Gần hai tháng nay trên địa bàn các xã ven biển của tỉnh Thanh Hóa, hàng nghìn hộ dân đang bận rộn trong mùa khai thác, chế biến sứa biển. Mới 5 giờ sáng, hai bố con anh Chức ở thôn Liên Minh, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã lục tục gánh ngư lưới cụ ra chiếc mảng được ghép bằng những thân luồng ngoài bãi biển. Rồi từ khắp các ngõ xa ngõ gần trong thôn, tiếng ngư dân í ới gọi nhau, tiếng cười nói, tiếng bước chân thậm thịch đổ về phía biển… Sau khi chất lưới, lắp chiếc máy nổ 25 mã lực vào chiếc mảng, anh Chức cùng với hơn hai trăm ngư dân trong thôn đồng loạt nổ máy ra khơi, bắt đầu một ngày khai thác sứa.
Chỉ mất hơn một giờ chạy trên biển, những ngư dân của xã Hoằng Trường đã tới được ngư trường khai thác sứa cách bờ khoảng 5 hải lý. Khi mặt trời đội biển nhô lên từ phía đằng đông cũng là lúc bố con anh Chức buông mẻ lưới đầu tiên. Hai bố con thay nhau người điều khiển mảng, người kéo lưới. Từng con sứa trong vắt, nhúng nhính nước nặng từ 3-8 kg được vớt lên chất thành đống trên mảng. Thi thoảng lại có một ngư dân reo lên mừng rỡ vì vớt được con sứa màu nâu, bởi đây là loại sứa ngon nhất và cũng đắt nhất… Bất kể được nhiều hay ít, khi mặt trời đứng bóng, các ngư dân sẽ kết thúc buổi đánh bắt, quay về đất liền, bởi lúc này sứa đã chìm xuống rất sâu dưới đáy biển và những con sứa trên mảng cũng bắt đầu chảy nước dưới ánh nắng mặt trời...
Những chiếc mảng bằng luồng chuyên dùng để khai thác sứa |
Ở Hoằng Trường 25 cơ sở kinh doanh sứa, giải quyết gần 1.000 lao động. Công việc chế biến sứa khá rất đơn giản: sau khi thu mua sứa nguyên liệu, các cơ sở tiến hành phân loại rồi cắt phần thân, chân, tay, cổ hũ để riêng từng loại, sau đó cho vào máy quay làm sạch hết nhớt, rồi ủ sứa trong bể với phèn chua và muối trắng trong thùng, bể. Sau 1 tuần, con sứa rút hết nước, khô mỏng, săn lại thì sẽ đóng vào thùng gỗ mang đi xuất khẩu. Bình quân mỗi ngày cơ sở chế biến của ông Chung tiêu thụ khoảng 50 tấn sứa tươi. Mùa sứa năm nay ông xuất khẩu đuợc khoảng 200 tấn sứa thành phẩm sang Trung Quốc.
Ngư dân sơ chế sứa tại các cơ sở chế biến |
Khi được hỏi người Trung Quốc chế biến và sử dụng sứa như thế nào, Lý A Cường (ngụ tại Khu du lịch Vạn Mỹ, Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), là thương lái chuyên buôn hàng sứa biển từ Việt Nam về Trung Quốc chỉ cho biết rất chung chung. Rằng, ở các tỉnh, thành phố miền bắc Trung Quốc, sứa biển rất được ưa thích; các món ăn được chế biến từ sứa biển chỉ có mặt trong thực đơn ở các nhà hàng, khách sạn lớn mà thôi. Còn chế biến như thế nào thì anh cũng không biết, bởi anh là người miền nam, cũng ít ăn sứa. Nhưng anh Cường quả quyết, từ 5 năm trở lại đây Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ lớn và rất ổn định mặt hàng sứa Việt Nam. Không những để tiêu dùng mà người Trung Quốc còn tinh chế sứa thành những sản phẩm hấp dẫn, có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu sang các nước châu u và Nhật Bản… Năm nay do các tỉnh ven biển miền bắc Việt Nam được mùa sứa, với khoảng trên 300 container (gần 10.000 tấn sứa thành phẩm) được xuất sang Trung Quốc, nên lượng sứa tiêu thụ có hơi chậm, nhưng chắc chắn sẽ được tiêu thụ hết, bởi hiện nay sứa đã được chế biến và bảo quản tốt hơn, có thể để được gần 1 năm…
Được biết, hiện nay ở Việt Nam con sứa vẫn chưa được quan tâm sử dụng như một nguồn thực phẩm, ngay cả các ngư dân vùng biển, chủ doanh nghiệp làm sứa cũng chỉ biết rằng dùng sứa ăn sống rất mát, ngoài ra không biết gì thêm. Họa hoằn lắm mới có một vài khách sạn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dùng sứa để chế biến các món ăn đặc sản biển mà thôi, và cung đoạn này cũng được thực hiện bởi các đầu bếp Trung Quốc, nên chế biến thế nào vẫn còn là… bí kíp. Trong khi đó sứa lại được người Trung Quốc sang tận nơi đặt hàng, thu mua hết. Thậm trí, ngay từ đầu mùa sứa, những thương lái như Lý A Cường đã có mặt tại Việt Nam để trực tiếp chỉ đạo các cơ sở gom hàng, sơ chế, đóng thùng và vận chuyển về nước.
Những thùng sứa chuẩn bị được đưa sang Trung Quốc |
Là địa phương có trên 120 km bờ biển, nhưng từ đầu năm đến nay nhiều tàu cá của Thanh Hóa phải nằm trên bờ, không dám vươn khơi vì giá nhiên liệu đắt đỏ, thì mùa khai thác sứa (mặc dù chỉ kéo dài hơn 2 tháng) đang là cứu cánh cho hàng ngàn ngư dân ở đây. Không những thế, sứa còn là mặt hàng hải sản cho thu nhập cao nhất trong năm đối với ngư dân. Nhiều ông chủ chế biến sứa đã giàu lên nhanh chóng với lợi nhuận lên tới vài tỷ đồng. Tuy vậy, do chưa có sự hiểu biết đầy đủ về chính sản phẩm mà mình làm ra, cũng như thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ nên cả ngư dân và doanh nghiệp của Việt Nam đều đang chịu nhiều thiệt thòi khi việc định giá thu mua và thị trường tiêu thụ đang bị phụ thuộc hoàn toàn vào người Trung Quốc.
Bài, ảnh: Ngọc Minh
Bình luận (0)