Nấm đỏ
Trong số các loại nấm độc, thường gặp và hay gây chết người nếu ăn phải là nấm đỏ - còn gọi là nấm mặt trời, nấm diệt ruồi, có tên khoa học là Amanita muscaria Fr. Mũ tấm tròn và dẹt, màu vàng hoặc vàng da cam, trên nắp mũ có núm màu vàng, hoặc trắng, mặt dưới xòe ra như hình bánh xe, cuống nấm hơi to và thô. Nấm này chứa muscarin, một loại kiềm sinh vật, độc và các chất khác kém độc hơn.
Thời gian ủ bệnh do độc tố của nấm này là từ 1 đến 6 giờ. Triệu chứng đầu tiên là viêm dạ dày, ruột cấp, rồi nôn mửa, tiêu chảy, chảy nước dãi, đổ mồ hôi nhiều, đồng tử co lại, mất phản xạ ánh sáng. Trường hợp nặng, bệnh nhân trở nên nhợt nhạt, co quắp, tử vong khi tê liệt trung khu thần kinh hô hấp.
Nấm độc xanh - Ảnh: K.Vy
Nấm độc xanh
Loại nấm độc nữa là nấm độc xanh, có tên khoa học Amanita phalloides còn gọi là nấm chó, nấm mũ trắng. Mũ nấm bẹt, đường kính khoảng 10 cm màu trắng bệch, có khi màu lục, màu xanh lục. Nếp nấm màu trắng, có khi màu lục, cuống nấm màu trắng, hơi có vảy, phần trên cuống có vòng, phần dưới cuống có những cục xù xì nổi lên.
Nấm Amanita phalloides rất độc (gây độc thần kinh), chất độc này không bị phá hủy ở nhiệt độ cao.
Triệu chứng ngộ độc do nấm Amanita phalloides xuất hiện chậm (9 - 11 giờ sau khi ăn phải), do đó rất nguy hại vì khi phát hiện thì chất độc đã xâm nhập sâu vào máu. Triệu chứng ngộ độc loại nấm này tùy theo giai đoạn, có lúc lại trái ngược nhau. Thường bắt đầu bằng nôn mửa, tiêu chảy (có thể có máu) đau bụng dữ dội ở vùng thắt lưng, mồ hôi vã ra, bí đái do mất nước và mất muối, da và mắt trông giống như người mắc bệnh dịch tả. Về triệu chứng thần kinh, bệnh nhân có vẻ sợ hãi, im lặng, trí khôn và trí nhớ còn mãi đến lúc chết (thường 1 đến 5 ngày sau). Triệu chứng có những lúc như đỡ đi, nhưng có lúc trở lại nặng hơn, cuối cùng gan to, hôn mê và chết. Tỷ lệ tử vong lên tới 90% và nếu không chết thì giai đoạn bình phục cũng rất dai dẳng.
Chỉ cần ăn phải một hai miếng nấm là có thể chết người, trẻ em, người già yếu nhạy cảm hơn.
Nấm Amanita phalloides trông giống nấm Amanita verna và nấm Amanita verosa. Hai loại nấm này cũng đều gây ra ngộ độc.
Ngoài mấy loại nấm trên, còn có các loại nấm sau đây cũng độc: Amanita panthrina, Lepiota helveola, Stropharis coronilla, Psalliota xanthederma, Russula emetica, Entoloma...
Biện pháp chung đề phòng nấm độc
Biện pháp cơ bản là chỉ nên ăn những loại nấm mà mình biết rõ, những nấm lạ, nghi ngờ thì không nên dùng. Thông thường người dân ở quanh vùng có nấm không bị ngộ độc, mà ngộ độc thường xảy ra với những người ở nơi khác đến, vì chưa có kinh nghiệm phân biệt các loại nấm với nhau. Những biện pháp như xem sâu có đục không, kiến có ăn không, rửa muối, giấm, đun sôi... đều chỉ hiệu quả đối với vài loại nấm. Cũng cần chú ý là nấm hỏng cũng có thể gây ngộ độc. Khi ăn phải nấm độc, xuất hiện triệu chứng ngộ độc, phải đưa ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời, và lưu ý phải giữ lại mẫu thực phẩm (nấm hoặc thức ăn từ nấm) để có cơ sở xét nghiệm và xử lý đúng.
Lương y Hoài Vũ
Bình luận (0)