Tuy nhiên, để làm được điều đó, họ cần có sự đồng hành bằng việc gỡ bỏ những áp lực vô hình.
Sáng tạo sẽ “tạo sáng”
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sau 2 năm, những công trình đoạt giải đều là của những nhà giáo tâm huyết, có nhiều cống hiến cho ngành GD-ĐT, được đồng nghiệp tín nhiệm, học sinh (HS) yêu quý. Các thầy cô là người đã khơi nguồn, truyền cảm hứng, tâm huyết, tạo ra sự lan tỏa, thúc đẩy sự sáng tạo, đam mê, trách nhiệm của các nhà giáo.
Để lại ấn tượng đặc biệt cho hội đồng chuyên môn khối THCS là đồ dùng tự chế dành cho HS của cô Nguyễn Thị Mai, Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội). Mong muốn HS sẽ có những trải nghiệm thú vị đối với môn vật lý, cô Mai đã bỏ công sức nghiên cứu và thiết kế ra hệ thống phối hợp các máy cơ đơn giản, bộ thí nghiệm nghiên cứu lực điện từ, bộ thí nghiệm chưng cất nước... để phục vụ các bài học cụ thể. Điều đặc biệt, nguyên liệu của những sản phẩm này đều được tận dụng từ những đồ dùng cũ, đồ phế liệu và đồ có sẵn trong gia đình.
Bên cạnh đó, thông qua các phương pháp dạy học mới, cô cũng tạo cơ hội cho HS tự chế tạo ra các sản phẩm để khơi dậy tiềm năng sáng tạo. Một loạt sản phẩm như: kính tiềm vọng, ròng rọc vận chuyển nước từ tầng 2 lên tầng 3 của trường; nhạc cụ cùng các buổi biểu diễn âm nhạc; các sản phẩm trong dự án tác dụng của dòng điện... của HS đã cho thấy sự thành công của cô trong hành trình truyền lửa đam mê cho các em.
Học văn vui vẻ, học toán cảm xúc !
tin liên quan
Học trò mong muốn gì ở thầy cô?Mang theo trăn trở trước thực trạng ngày càng nhiều HS không hứng thú, không thích học môn văn, cô giáo Phạm Thị Thu Hà, Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội), đã “lôi kéo” HS dừng quay lưng với môn văn bằng việc xây dựng chương trình “Văn vui vẻ”. “HS cởi mở và thấy môn văn đáng yêu hơn; với tôi đó là hạnh phúc. Tôi không dám nhận mình là người có công khiến học trò của tôi trở nên yêu thích môn văn. Tôi chỉ là người kích hoạt niềm đam mê của các em đối với môn văn, từ đó các em có nền tảng, tâm thế thoải mái nhất để tiếp nhận kiến thức của môn học này”, cô Hà bộc bạch.
Ý tưởng và mô hình học toán khơi gợi cảm xúc tích cực của thầy giáo Phạm Thế Mạnh, Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cũng được hội đồng đánh giá cao. Là giáo viên (GV) dạy toán nhưng thầy Mạnh lại cho thấy cả vai trò “chuyên gia tâm lý” của HS. Thầy Mạnh cho rằng, nhà giáo cần chú trọng việc xây dựng phong thái, điều tiết cảm xúc sự nhiệt tình, quan tâm đến HS. Thực tế có một số thầy cô vô tình nâng cao quan điểm chuyên môn mà quên đi những cảm xúc của HS. Do vậy, trước mỗi buổi lên lớp, thầy Mạnh luôn quan sát, lắng nghe để xét đoán cảm xúc của các học trò, qua đó mới đưa ra cách thức giảng dạy phù hợp trong tiết học ngày hôm đó. Nếu HS đang ủ rũ thì nên có những hoạt động khởi đầu tiết học sôi nổi, có như vậy thì HS mới được kích thích những cảm xúc tích cực và từ đó thu nhận kiến thức dễ dàng hơn.
Cô Dương Thu Hà, GV Trường THPT Lê Lợi (Q.Hà Đông, Hà Nội) và nhóm HS của mình đã phối hợp với các thầy cô giáo làng trẻ Hòa Bình tiến hành dự án cộng đồng “Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các chủ đề kỹ năng sống thiết yếu”. Cô Hà chia sẻ, bản thân cô muốn hướng các em hiểu được giá trị thực sự của sự chia sẻ, đồng cảm với các hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Bởi vậy, thay vì để các em xin tiền bố mẹ, cô đã tổ chức dự án trồng hoa tulip để làm từ thiện.
Bớt áp lực sẽ có sáng tạo
Thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), một trong 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh vào dịp 20.11 năm nay, chia sẻ: “Sáng tạo là quá trình mồ hôi công sức, đắn đo, lo lắng tìm phương pháp dạy học thành công. Tôi luôn nhắn nhủ GV của mình rằng hãy yên tâm sáng tạo, xin chớ ngại đổi mới, đã có nhà trường đồng hành trong trăn trở vì học trò của thầy cô. Có chúng tôi quý trọng và nâng niu mỗi thành quả sáng tạo, dù là nhỏ”, thầy Nhâm tâm sự.
Chia sẻ của thầy Nhâm cũng chính là mong ước của rất nhiều GV hiện nay. Họ biết đổi mới, sáng tạo sẽ mang lại cảm hứng và hiệu quả cho công tác dạy học nhưng trên thực tế không phải ở đâu, môi trường nào GV cũng thực hiện được mong ước đó.
Tại hội thảo về "Áp lực lao động nghề nghiệp của GV VN hiện nay" do Tổng liên đoàn Lao động VN tổ chức, cô Dương Thị Phương Thảo, GV Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Q.Ba Đình, Hà Nội), gây chú ý bởi tâm sự về áp lực quá lớn của nghề dạy học hiện nay. Cô cho biết mình đã không ít lần bật khóc vì những áp lực vô hình bởi các cuộc thi như thi GV dạy giỏi, HS giỏi, thi cử của HS...
Cô Thảo bày tỏ mong muốn không chỉ giảm tải về chương trình học, áp lực thi cử mà còn cần giảm tải hồ sơ, sổ sách cho GV. Những tâm sự của cô Thảo khiến đại biểu tại hội thảo hiểu rằng, GV đang chịu một áp lực lớn của bệnh thành tích.
Bà Hoàng Gia Trang, Viện Khoa học giáo dục VN, đề nghị cần giảm áp lực thành tích đối với GV. Vấn đề thành tích làm cho việc dạy học trở nên quá tải, mệt mỏi, giảm động lực làm việc, GV mất nhiều thời gian, tâm sức và đôi khi phải làm những việc không mong muốn để đạt thành tích đã đăng ký. Mới đây, Bộ GD-ĐT dừng đứng ra tổ chức các cuộc thi trên mạng internet cũng góp phần giảm áp lực cho GV. Tuy nhiên, cần hạn chế hơn nữa những hoạt động thi đua mang tính hình thức, không cần thiết để giảm áp lực cho GV và tạo động lực tốt hơn cho họ trong dạy học.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng Trường liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng khẳng định, trường học phải dạy HS làm người, không chạy theo thành tích, điểm số. Có như vậy, GV mới vận dụng hết năng lực, sức sáng tạo của mình trong dạy học mà không lo bị cấp trên phê bình, khiển tránh.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng nhận định: “Áp lực thi cử, dạy học để đạt điểm cao trong các kỳ thi lớn nên quan sát nhiều năm qua cho thấy, dù yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học đã đặt ra hàng chục năm qua nhưng càng lên cấp học cao thì GV càng ít đổi mới. Không phải GV ngại hay chưa đủ năng lực mà do họ bị áp lực bởi thành tích thi cử, tỷ lệ đỗ đạt của HS ở những kỳ thi tuyển sinh”.
Bình luận (0)