Ngành thu học phí mức cao nhất tăng 71,33%
Trường ĐH Y Hà Nội là trường y dược công lập đầu tiên ở phía bắc chính thức có quyết định về mức học phí năm học 2022 - 2023.
Cụ thể, học phí các ngành đào tạo bác sĩ gồm răng hàm mặt, y khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng có mức tăng mạnh nhất, với mức thu 2,45 triệu đồng tháng, nghĩa là 24,5 triệu đồng/năm học (mỗi năm học có 10 tháng). Mức của năm học hiện tại khối ngành này là 14,3 triệu đồng/năm học. Mức tăng là 71,3%.
GS Tạ Thành Văn (áo đỏ), Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Hà Nội, và các sinh viên của trường |
Thanh Tùng |
Khối ngành cử nhân sức khoẻ gồm điều dưỡng, dinh dưỡng, khúc xạ nhãn khoa, kỹ thuật xét nghiệm y học, y tế công cộng sẽ có học phí 18,5 triệu đồng/năm học. Mức hiện tại các ngành này cũng là 14,3 triệu đồng/năm học. Ngành điều dưỡng chương trình tiên tiến có học phí là 37 triệu đồng/năm học. Mức hiện tại là 31,46 triệu đồng/năm học.
Theo ông Phạm Xuân Thắng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP Chính phủ ban hành từ tháng 8.2021, Trường ĐH Y Hà Nội vẫn là trường thuộc diện chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (thường gọi là chưa “tự chủ”). Vì thế, học phí của trường vẫn phải thu theo khung Chính phủ quy định ở điểm a khoản 2 điều 11 của nghị định. Trường áp dụng mức trần của khung này, cụ thể như đã nói ở trên.
Trường đại học nào có học phí cao nhất Việt Nam? |
Ông Thắng cũng giải thích: “Mức thu mới sẽ áp dụng cho cả sinh viên đang theo học tại trường. Khi các em trúng tuyển, mức học phí của các em được thu theo Nghị định 86 (được ban hành từ năm 2015 - PV). Nhưng Nghị định 86 chỉ quy định mức thu đến năm học 2020 - 2021. Nghị định 81 được ban hành thay thế Nghị định 86, vì vậy Nghị định 86 được áp dụng với tất cả sinh viên chứ không chỉ với sinh viên được tuyển vào từ năm 2022).
Phần lớn các trường y dược công lập đều chưa tự chủ
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Hải Phòng, cũng cho biết, trường chưa có kế hoạch cụ thể về mức thu học phí cho năm học 2022 - 2023, nhưng tinh thần là sẽ thực hiện theo Nghị định 81.
“Sáng nay, trường nhận được văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, đề nghị trường triển khai việc xây dựng đề án tự chủ. Như vậy, dẫu có sớm thì từ sang năm trường mới thuộc diện tự xác định mức thu học phí, còn năm học này thì vẫn thu theo khung mà Chính phủ quy định”, PGS Khải cho biết.
Khung học phí ĐH Chính phủ quy định trong Nghị định 81 với những trường chưa tự chủ |
Quý Hiên |
Còn theo PGS Nguyễn Duy Cường, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Thái Bình, hiện nay nhà trường chưa có kế hoạch cụ thể về mức thu học phí cho năm học tới. Hiện tại, trường đang thu học phí được Chính phủ quy định trong Nghị định 86 ban hành từ năm 2015.
PGS Cường cũng chia sẻ, thông tin một số báo đài cho rằng Trường ĐH Y dược Thái Bình đã áp dụng mức thu học phí mới từ năm học 2021 - 2022 (24,5 triệu đồng/năm học với ngành y khoa, y học cổ truyền, dược học; 18,5 triệu đồng/năm học với các ngành còn lại) là thông tin sai.
“Đúng là ban đầu trường có dự kiến như vậy, nhưng Chính phủ và các bộ liên quan yêu cầu không tăng học phí trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên trường đã không thực hiện dự kiến này”, PGS Cường nói và cho biết thêm: “Trường đã xây dựng đề án tự chủ, nhưng chưa thống nhất được nội dung. Vì thế, trong năm học 2022 - 2023, trường sẽ thu học phí theo quy định của Nghị định 81 với những trường chưa tự chủ”.
PGS Nguyễn Cảnh Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh, cho biết trước đây mức thu học phí của trường do Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định. Nhưng hiện nay tỉnh cho phép trường được thu theo Nghị định 81, với diện trường ĐH chưa tự chủ. Trường ĐH Y khoa Vinh là trường tự chủ một phần chi thường xuyên, theo Nghị định 81 thì những trường này cũng thu học phí như trường chưa tự chủ. Dù Nghị định 81 cho phép ngành y khoa tăng 71,33% nhưng có thể trường cũng chỉ tăng khoảng gấp rưỡi (tức 50%) so với hiện tại.
Bình luận (0)