Mức điểm nào trúng tuyển nguyện vọng 2 ?

19/08/2005 23:44 GMT+7

Không ít thí sinh (TS) trượt nguyện vọng (NV) 1 nhưng đủ điểm được xét tuyển NV2 lại đang băn khoăn không biết chọn trường nào, bao nhiêu điểm mới trúng tuyển... Phóng viên Báo Thanh Niên có cuộc phỏng vấn nhanh ông Đỗ Duy Dự, thư ký Ban Chỉ đạo tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo.

* Xin ông cho biết năm nay sẽ có bao nhiêu trường xét tuyển NV2 và có bao nhiêu chỉ tiêu dành cho NV2 ?

- Ông Đỗ Duy Dự: Năm nay tổng chỉ tiêu (CT) tuyển sinh vào ĐH và CĐ là hơn 230.000. Hiện các trường đã tuyển được khoảng 150.000 TS trúng tuyển NV1. Như vậy sẽ còn khoảng 80.000 CT dành cho NV2. Tổng số trường có CT xét tuyển NV2 khoảng hơn 100 trường, trong đó có 55 trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh với khoảng 52.000 CT xét tuyển. Số CT còn lại (28.000 CT) Bộ đã chỉ đạo các trường có tổ chức thi tuyển sinh phải nâng mức điểm xét tuyển NV1 để dành 15-20% CT cho NV2 và đến nay đã có 57 trường công bố có xét tuyển NV2.

* Thưa ông, năm nay số TS có điểm trên mức điểm sàn và đủ điều kiện xét tuyển NV2 lớn hơn rất nhiều so với CT. Vậy thì những TS phải có mức điểm như thế nào mới có thể trúng tuyển ?

- Ông Đỗ Duy Dự: Tổng số TS có điểm trên sàn CĐ khoảng hơn 300.000. Như vậy, hiện còn khoảng 160.000 TS có điểm trên sàn chưa trúng tuyển sẽ tranh nhau 80.000 CT NV2. Theo dự kiến nếu tất cả những TS có điểm cao tham gia xét tuyển thì những TS phải có số điểm từ 23-25 điểm đối với khối A, B; từ 20-22 điểm đối với khối C, D mới có khả năng trúng tuyển NV2 vào các trường ĐH. 
 

Ông Đỗ Duy Dự

* Như vậy những TS có  mức điểm thấp hơn sẽ trượt ? Muốn trúng tuyển TS phải lưu ý điều gì ?

- Ông Đỗ Duy Dự: TS cần lưu ý sẽ có những trường điểm tuyển thấp, cơ hội trúng tuyển cao dành cho một số đối tượng TS cụ thể, đó là  những trường ĐH khu vực và những trường mới thành lập. Ví dụ, những trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long như ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm Đồng Tháp, ĐH An Giang... hoặc những trường thuộc các khu vực khác như ĐHDL Lạc Hồng, ĐHDL Bình Dương, ĐH Tây Nguyên, ĐH Tây Bắc...; các trường CĐ sư phạm địa phương. Đây là những trường đào tạo nhân lực cho địa phương và lấy những đối tượng ưu tiên là khu vực (KV) 1, KV2 và KV2 nông thôn. Do đó, những TS thuộc những cụm ưu tiên này sẽ có nhiều khả năng trúng tuyển. Một điểm đáng lưu ý khác là TS nên chọn những trường có mức điểm xét tuyển thấp hơn 2-3 điểm so với điểm của TS thì mới có cơ hội trúng tuyển.

* Tình trạng TS thi được điểm rất cao  mà vẫn trượt là vấn đề gây ra rất nhiều bức xúc trong những mùa tuyển sinh gần đây. Có một giải pháp là tổ chức thi xong mới cho TS đăng ký nguyện vọng. Ý kiến của ông như thế nào?

- Ông Đỗ Duy Dự: Theo tôi, những TS thi điểm cao mà vẫn trượt sẽ tiếp tục tồn tại mãi do đây là vấn đề trượt NV. Nếu như với mức điểm đó, TS hoàn toàn có khả năng đỗ trường khác chứ không thể gọi là trượt ĐH. Theo chủ trương của Bộ thì đến năm 2009 sẽ kết hợp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH làm  một. Đây là kỳ thi quốc gia vừa công nhận tốt nghiệp và tuyển chọn vào ĐH. Khi thi xong, TS sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả để tự đi đăng ký. Lúc này thì khâu thi và tuyển sẽ tách biệt hoàn toàn. Các trường sẽ chủá động trong việc xét tuyển và sẽ hạn chế được tình trạng TS thi điểm cao mà vẫn trượt.

* Xin cảm ơn ông!

Vũ Thơ
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.