Mục tiêu bí mật của Trung Quốc: Vượt mặt Thung lũng Silicon

28/05/2018 13:17 GMT+7

Vị thế dẫn đầu về vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ đang nhạt dần, vấp phải mối đe dọa lớn từ châu Á và trung tâm của khu vực này: Trung Quốc.

Theo CNBC, dòng tiền đầu tư mới từ Trung Quốc và phần còn lại của châu Á vừa giúp thúc đẩy thay đổi trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Năm ngoái, tài trợ đầu tư mạo hiểm của châu Á chiếm 40% toàn cầu, trong khi Mỹ thì chiếm 44%.
Trung Quốc chiếm 24% trong tổng số vốn đầu tư mạo hiểm châu Á, theo Dow Jones VentureSource. Cách đây một thập niên, tỷ lệ chi tiêu vốn mạo hiểm của Trung Quốc trong các doanh nghiệp khởi nghiệp toàn cầu còn dưới 5%.
Làn sóng tiền mặt Đại lục chảy vào các startup mới đầy hứa hẹn có thể báo hiệu sự thay đổi về việc nước nào kiểm soát sự đổi mới và tiến bộ của công nghệ thế giới. Danh sách Disruptor 50 của CNBC, tổng hợp các hãng đang thay đổi lĩnh vực mà họ kinh doanh, lần đầu tiên có hai cái tên startup tỉ đô từ Trung Quốc là Didi Chuxing và Xiaomi. Cả hai hãng đều thu hút hàng tỉ USD tiền vốn.
14 doanh nghiệp trong danh sách Disruptor 50, trong đó có Airbnb, Uber, Ellevest, Lyft, LanzaTech và WeWork, được các nhà đầu tư Trung Quốc như China Broadband Capital Partners và Didi Chuxing hậu thuẫn. Thêm vào đó, từ khi danh sách ra mắt vào năm 2013, 41 nhà đầu tư Trung Quốc tài trợ cho các doanh nghiệp thuộc Disruptor 50. Họ đóng góp 35,4 tỉ USD tiền tài trợ cho các hãng này từ năm 2002, theo PitchBook.
CEO Xiaomi Lei Jun Ảnh: Reuters
Đại lục đang tiến bước lớn trong cuộc đua đổi mới công nghệ toàn cầu và thống trị vốn mạo hiểm, bằng cách phát triển vốn mạo hiểm và các điểm nóng khởi nghiệp ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến. Đây là nhà của nhiều nhà đầu tư mạo hiểm hoạt động hiệu quả nhất, chẳng hạn như Neil Shen, đối tác quản lý của Sequoia Capital China hay JP Gan, đối tác quản lý của Qiming Venture Partners. Cả hai đều tài trợ cho một số hãng công nghệ mới nổi và đi đầu Trung Quốc, chẳng hạn như Xiaomi. Xiaomi đứng hạng 28 trong danh sách Disruptor 50 năm nay với giá trị 46 tỉ USD.
Bộ tam BAT đầy quyền lực của Trung Quốc là Baidu, Alibaba và Tencent, ba hãng tương tự như Apple, Alphabet, Microsoft, Amazon và Facebook ở Mỹ, đang thúc đẩy vốn mạo hiểm, đầu tư vào các startup hàng đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ nóng nhất, chẳng hạn như công nghệ sinh học, thực tế ảo, công nghệ tài chính, an ninh và trí tuệ nhân tạo (AI).
Năm ngoái, Trung Quốc chi phối chi tiêu mạo hiểm trong lĩnh vực AI khi chiếm 48% trong số 12 tỉ USD vốn rót vào mảng này toàn cầu. Trong khi đó, Mỹ chỉ chiếm 38%, theo số liệu từ CBI Insights. Giờ đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đang chuẩn bị gặt hái trái ngọt. Bob McCooey, phó chủ tịch cấp cao ở Nasdaq, dự báo rằng số IPO Trung Quốc ở New York sẽ tăng từ 25-30% trong năm nay. Năm 2017, chỉ có 16 IPO Trung Quốc ở Mỹ.
Tầm quan trọng của các thỏa thuận vốn mạo hiểm Trung Quốc cùng sức mạnh của nước này trong việc tạo ra các thương hiệu lớn khó có nước nào sánh kịp. Didi Chuxing đã mở rộng kinh doanh dịch vụ vào năm 2012, khiến đối thủ Uber phải rời Trung Quốc năm 2016 trong giao dịch trị giá 35 tỉ USD. Số tiền 9,5 tỉ USD vốn mạo hiểm mà Didi nhận trong năm 2017 được tính là thương vụ đầu tư mạo hiểm lớn nhất năm, lớn thứ nhì thập niên qua và lớn nhất từ trước đến nay ở châu Á.
Ông Hans Tung từ GGV Capital (trái) và ông Gary Rieschel của Qiming Venture Partners Ảnh: Silicon Dragon
Tài trợ khủng cho các hãng công nghệ Đại lục không phải chuyện lạ. Bốn trong số sáu khoản đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc trên toàn cầu trong quý 4/2017 thuộc về công ty Trung Quốc: Didi với 4 tỉ USD, Meituan với 4 tỉ USD, Ofo với 1 tỉ USD và Nio với 1 tỉ USD.
Chưa hết, cứ mỗi ba ngày thì lại có một startup “kỳ lân” mới ở Trung Quốc, tức hãng khởi nghiệp đạt giá trị trên 1 tỉ USD. Hầu hết là doanh nghiệp internet, có trụ sở ở Bắc Kinh, theo Viện Nghiên cứu Hurun. Tính đến hết tháng 3, số startup “kỳ lân” là 151.
Xét tất cả thước đo như số vốn tài trợ cho các startup kỳ lân, chi tiêu nghiên cứu và phát triển, số đơn bằng sáng chế nộp lên, nhân tài kỹ thuật, Trung Quốc đều đang đi lên mạnh mẽ. Hiện nước này có 62 trong số 230 startup kỳ lân toàn cầu, theo sau là Mỹ với 113 startup. Trung Quốc chiếm 41% tổng giá trị các startup kỳ lân thế giới, sau Mỹ với 46%, theo CBI Insights.
Trung Quốc đang vượt Thung lũng Silicon và nhiều điểm nóng khởi nghiệp khác trên toàn cầu với quy mô lớn, văn hóa khởi nghiệp, hỗ trợ chính phủ trong một số ngành quan trọng như AI, và nguồn vốn mạo hiểm dồi dào. Các hãng đầu tư mạo hiểm vào Trung Quốc đang gọi vốn thành công. Một trong những cái tên dẫn đầu là Qiming Venture Partners ở Thượng Hải, hãng vừa gọi được 1,39 tỉ USD cho ba quỹ mới để đầu tư vào các công ty công nghệ mới nổi. Qiming Venture Partners đầu tư vào 12 quỹ với hơn 250 giao dịch đầu tư vốn mạo hiểm, tài trợ đến 20 startup “kỳ lân”.
CEO Baidu Robin Li (trái), nhà sáng lập Alibaba Jack Ma (giữa) và sếp Tencent Pony Ma Ảnh: Reuters
Tốc độ văn hóa khởi nghiệp nhanh chóng ở Trung Quốc cũng được ghi nhận nhiều hơn. Các nhà sáng lập ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu đang không mệt mỏi, kiên trì để thành công. Họ không sợ thất bại, nhưng sợ đứng ngoài cuộc chơi. Các đội ngũ startup ở Trung Quốc thường làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày, 6 ngày/tuần. Điều này gợi nhắc đến Thung lũng Silicon cuối thập niên 1990, khi thế hệ bùng nổ doanh nhân Đại lục còn sơ khai trong khi Thung lũng Silicon thì đã “sốt”.
Trong 10 năm, nền kinh tế công nghiệp Trung Quốc đi từ chỗ “Made in China”, "Copied in China" (sao chép ở Trung Quốc) sang "Invented in China" (chế tạo ở Trung Quốc). Hiện nay, xu hướng quan trọng nhất cần theo dõi là "Copied from China", hay việc công ty Mỹ sao chép cải tiến từ Trung Quốc. Thế hệ doanh nhân internet đầu tiên của Đại lục đã copy các startup Mỹ thành công như Yahoo, Amazon, Facebook, Google và eBay. Giờ đây, Trung Quốc đang phá vỡ mô hình kinh doanh của họ với nhiều cải tiến mang tính đột phá. Đơn cử, cơn sốt chia sẻ xe đạp bắt đầu ở Trung Quốc với Ofo và Mobike giờ đã có hãng “copycat” khác là LimeBike ở Thung lũng Silicon.
Ngoài ra, chi tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như tài năng kỹ thuật ở Trung Quốc cũng là hai điểm đáng chú ý. Nguồn vốn cho R&D ở nước này là 409 tỉ USD năm 2015, cận mức 497 tỉ USD ở Mỹ và tăng với tốc độ 18% mỗi năm, nhanh hơn nhiều so với mức tăng 4% mỗi năm ở Mỹ. Nếu xu hướng hiện thời tiếp tục, Trung Quốc sẽ vượt chi tiêu R&D tại Mỹ vào năm 2019, theo dự báo của Hội đồng khoa học quốc gia Mỹ.
Tài năng kỹ thuật Đại lục cũng tăng mạnh. Trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, Trung Quốc đạt 22% tổng số bằng cử nhân, trong khi Mỹ chiếm 10%. Trung Quốc có 34.000 bằng tiến sĩ, không thấp hơn nhiều so với Mỹ là 40.000, theo Hội đồng khoa học quốc gia Mỹ. Số đơn nộp bằng sáng chế tại Trung Quốc cũng vượt Nhật Bản, lên hàng thứ hai thế giới trong năm 2017 với 48.882 đơn, chiếm 20% toàn cầu, theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới. Mỹ vẫn là nước đứng đầu trong mảng này với 29% tổng toàn cầu, ở mức 56.624 số đơn nộp xin bằng sáng chế. Một thập niên trước, Trung Quốc chỉ đứng hạng 7 toàn cầu với 4.546 đơn nộp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.