Mùa vắng của sân khấu thiếu nhi

14/06/2012 09:35 GMT+7

Vẫn đang trong tháng nghỉ hè đầu tiên nhưng trẻ em Hà Nội đã sớm rơi vào cảnh “bơ vơ” vì thiếu vắng các chương trình nghệ thuật thiếu nhi.

Dịp đầu hè, chị T.H hăm hở đưa hai đứa con tới nhà hát múa rối, nhưng rồi ba mẹ con phải "tiu nghỉu" ra về.  

“Vừa mới nghe nói dịp 1.6 có chương trình rất hay, tôi mang con đến thì đã không còn diễn nữa. Hóa ra, chương trình chỉ diễn 1 hôm”, bà mẹ này than thở.

Trường hợp hào hứng đưa con tới các nhà hát rồi lại lếch thếch dắt về như chị T.H không cá biệt. Nhiều phụ huynh ở Hà Nội lỡ không đưa con đi xem các chương trình nghệ thuật đúng dịp 1.6, sau đó đã phải tiếc hùi hụi vì không còn cơ hội xem những nghệ sĩ hài quen thuộc với trẻ em như các diển viên: Minh Vượng, Xuân Bắc, Tự Long... dịp hè này nữa. 

“Chúng tôi muốn diễn dài hơi lắm. Nhưng sau 1.6 hình như nhiều người không quan tâm tới thuật cho trẻ em nữa. Có lẽ vì quan điểm chung là đã qua ngày quốc tế thiếu nhi rồi nên việc này cũng hết ý nghĩa”, nghệ sĩ Tự Long chia sẻ.

Chính vì quan điểm trên của nhiều phụ huynh nên những "ếch xanh, cá vàng, khỉ con..." của Nhà hát múa rối chỉ diễn từ 1.6 đến 3.6 là rơi vào cảnh “câu chuyện tôi kể đến đây là hết”.

Các diễn viên thân thuộc, tâm huyết với trẻ em như Xuân Bắc, Tự Long cũng thường chỉ làm chương trình trong dịp Tết thiếu nhi. Nhà hát chèo Hà Nội chỉ diễn cho các bé trong tuần trước 1.6. Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) dài hơi hơn cả, cũng chỉ dám đỏ đèn từ 18.5 đến 1.6 là dừng chương trình trẻ em, trong đó hai chương trình kịch mục chỉ kéo dài vỏn vẹn 3-4 ngày.

“Chúng ta chưa có thói quen đưa trẻ em đi xem biểu diễn nghệ thuật thường kỳ”, ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn nhận định. Theo ông Chương, điều này sẽ dẫn tới việc sân khấu không “đào tạo” được khán giả cho tương lai.

Hiện nay chỉ có Nhà hát Tuổi trẻ duy trì được những buổi diễn cho thiếu nhi hàng tuần hoặc diễn theo đơn đặt hàng. Chủ động được rạp, đón đầu thị hiếu tốt, nguồn khách ổn định, mỗi chương trình mới của nhà hát thường đạt 100 suất diễn/năm.

“Chúng tôi nhìn thấy việc đào tạo khán giả quan trọng, nên đã sớm làm việc này từ hàng chục năm nay”, ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc Nhà hát tuổi trẻ chia sẻ.

Với những nhóm “nghệ sĩ không rạp” như Xuân Bắc, Tự Long, Minh Vượng, Tuấn Hải..., dù nhìn ra việc "đào tạo" khán giả nhưng họ đành “lực bất tòng tâm” vì không thể chủ động mà luôn phải liên kết với ai đó để có mặt bằng biểu diễn.

Chưa kể, những buổi diễn cho thiếu nhi trong năm - kể cả ở đơn vị mạnh về chương trình nghệ thuật thiếu nhi như Nhà hát Tuổi trẻ - cũng vẫn phải phụ thuộc nhiều vào… công đoàn cơ quan của bố mẹ học sinh. Có một thực tế là, những suất diễn sát ngày 1.6 cũng phần lớn do công đoàn cơ quan các cơ quan mua vé.

Theo ông Nguyễn Đăng Chương, tiền mua vé không cao, nhưng chưa nhiều phụ huynh có thói quen bỏ tiền đưa con đi xem nghệ thuật. “Nhà quản lý văn hóa chưa có những chương trình khuyến khích xây dựng chương trình nghệ thuật cho trẻ em”, ông Chương nói.

Việc hỗ trợ xây dựng chương trình là cần thiết, bởi nếu ra một chương trình mới mà “sống” không đủ lâu khiến thu không đủ chi, thì nghệ sĩ phải chịu rất nhiều thiệt thòi. “Bớt tiền mình thì được, chứ bớt đầu tư vở diễn đi là điều chúng tôi không làm”, diễn viên Tự Long giãi bày.

Tuy nhiên, về việc tài trợ dự án, ông Trương Nhuận cho biết: Nhà hát Tuổi Trẻ cũng mới chỉ một lần có dự án với tổ chức Children Voice tài trợ miễn phí 100 đêm diễn cho trẻ em. “Đây cũng là một hướng tài trợ văn hóa cần mạnh thường quân, vì nó có ích cho thế hệ tương lai”, ông Nhuận nói.

Trinh Nguyễn

>> Hè rộn rã trên sân khấu thiếu nhi
>> Công bố 10 sự kiện và hoạt động tiêu biểu
>> Kịch thiếu nhi đi tìm thương hiệu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.