Mục tiêu không chỉ có người Thái

07/12/2018 18:51 GMT+7

Phải thừa nhận, bóng đá Việt Nam từng bị ám ảnh suốt thời gian dài bởi người Thái từ cấp độ trẻ cho đến tuyển quốc gia vì những trận thua liểng xiểng ở SEA Games và cả AFF Cup. Nhưng bối cảnh hiện nay ở Đông Nam Á, ta không phải cứ mặc định người Thái là “ông kẹ”.

Trong lịch sử môn bóng đá nam SEA Games, Việt Nam 4 lần vào chung kết với Thái Lan và toàn thua. Trong đó, 3 lần thua người Thái mà không ghi nổi 1 bàn danh dự nào như năm 1995 thua 0-4, năm 1997 thua 0-2, năm 2005 thua 0-3. Riêng năm 2003 Việt Nam là chủ nhà SEA Games 22 và thua Thái Lan 1-2 ( ở hiệp phụ).

Tuy nhiên, ở AFF cup 2008, khi vào chung kết, chúng ta đã thắng Thái Lan sau 2 lượt trận đi - về với tổng tỷ số 3-2 để lên ngôi vô địch. Từ đó đến nay, Việt Nam chưa gặp Thái Lan ở chung kết SEA Games hay chung kết AFF cup lần nào nữa. Gần nhất chúng ta thua đau người Thái 0-3 và bị loại ở vòng bảng SEA Games 29/2017.

Sau khi Thái Lan bị Malaysia loại trước ngưỡng chung kết AFF cup 2018, nhiều người như bị “mất cảm hứng” vì đội bóng có biệt danh “Voi chiến” gần như là mục tiêu cao nhất để chúng ta hướng đến nhằm “ ăn thua đủ”.  Báo chí Việt Nam cũng không ít lần đề cập và dự báo về một trận chung kết lý tưởng “ Việt- Thái” có thể diễn ra.

U.23 Việt Nam thua Thái Lan ở SEA Games Độc Lập
Và cho đến trước cái thời khắc tiền đạo Adisak sút lên trời quả phạt đền trong trận đấu bán kết lượt về với Malaysia, trên mạng xã hội Việt Nam không ít người vẫn tin 99,9% Thái Lan sẽ vào chung kết. Nào ngờ “những chú hổ vàng”- Malaysia đã ghi tên mình vào trận 2 trận đấu chung kết đi-về.

Nhiều năm nay, ở môn bóng đá nam chúng ta “hận sâu, thù dai” với người Thái. Cứ mỗi khi trái bóng sân chơi khu vực lăn trên sân cỏ thì phần đông lại nhằm thẳng Thái mà “bắn”. Kể cả 2 lần người Thái lỡ hẹn với chúng ta ở chung kết SEA Games năm 2009 trên đất Lào ( Việt Nam thua Malaysia 0-1) hay tại Tiger cup Hà Nội năm 1998 ( Việt Nam thua Singapore 0-1) thì khi vào giải, dù không ai nói ra nhưng trong thâm tâm chúng ta cũng đặt mục tiêu bằng mọi giá “ quật ngã” người Thái.

Thành ra trận đấu bán kết Tiger Cup trên sân Hàng Đẫy cách đây 20 năm, Việt Nam thắng Thái Lan 3-0 khiến người hâm mộ Việt Nam mừng như thể chúng ta vô địch vì tâm lý “thua ai cũng được nhưng phải thắng đội Thái”.

Tuy nhiên bóng đá vốn không phải là môn đối kháng thách đấu theo kiểu Boxing, tức là cứ hạ trực tiếp nhà vô địch thì nghiễm nhiên quàng chiếc đai của đối phương lên ngực mình. Chiến thắng trong một trận cầu chỉ là sự thỏa mãn nhất thời, quan trọng vẫn là mặt bằng trình độ của một nền bóng đá.

Ở khía cạnh này, xét toàn cục đúng là chúng ta còn phải học người Thái rất nhiều từ chất lượng đào tạo cầu thủ trẻ, cho đến hệ thống các giải đấu quốc nội, kể cả “ xuất khẩu cầu thủ”, công nghệ tổ chức.v.v. Nhưng nhìn lại một năm qua, Việt Nam đáng tự hào với những “ quả ngọt” đã gặt hái được từ cấp độ trẻ đến đội tuyển quốc gia.  Ở sân chơi U.23 Châu Á đầu năm, người Thái bị loại sớm còn Việt Nam vào đến chung kết. Ở Asiad 18, người Thái cũng “ rơi rụng” từ vòng bảng, ta thì vào đến Bán kết.

Đoàn Văn Hậu chơi ngày một hay Vy Khánh
Tại AFF cup lần này, tuyển Thái ngã quỵ ngay sân nhà trước Malaysia còn Việt Nam hiên ngang hạ “châu Âu” của Đông Nam Á- Philippines để có mặt ở chung kết. Trước đó, năm 2014, thậm chí đội U.20 Việt Nam còn giành vé dự VCK U.20 thế giới ở Hàn Quốc trong khi người Thái thì làm khán giả...

Vì vậy, ý nghĩa của câu chuyện thắng thua người Thái không chỉ ở những cuộc đối đầu trực tiếp mà còn là quá trình tiến bộ, tự nâng tầm chính mình. Bằng việc vào chung kết AFF cup lần này cũng như đạt thành tích tốt ở VCK U 23 Châu Á và Asiad 18 vừa qua, có thể khẳng định bóng đá Việt Nam đã tiến một bước dài và lúc này có thể cạnh tranh sòng phẳng trước bóng đá Thái Lan.

Giờ đây nhìn sang các đối thủ khác, có thể thấy Philippines nổi lên như một thế lực mới. Kể từ năm 2010, chính sách kêu gọi “những người con xa xứ” trở về và chính sách nhập tịch hay cho phép “con lai” khoác áo đội tuyển quốc gia đã giúp họ cải thiện nhiều về thành tích và trở thành đối đáng gờm trong khu vực.

Với Malaysia, biểu đồ về sự tiến bộ của họ cũng khá tốt so với mặt bằng trình độ bóng đá  khu vực. Tại VCK U 23 Châu Á  hồi đầu năm, họ “đột” thẳng vào vòng Knock-out. Tại Asiad 18 trên đất Indonesia mới đây,  “những chú hổ con” thắng cả Hàn Quốc (đội bóng xứ Kim chi về sau đoạt HCV) ở vòng bảng và lọt vào vòng 2 chỉ chịu dừng bước trước Olympic Nhật Bản (sau là Á quân). Rõ ràng nếu chúng ta nghĩ quá nhiều về người Thái có khi chúng ta bị “lạc nhịp” rồi bị các đối thủ khác “đánh úp” sau lưng.

Quang Hải, Văn Đức chơi nổi bật Độc Lập
Người Mã từng nẫng chiếc HCV SEA Games 2009 trên tay chúng ta trên xứ sở Triệu voi. Người Sing từng lấy cúp vô địch Tiger năm 1998 ngay sân nhà chúng ta để mang về đảo quốc Sư tử. Đó là những bài học “xương máu” để chúng ta biết điều chỉnh mục tiêu của mình chứ không phải cứ chăm chăm “mai phục” trước cửa nhà người Thái như bao năm qua. Nên nhớ, giá trị sau chiến thắng ở chung kết là ngôi vị số 1 khu vực.

Vậy thì thắng Thái, thắng Malaysia hay đội bóng nào khác cũng không thể làm suy siểng giá trị ấy. Đó là chưa kể sau một cuộc chơi, người ta chỉ nhớ tên đội vô địch chứ có mấy ai quan tâm đến đội á quân?! Xét khía cạnh này, chúng ta đã nếm vị đắng ngắt sau 5 lần về nhì SEA Games và 1 lần Á quân Tiger Cup 1998 rồi!

Cho nên đừng tự “kiềm hãm” cái sự sung sướng vì đối thủ chung kết AFF cup lần này là Malaysia chứ không phải là Thái Lan. Dẫu sao, Chúng ta cũng từng hạ bệ người Thái vào 2008 rồi còn gì?!  Giờ thì đợi “Rồng vàng” đả bại “Hổ vàng” nữa là Việt Nam sẽ có chức vô địch AFF cup lần 2 trong lịch sử giải giải đấu này! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.