Bạn nhận được một công việc. Một công việc tốt, có nhiều quyền lợi.
Trong công việc ấy, bạn đọc sách và dành vài tiếng mỗi tuần để tranh luận với các đồng nghiệp. Hiệu suất công việc là tùy ở bạn, miễn sao bạn viết cho chúng tôi một vài báo cáo về những điều mà bạn đã đọc. Thời gian rất linh hoạt, bạn chỉ cần đến cơ quan vài giờ mỗi tuần thôi.
Và bạn hỏi lương được bao nhiêu ư? Ồ, rất xin lỗi, bạn sẽ phải trả cho chúng tôi chứ không phải chúng tôi sẽ trả lương cho bạn. Ngược lại, chúng tôi sẽ cấp cho bạn một tấm bằng đẹp đẽ.
Còn việc đọc và tranh luận ư? Bạn phải theo những chủ đề mà chúng tôi giao cho bạn. Tất nhiên bạn có thể đọc và tranh luận thêm các chủ đề khác ở nhà, nhưng chúng tôi cho rằng như vậy hơi quá sức với bạn.
Và bạn thắc mắc không biết công việc đó tên là gì? Đó là “sinh viên đại học”.
|
Với phân tích như trên, câu hỏi đặt ra là liệu có được bao nhiêu người muốn công việc đó. Vậy mà, công việc trở thành “sinh viên đại học” ngày càng phổ biến ở Việt Nam, tính ra đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian mười năm từ năm 2000 đến năm 2010, đạt 2,2 triệu sinh viên. Mức phí phải trả cho việc học đại học - tính cả số tiền phải đóng lẫn công sức và thời gian học tập - là khá cao. Vậy mục đích của việc học đại học là gì?
Các nghiên cứu ở Anh Quốc, Úc và Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng động lực lớn nhất thôi thúc học sinh theo đuổi một khóa học ở bậc đại học là để nhận một tấm bằng có thể giúp họ kiếm được những công việc tốt. Điều này có vẻ cũng đúng khi xét tới động lực học đại học của các sinh viên Việt Nam.
Các sinh viên này đã đúng khi nghĩ rằng học đại học có thể giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai. Nghiên cứu cho thấy đầu tư vào giáo dục đại học ở Việt Nam mang lại mức lợi nhuận 17% một năm.
Tuy nhiên, chỉ suy nghĩ đến mối lợi có được sau khi lấy được tấm bằng đại học sẽ làm giảm lợi ích thực sự của việc học, bao gồm cả lợi ích về mặt tài chính, mà các bạn có thể nhận được.
Các bạn sinh viên thường nghĩ học đại học giúp họ có công việc tốt bởi vì những kiến thức thu lượm được ở trường và vì tấm bằng mà họ sẽ đưa ra cho nhà tuyển dụng. Nhưng những người nghĩ rằng tốt nghiệp đại học là “xong” nghĩa vụ học tập và tương lai không có gì phải lo nữa đã dễ dàng bỏ qua các kĩ năng tư duy và học tập.
Thực ra trong công việc bạn chỉ dùng đến một phần nhỏ kiến thức bạn học ở trường thôi. Có nhiều bạn tốt nghiệp rồi làm những công việc không liên quan trực tiếp tới chuyên ngành mà bạn đó học. Kể cả những bạn làm những công việc có liên quan tới chuyên ngành cũng phải học hỏi thêm nhiều từ công việc hiện tại.
Bác sĩ, luật sư, kế toán và kĩ sư - những người mà công việc đòi hỏi thực hành những kiến thức học ở bậc đại học, luôn luôn phải học hỏi thêm nếu muốn thành công hay thậm chí để thạo việc.
Có được một tấm bằng để đưa vào trong hồ sơ xin việc rất có lợi cho bạn. Thế nhưng, điều đó chỉ đúng khi tấm bằng đó chỉ ra rằng người sở hữu nó có khả năng làm việc tốt hơn. Ngoài ra nó không có một nghĩa lý gì hết.
Vậy, học đại học có ích lợi gì nếu không phải là kiến thức hay bằng cấp?
Một nghiên cứu gần đây ở Hoa Kỳ cho thấy những sinh viên tốt nghiệp được trang bị kĩ năng tư duy tốt sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm việc làm, kết hôn và rời khỏi nhà bố mẹ họ và nợ nần ít hơn những người có kĩ năng tư duy kém hơn. Bản thân tấm bằng không bảo đảm tương lai xán lạn cho bạn.
Nếu bằng tốt nghiệp chỉ ra được một người nên được tuyển dụng, nó cũng phải cho thấy những kĩ năng hữu dụng mà người đó có được. Trong đó, kĩ năng tư duy và học tập ở bậc cao là rất cần thiết đối với một sinh viên tốt nghiệp.
Điều này có ý nghĩa gì đối với các trường đại học và với các bạn sinh viên?
Đối với các trường đại học, cần chú trọng tới việc tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp có kĩ năng tư duy và học tập tốt thay vì tăng số lượng bằng tốt nghiệp mà họ trao.
Điều này có thể thực hiện được thông qua việc dạy, kiểm tra và đề cao kỹ năng tư duy hơn là kỹ năng ghi nhớ thông tin. Giảng viên nên khuyến khích sinh viên áp dụng những điều đã học vào những tình huống mới hoặc đánh giá sinh viên dựa trên khả năng phân tích các ý tưởng đối lập. Cần khuyến khích tranh luận trên lớp.
Khi sinh viên cảm thấy nhà trường không đáp ứng được các điều trên, họ có thể tự tìm giải pháp. Nếu việc học ở trường không đòi hỏi nhiều kĩ năng tư duy, sinh viên vẫn cần tự trang bị kỹ năng này bởi nó là chìa khóa dẫn tới những thành công trong tương lai.
Nếu như ghi nhớ là tất cả những gì được đánh giá ở trường, thì suy nghĩ về những tài liệu mà bạn học là cách học hiệu quả nhất. Một nghiên cứu khác của Hoa Kỳ chỉ ra rằng, cố gắng ghi nhớ có tác dụng không đáng kể đối với việc lưu trữ thông tin, trong khi đó, suy nghĩ về nó - dù để ghi nhớ hay không - có tác dụng ghi nhớ gấp đôi.
Các bạn sinh viên, mỗi khi trong đầu bạn xuất hiện câu hỏi “Vì sao”, hãy kiên tâm tìm câu trả lời và xem liệu nó sẽ đưa bạn tới đâu.
Thiếu thực tế và lãng phí thời gian ư? Hoàn toàn ngược lại. Chịu suy nghĩ chính là chìa khóa dẫn đến thành công. Cuối cùng, ai là người đã có cả gia tài chỉ bằng việc lặp lại những gì người khác đã làm?
Sam Graham
(Phòng Kỹ năng học thuật, Trường ĐH Quốc tế RMIT Việt Nam)
Bình luận (0)