Bản lĩnh, lạc quan, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé này không chỉ lèo lái “con tàu” Grab vượt qua tâm bão mà còn đang tham vọng tạo ra một bước đột phá mới cho Grab tại thị trường VN.
- Trước khi gia nhập Grab, chị đã có 17 năm làm việc trong ngành hàng tiêu dùng với vị trí Phó chủ tịch Marketing của Unilever VN. Tôi vẫn tò mò về lý do chị chọn Grab để đánh dấu một bước thay đổi lớn trong sự nghiệp của mình?
Lý do tôi ở Unilever đến 17 năm cũng chính là lý do tôi quyết định gia nhập Grab. Unilever vào VN ở những năm kinh tế VN mới mở cửa, khi đó gần như mọi thứ phải xây dựng từ số 0. Lần đầu tiên, người dân VN được tiếp cận với nước rửa chén, dầu gội đầu sau bao đời sử dụng xà bông đá, bồ kết... Chứng kiến VN thay đổi từng ngày, người nội trợ được tiếp cận với những sản phẩm tiện lợi hơn, tốt hơn khiến tôi cảm thấy công việc của mình thật sự ý nghĩa.
Tương tự, khi Grab vào VN, một lần nữa, tôi lại nhìn thấy được sự thay đổi từng bước làm cho cuộc sống người dân tiện lợi hơn, dễ dàng hơn rất nhiều. Ðiều đầu tiên mà Grab làm được là mang đến cho các bác tài một công việc được công nhận. Các bác tài giờ biết sử dụng điện thoại thông minh, biết dùng app, thay đổi tác phong phục vụ khách lịch sự, đón khách đúng giờ... và quan trọng nhất là có thể tự hào giới thiệu “tôi chạy xe công nghệ”. Những điều Grab nỗ lực làm vì cộng đồng thật sự đã chạm đến trái tim tôi.
Bây giờ sau khi về Grab, tôi còn biết thêm nhiều câu chuyện cảm động hơn về các cô, các chị bán hàng quán vỉa hè nhờ có Grab mà có thể tăng doanh thu, cải thiện thu nhập. Ðiều đó càng khiến tôi cảm thấy quyết định gia nhập đội ngũ Grab VN càng ý nghĩa.
- Chuyển từ mảng tiêu dùng nhanh sang công nghệ, lại “dính” thêm dịch bệnh Covid-19, mọi thứ có quá khó khăn với chị?
Chắc chắn rồi! Khác biệt lớn nhất chính là tốc độ. Ðối với hàng tiêu dùng, từ lúc sản xuất ra mặt hàng cho tới khi đến được tay người dùng có khi phải mất vài tháng. Sản phẩm trải qua quá trình đi từ nhà máy đến nhà phân phối, hệ thống bán sỉ, bán lẻ rồi khách hàng mới mua, có khi mua về còn để đó, chưa dùng luôn. Nói chung là có độ trễ và chúng tôi có khoảng thời gian để làm cho cung gặp cầu.
Trong khi với Grab, mọi thứ là ngay lập tức, nóng hổi. Khi khách hàng mở app, muốn tìm bún đậu mắm tôm mà không tìm ra nhà hàng là chúng tôi đã mất cơ hội bán hàng rồi.
Tôi chuyển qua Grab từ tháng 11, thời điểm bắt đầu mùa lễ hội cuối năm. Mọi người đi lại nhiều, mua sắm nhiều nên các bạn ra được rất nhiều ý tưởng, liên tục đổi mới tính năng, sản phẩm. Lúc đó tôi đã thật sự ấn tượng trước tốc độ vận hành, tốc độ đổi mới của Grab. Mọi thứ đang còn khá mới mẻ thì đại dịch bùng phát. Chúng tôi chỉ có thời gian rất ngắn để phản ứng và thích nghi.
|
Covid-19 kéo theo 2 thay đổi. Thứ nhất, tất cả hoạt động liên quan đến offline bị co lại để đảm bảo an toàn cho người dân. Khi mảng di chuyển phải tạm ngừng để đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, chúng tôi phải tìm cách vận hành tối đa và đảm bảo an toàn cho các mảng dịch vụ còn lại để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân trong lúc dịch bệnh. Nói thì đơn giản nhưng để có thể truyền thông, huấn luyện cho hàng trăm ngàn đối tác tài xế trên hơn 40 tỉnh thành, để từng người dùng Grab thay đổi hành vi, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả đối tác tài xế cũng như khách hàng... chỉ trong thời gian 2 tuần, là điều không hề dễ dàng. Bản thân ứng dụng Grab cũng phải thực hiện một số thay đổi, cập nhật tính năng an toàn cho phù hợp hơn với dịch bệnh.
Cùng với đó là làn sóng chuyển từ offline lên online. Chỉ trong vòng 2 - 3 tuần, số lượng nhà hàng muốn trở thành đối tác bán online trên nền tảng của Grab tăng lên gấp gần 10 lần. Số lượng lên quá nhanh trong khoảng thời gian quá ngắn đặt ra thách thức rất lớn làm sao để phục vụ cho kịp nhu cầu.
Tuy khó khăn, áp lực nhưng rất may cho tôi là toàn bộ đội ngũ Grab rất “máu”. Phản ứng nhanh đã có sẵn trong ADN của các bạn. Khi dịch tới, toàn bộ sự nhanh nhạy của Grab lại càng được thể hiện rõ ràng. Tôi chỉ cần tập trung vào chuyện đưa ra chiến lược, giải pháp, còn lại thì toàn bộ guồng máy Grab chạy cực kỳ nhanh, mượt nhờ sự sáng tạo, nỗ lực và nhiệt tình của các bạn.
- Sau 6 năm, Grab đã khẳng định được thương hiệu, được ghi nhận góp phần đổi thói quen tiêu dùng của người Việt. Ðiều này có tạo thách thức cho chị khi muốn ghi dấu ấn cá nhân trong bước đường phía trước của Grab?
6 năm qua, Grab đã góp phần thay đổi thói quen của người Việt, từ thói quen đi lại, ăn uống cho đến thanh toán. Nhưng tôi tin rằng Grab có thể làm được nhiều hơn thế. Mục tiêu của chúng tôi là làm thế nào để mọi người dân, cả đến những người có mức thu nhập thấp sống ở vùng sâu, vùng xa, đều có thể tiếp cận với công nghệ và trở thành một thành tố trong nền kinh tế số. Nhưng rõ ràng, đây không chỉ là bài toán tịnh tiến - thêm người, thêm tiền, thêm thời gian - là có thể làm được. Ðây chính là sứ mệnh Grab vì cộng đồng mà chúng tôi sẽ tập trung thực hiện trong những năm sắp tới.
|
Ðúng vậy. Ðối với những mảng dịch vụ đã ổn định như GrabCar, GrabBike, GrabFood... chúng tôi sẽ thúc đẩy phát triển nhanh hơn và sâu rộng hơn để tiếp cận được nhiều người dân hơn, phục vụ cuộc sống hằng ngày của họ tốt hơn nữa.
Cùng với đó, định hướng Grab từ trước đến nay không thay đổi, đó là một siêu ứng dụng đa dịch vụ cung cấp những giải pháp thiết yếu cho cuộc sống của người dân. Vì vậy, chúng tôi sẽ xác định những lĩnh vực nào đang gây ra thách thức lớn nhất cho người dân, sử dụng năng lực của Grab để giải quyết “bài toán” đó, và dùng công nghệ để tạo nên sự khác biệt. Chúng tôi tin rằng công nghệ có thể trở thành chiếc cầu nối để những nhu cầu thiết yếu và cơ bản như giáo dục, y tế... đến được với đại bộ phận người VN.
Đối với lĩnh vực công nghệ, Covid-19 đang mang đến nhiều cơ hội hơn là thách thức. Cạnh tranh sẽ càng thúc đẩy “miếng bánh thị trường” nở to hơn và mang đến lợi ích cho tất cả mọi người. Thị trường đủ lớn để nhiều doanh nghiệp cùng tham gia nên chúng tôi không quá suy nghĩ về thị phần. Điều chúng tôi quan tâm là những lợi ích thiết thực và lâu dài mà chúng tôi có thể mang đến cho thị trường và người dùng thông qua công nghệ.
|
Bình luận (0)