Mưa ngập uy hiếp Tân Sơn Nhất: An toàn cho những chuyến bay

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Mưa ngập uy hiếp Tân Sơn Nhất đăng trên Thanh Niên ngày 13.9.

Không để bị uy hiếp
Sân bay là nơi phải tuyệt đối an toàn, không để bị uy hiếp bởi bất cứ điều gì. Ngoài lý do mưa bão không cất cánh được, còn mọi vấn đề ở mặt đất thì phải có biện pháp khả thi, an toàn cao nhất. Việc để sân bay ngập nước đến mức chạm điện có khả năng dẫn đến nổ, thì quả đúng là việc này chưa được quan tâm chú ý đúng mức.
Những năm qua, việc bê tông hóa toàn bộ hành lang quanh sân bay cho thấy công tác quản lý đã chưa chú trọng đến việc thoát nước cho sân bay khi mưa lớn. Một sân bay quốc tế như Tân Sơn Nhất không thể để xảy ra tình trạng như vậy được.
Nguyễn An (Q.Gò Vấp, TP.HCM)

tin liên quan

Sân bay Tân Sơn Nhất lại ngập
* Hàng chục chuyến bay bị hoãn, hủy do thời tiết xấu
Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lại bị ngập trong trận mưa vào chiều 11.9 (ảnh).
Thiếu tầm nhìn
Quy hoạch xây dựng và thoát nước cho vùng phụ cận sân bay không được chú ý từ nhiều năm qua, khiến cho nước dồn ứ khó thoát. Đó là nguyên nhân gây ngập và điều này cho thấy quản lý thiếu tầm nhìn. Bây giờ, chắc chắn là phải tìm cách xử lý theo biện pháp tình thế trước mắt để sân bay có thể hoạt động khi gặp mưa lớn.
Theo tôi, về lâu dài, hệ thống thoát nước, bao gồm các giải pháp như các chuyên gia đề cập cũng phải tính đến. Nếu không thì tương lai sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ rất khó hoạt động, khi có mưa lớn cộng với triều cường.
Trần Văn Vinh (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Mới xuất hiện
Ngập ở sân bay mới chỉ xuất hiện trong năm nay, do vậy phải xem xét các công trình xây dựng cầu đường xung quanh có làm ảnh hưởng việc thoát nước hay không? Vì sao địa hình sân bay cao nhất tại TP.HCM (cao hơn mặt biển từ 7 - 10 m) mà vẫn bị ngập đến mức như vậy? Liệu một số dự án gần đây ở trong và khu vực vành đai sân bay, các công trình tiêu thoát nước có được xây dựng theo đúng quy định hay không?
Nguyễn Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Dừng bay là nghiêm trọng
Một sân bay quốc tế chiếm tới 40 - 50% lưu lượng bay của cả nước, mà khi mưa lại ngập nặng, phải dừng bay là vấn đề rất nghiêm trọng. Với việc thay đổi thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cần phải có giải pháp cấp bách “cứu nguy” cho sân bay khỏi bị uy hiếp khi mưa lớn. Theo tôi, ngành hàng không cần phải có một hội nghị khoa học riêng về chủ đề này, có thể mời thêm các chuyên gia nước ngoài để hiến kế cho việc tiêu thoát nước cho sân bay.
Nguyễn Thị Vân (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Phải có hệ thống thoát nước riêng
TP.HCM với đà xây dựng nhiều năm qua đã bít hết đường cho nước mưa chảy hoặc thấm khi có mưa lớn. Ngập là vấn nạn triền miên, nhưng tại sao nhiều năm qua không nghiên cứu, có giải pháp cho sân bay Tân Sơn Nhất có hệ thống thoát nước riêng, mà vẫn dùng chung hệ thống thoát nước của TP? Điều này chứng tỏ nhiều năm qua rất chủ quan, cứ nghĩ rằng sân bay ở địa thế cao nên không bị ngập. Thực tế cho thấy cần phải có suy nghĩ khác đi, chủ động có biện pháp cấp bách để thoát nước cho sân bay.
Ngọc Huy (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
       
Người dân, hành khách đi máy bay không quan tâm lắm đến nguyên nhân vì sao sân bay Tân Sơn Nhất ngập nặng liên tục. Chúng tôi chỉ quan tâm các cơ quan, đơn vị có liên quan phải tìm mọi cách tốt nhất để sân bay không còn ngập nữa. Khi đó, an toàn bay mới được đảm bảo và hành khách đi lại bằng máy bay thực sự yên tâm.
Ngô Văn Hậu (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
       
Giải pháp đào cống dọc sân đỗ và hồ thoát nước tạm thời ở khu vực sân cỏ dọc đường băng có lẽ là giải pháp nhanh, tối ưu nhất trong tình cảnh hiện nay. Thà gió bão gây ảnh hưởng đến các chuyến bay, không cất cánh được thì không nói gì, ở đây chỉ có mưa thôi đã ngập thì cần phải có phương án cấp bách để sân bay không còn bị mưa ngập uy hiếp.
Trịnh Thành Thông Thái (Q.8, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.