng) mấp mé mép nước

Toàn huyện có hơn 2.000 hộ dân nằm trong vùng bị ngập nước nhưng mới chỉ di dời được 330 hộ của xã Mỹ Chánh lên nơi an toàn.

Ông Phan Văn Linh - Chủ tịch UBND H.Hải Lăng cho biết thông tin đáng tiếc vừa được báo về, đó là một em nhỏ 2 tuổi tại xã Hải Sơn đã chết đuối.


Nhiều nơi không thể phân biệt được đâu là sông đâu là chỗ nước ngập

Tại xã Hải Lâm, đoàn kiểm tra đã phải đi bằng phương tiện thuyền máy để vào sâu trong vùng ngập nước. Tại đây không thể phân biệt được đâu là sông đâu là chỗ bị nước ngập, dòng nước đục ngầu vẫn cuồn cuộn đổ từ thượng nguồn về đã biến thôn Xuân Lâm, thôn Trường Phước của xã thành những ốc đảo, chỉ nổi nhà cửa lên trên.


Phương tiện duy nhất để vào sâu trong vùng ngập lũ là thuyền

Chị Nguyễn Thị Tuyết (35 tuổi, thôn Trường Phước) là gia đình nằm trong diện phải di dời khẩn cấp nhưng vẫn còn ở lại trong ngôi nhà xiêu vẹo sát mép sông mếu máo: “Chồng tui mất, chừ tui một nách 4 con, chạy lụt không kịp…”.


Đường qua xã Hải Thọ (huyện Hải Lăng) bị ngập sâu, giao thông chia cắt hoàn toàn

Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, Phó Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã yêu cầu chính quyền địa phương đưa gia đình chị Tuyết đến nơi an toàn trước buổi tối nay, đồng thời khuyến cáo thêm: “Nếu đêm 3.10, tiếp tục có mưa thì nước sẽ còn dâng cao nên mọi nỗ lực đều cần tập trung vào việc di dân ra khỏi nơi nguy hiểm, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra…”. (Nguyễn Phúc)

Hà Tĩnh: Hai người chết do nước lũ cuốn trôi

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đang lên, riêng sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) và sông Gianh (tại Quảng Bình) đang ở mức cao. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập sâu ở vùng trũng, hạ lưu các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Ông Đinh Văn Tân, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: huyện Hương Khê đang huy động lực lượng bộ đội, công an phối hợp với các cấp chính quyền địa phương khẩn trương di dời gần 2.000 hộ dân thuộc 14 xã vùng hạ lưu thủy điện Hố Hô đang thi công. Công tác di dời dân ở các xã vùng hạ lưu thủy điện cần tiến hành nhanh chóng vì mưa ngày càng to và nước lên rất nhanh.

Tại thủy điện Hố Hô, nước xả tràn lên mức trên 1m, một trạm bơm ở đây đã bị nước lũ cuốn trôi, hệ thống điện lưới bị tê liệt. Lãnh đạo xã Hương Liên cho biết: Trong mấy ngày gần đây, mưa to đã làm ngập hàng chục hecta hoa màu và lúa vụ mùa; xã lại nằm trong vùng xả lũ của thủy điện Hố Hô nên chính quyền đã tiến hành cho di dời hàng chục hộ dân với hàng trăm người là người già và trẻ con đến nơi ở an toàn; đồng thời, tổ chức lực lượng bảo vệ gìn giữ tài sản giúp nhân dân trong lúc nước lũ đang lên nhanh.

Tại thủy điện Hố Hô mực nước thượng lưu nhà máy đã vượt trên đỉnh đập 0,4m phải xả tràn.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh đã có mặt tại huyện Hương Khê để trực tiếp chỉ đạo việc di dời dân, triển khai các biện pháp đối phó với mưa lũ. Bộ chỉ huy quân sự Hà Tĩnh đã huy động 100 cán bộ, chiến sĩ và hai xuồng cao tốc phối hợp với huyện Hương Khê giúp nhân dân sơ tán đến nơi an toàn.

Lực lượng bộ đội biên phòng, công an cũng đã bố trí lực lượng cùng các phương tiện giúp các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang triển khai các phương án phòng chống lũ.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) Hà Tĩnh cho biết: nước lũ đã cuốn trôi hai người là: Đoàn Trọng Giáp quê ở xã Thạch Vĩnh huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) là chiến sĩ Đại đội 17 công binh đang thi công đường hầm CH-01 tại xã Hòa Hải (Hương Khê) và cô giáo Trần Thị Hoa là giáo viên trường mầm non xã Hương Thủy (Hương Khê). Đến nay, chưa tìm được thi thể hai người này. Cùng ngày chiến sĩ Trịnh Xuân Thành Đại đội 17 công binh đang thi công đường hầm CH-01 cũng bị thương nặng phải đi bệnh viện.

Trong các ngày từ 29.9 đến 3.10, tại tỉnh Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được tại Hòa Duyệt (Hương Khê) là 297mm, Sơn Diệm (Hương Sơn) 218mm, Sơn Kim (Hương Sơn) 200mm, Linh Cảm (Đức Thọ) 200mm.

Hiện nay, mực nước sông Ngàn Sâu, sông La đã lên mức báo động III. Ban chỉ huy PCLB đã có lệnh di dời dân đối với các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn ra khỏi vùng ngập lụt, vùng xung yếu, vùng nguy cơ sạt lở đất. (TTXVN)

Đường sắt qua Quảng Bình ngập sâu trong nước lũ

Chiều nay, thông tin từ Xí nghiệp đường sắt Quảng Bình cho biết đoạn đường sắt đi qua huyện Tuyên Hóa vẫn ngập sâu trong nước, nhiều đoàn tàu phải nằm lại các ga.

Tàu SE6 hiện đã nằm lại ga Đồng Hới, nhà ga ra thông báo chưa có kế hoạch chạy các tàu SE3, SE6…

Tại ga Đồng Hới, nhiều hành khách đã trả vé; một số khách trên các tàu nằm chờ đã chuyển hướng sang thuê xe đi cho kịp hành trình.


Nhiều đoàn tàu nằm chờ thông đường ở ga Đồng Hới

Trong hai ngày qua, trên toàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa to đến rất to, hiện mực nước các sông đang dâng nhanh.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) bị ngập, sạt lở tại đèo Đá Đẽo. QL 12 bị chia cắt. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.000 ngôi nhà bị ngập.

Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Hoàng Minh Đề - Phó chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết: “Mưa lớn nên chỉ từ đêm ngày 2 đến sáng ngày 3.10 đã khiến cho 640 ngôi nhà ở các xã Thanh Hóa, Hương Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa chìm trong nước".

"Hiện nay xã Thanh Hóa bị cô lập hoàn toàn, chúng tôi nhiều lần tìm cách tiếp cận nhưng không được vì nước lũ chia cắt tất cả các tuyến đường bộ, đường sắt từ ga Tân Ấp đến ga Đồng Lê”, ông Hoàng Minh Đề cho biết thêm.


Cây xanh bị gió lớn quật đổ...

 
... kéo gãy 1 cột điện...

 
... gây mất điện trên diện rộng

 

 
Lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để khắc phục sự cố

Trưa nay, một cơn lốc xoáy quét qua khu vực trung tâm TP Đồng Hới (Quảng Bình), làm nhiều cây xanh bị đổ gãy, gây mất điện tại một số khu vực.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực bị nặng nhất là đầu đường Trần Hưng Đạo, đoạn tiếp giáp với cầu Nhật Lệ.

Gió đã giật gãy 3 cây xanh thân lớn đổ ụp vào các trụ sở, hàng quán ven đường.

Cây cũng đè đứt hệ thống đường dây điện, kéo gãy 1 cột điện. Mái ngói trường THPT Đào Duy Từ cũng bị gió hất tung từng mảng.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Công ty Điện lực và Trung tâm Công viên cây xanh đã điều động phương tiện, công nhân đến cắt xẻ phần cây gãy, kéo nối lại đường điện.

Tuy nhiên, đến 14 giờ 45 chiều nay vẫn chưa khắc phục xong sự cố, điện lưới trong khu vực này chưa hoạt động trở lại.

Trong hai ngày qua, trên toàn tỉnh Quảng Bình có mưa to đến rất to, hiện mực nước các sông đang dâng nhanh.

Chiều qua, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã ra công điện khẩn yêu cầu các địa phương, ban ngành tập trung ứng phó với tình hình mưa, bão đang diễn biến hết sức phức tạp. (Trương Quang Nam)

Mưa lớn, Thừa Thiên - Huế chìm trong biển nước

Từ tối qua đến sáng nay 3.10, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa rất to.  Mưa lớn đã làm ngập các tuyến phố chính, các tuyến tỉnh lộ nối TP Huế và các huyện Phú Vang, Quảng Điền cũng bị ngập trong nước.


Đập Đá nước đã tràn qua


Người dân vẫn vô tư kéo cá tại khu vực Đập Đá

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều tuyến đường tại TP Huế như Hùng Vương, Bến Nghé, Đống Đa, Võ Thị Sáu, Trần Quang Khải, Ngô Quyền..., mưa lớn đã làm ngập sâu trong nước khiến người dân, các phương tiện đi lại rất khó khăn.

Tại tuyến tỉnh lộ 10 đoạn từ Chợ Mai đến Bệnh viện Mắt, nước ngập sâu khiến các phương tiện giao thông đi qua đều bị chết máy... 


Nhiều tuyến đường bị ngập trong nước

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến 9 giờ sáng nay, nước trên sông Hương, sông Bồ đang ở dưới báo động 2, sông Ô Lâu trên báo động 3. Dự báo chiều và đêm nay, lũ trên các sông tiếp tục lên.

Trên sông Hương, sông Bồ, khả năng lên mức báo động 3, sông Ô Lâu tại Phong Bình lên mức 2,6m, trên báo động 3 là 0,6m. Lượng mưa trong 48 giờ qua phổ biến từ 250-350mm, có nơi lớn hơn như Bình Điền 375mm, TP Huế 406mm.


Đường vào trường Đại học Y Dược Huế bị ngập nước

Để chủ động đối phó với lũ, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tuần tra các hồ chứa nước, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để bảo vệ các hồ thủy điện và các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh cũng gửi thông báo yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB các huyện, TP Huế và thị xã Hương Thủy; các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh triển khai các kế hoạch sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, vùng sạt lở ven biển, cửa sông, đầm phá, chú ý các khu vực ven biển Phong Hải, Quảng Công, Hải Dương, Thuận An, Phú Thuận, Vinh Hải, Vinh Hiền.

Đồng thời hướng dẫn nhân dân trong vùng có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ, dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt phương châm “5 tại chỗ” để chủ động đối phó với tình huống bị chia cắt dài ngày; chỉ đạo các nhà thầu thi công tại các công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông... cần lên phương án bảo vệ các công trình xây dựng cơ bản đang thi công dở dang; đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thiết bị vật tư thi công.


Trẻ con đùa giỡn với nước ngập

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, các lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an và các ngành, các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch, sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống”. (Bùi Ngọc Long - Minh Phương) 

Áp thấp nhiệt đới ngoài khơi các tỉnh Quảng Nam - Bình Thuận

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, lúc 13 giờ hôm nay (3.10), vị trí tâm áp thấp ở vào khoảng 14 - 15 độ vĩ bắc; 110,5 - 111,5 độ kinh đông, trên khu vực vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Nam – Bình Thuận.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển chậm chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với trường gió đông bắc hoạt động mạnh ở khu vực bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) và đới gió Tây Nam ở khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi Trung Bộ và Nam Bộ, có mưa rào và dông mạnh.

Đêm qua và ngày hôm nay (03.10) không khí lạnh đã ảnh hưởng đến Bắc Bộ. Dự báo đêm nay và ngày mai, bộ phận không khí lạnh này tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, kết hợp với hoạt động của vùng áp thấp ở các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to đến rất to và rải rác có dông. Gió đông bắc ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi tiếp tục mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.