Cây thoát nghèo
Nhờ mưa nhiều nên năm nay, vườn tầm vông nhà ông Chau Sóc Phon (50 tuổi, ở ấp Tà Miệt, xã Lương Phi, H.Tri Tôn) phát triển rất tốt. Ông Phon vừa chặt được 300 cây tầm vông, chờ mối lái đến bán. Ngồi bên đống tầm vông mới uốn, ông Chau Sóc Phon cười khà: “Cũng nhờ trồng tầm vông mà gia đình tôi đã thoát nghèo 2 năm qua. Nếu như thuở trước, cây tầm vông được cha ông dùng làm vũ khí chống quân thù, thì giờ đây, nó là cây thoát nghèo bền vững cho số đông đồng bào dân tộc Khmer. Mỗi năm, vườn tầm vông nhà tôi cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Tầm vông là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc. Có lẽ, sinh trưởng ở vùng khắc nghiệt nên tầm vông vùng Bảy Núi rất chắc, dẻo và suôn. Khi được uốn xong, tầm vông có thể dùng làm nhiều vật dụng như: sào, cầu thang, cột, kèo…”.
|
Theo kinh nghiệm của những người trồng tầm vông lâu năm ở đây, muốn cho tầm vông phát triển tốt và suôn, chủ vườn phải chăm sóc ngay từ lúc mới mọc măng, chọn những cây măng to khỏe chừa lại, “tỉa” bỏ bớt cây già, cây xấu. “Muốn trồng tầm vông đạt hiệu quả, ngay từ đầu mùa mưa phải phát hoang bụi rậm, đào xới đất, bón phân. Nếu bụi nào èo uột, phải bón thêm phân chuồng cho cây phát triển mạnh. Ngoài ra, cần phải phòng trừ con bọ hút chích măng tầm vông, gây chậm lớn”, ông Chau Sóc Phon nói.
Vang xa khắp miệt
|
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn tầm vông lâu đời xứ này, ông Nguyễn Văn Thái (82 tuổi, ngụ xã Lương Phi, H.Tri Tôn) nói: “Khoảng chục năm nay, người dân khắp miệt đến dạm hỏi mua tầm vông quá trời. Nói thiệt, phần nào cũng nhờ bán cây tầm vông mà tui nuôi sắp nhỏ đỗ đạt thành tài. Với 3 ha tầm vông trên núi Dài, bình quân mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 10.000 cây tầm vông, bỏ chi phí thuê nhân công, phân thuốc… kiếm cũng được trên 90 triệu đồng”.
Mùa thu hoạch tầm vông ở vùng Bảy Núi diễn ra rôm rả kéo theo dịch vụ đốn, hạ, uốn tầm vông cũng phát triển. Những ngày này, dọc hai bên con lộ chạy qua xã Lương Phi, Ba Chúc… người ta tập kết tầm vông thành những đống cao, chuẩn bị giao chuyến hàng cuối năm. Những bãi “ăn hàng” tầm vông mạnh phải kể đến là bến Bò, bến đầu lộ Ba Chúc. Nơi đây trung bình mỗi ngày cung cấp khoảng vài chục ngàn cây tầm vông cho khắp các tỉnh thành ĐBSCL. Cũng nhờ cây tầm vông mà nhiều hộ ăn nên làm ra, họ mở luôn lò uốn tầm vông thu hút hàng trăm lao động trong vùng. Ở xã Lương Phi có 5 trại uốn tầm vông nổi tiếng là trại ông Ngọc, trại Bảy Sách, Hai Mẫn, Sáu Kiểng, Ba Buôl - mỗi trại có từ 4 - 7 lò uốn, thu hút trên chục nhân công làm việc, mỗi ngày thu nhập từ 100.000-150.000 đồng.
Chị Nèang Sa Rum, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Phi, cho biết nhiều năm qua, cây tầm vông đem đến thu nhập ổn định cho bà con. Có gia đình nghèo nuôi đến 5-6 đứa con đi học cũng nhờ cây tầm vông. Từ nay đến Tết, bà con ở đây có tiền xài do tầm vông năm nay bán được giá, từ 10.000 - 30.000 đồng/cây (tùy theo loại). Thạc sĩ Trần Văn Mỳ, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tri Tôn, cho biết riêng ở huyện này có khoảng 200 ha đất trồng tầm vông; trong đó xã Lương Phi có trên 70 ha, số còn lại thuộc các xã Cô Tô, Ô Lâm, An Tức, thị trấn Ba Chúc... Đây là những địa phương có diện tích đất núi, đất bạc màu chiếm tỷ lệ khá cao, thích hợp cho việc trồng cây tầm vông.
Bài, ảnh: Trường An
>> Lễ hội đua bò Bảy Núi
>> 64 đôi bò tham gia lễ hội đua bò Bảy Núi
Bình luận (0)