Ai cũng biết, suốt 2 năm qua, diêm dân VN đã phải cắn răng chịu đựng như thế nào khi tất cả các mặt hàng thiết yếu liên quan đến đời sống của họ đều tăng giá, trừ muối - sản phẩm do họ làm ra. Giá muối hiện nay vẫn giẫm chân ở mức 550-600 đồng/kg, thế nhưng, báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết, lượng muối còn tồn đọng hiện đã lên đến 217.000 tấn. Cũng xin được lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2011, Bộ Công thương cũng đã cấp quota cho các DN nhập 50.000 tấn muối công nghiệp và 1.034 tấn muối tinh, trong khi lượng muối còn tồn kho từ vụ trước lên đến hàng trăm ngàn tấn. Muối là loại sản phẩm đặc thù, không thể để lâu như các loại hàng hóa khác. Vì vậy, việc tiêu thụ muối được tính bằng đơn vị năm, nếu không bán được, muối lại trả về với biển.
Một đất nước có trên 3.000 km bờ biển, mỗi năm có đến 6 tháng nắng - một lợi thế rất lớn cho việc làm muối, ấy thế mà năm nào cũng nhập muối, nhưng lý do mà các nhà quản lý đưa ra không phải là muối thiếu mà là do kém chất lượng. Cũng là ý kiến của những nhà nhập khẩu muối và cơ quan cấp quota chứ chẳng ai thẩm định ý kiến “muối kém” ấy đúng tới đâu. Các DN có sử dụng muối thì kêu “sắp hết muối để sản xuất công nghiệp” nên phải nhập, trong khi những DN kinh doanh muối thì vẫn khẳng định, muối trong nước hoàn toàn có khả năng thay thế muối nhập, nhất là muối của các tỉnh miền Trung chất lượng rất tốt, vừa trắng, vừa có hàm lượng NaCl đảm bảo. Ai cũng cho ý kiến mình đúng nhưng “trọng tài” để phân xử về chất lượng muối của VN thì chẳng ai chịu đứng ra. Chỉ có diêm dân là người chịu thiệt trong việc nhập khẩu muối này.
Không thể phủ nhận việc sản xuất muối của diêm dân VN hiện nay vẫn còn nặng tính thủ công. Nhiều cánh đồng muối, diêm dân vẫn dùng đất để làm nền. Vì vậy, khi thu hoạch, đất cát đã lẫn vào khiến tạp chất trong muối rất lớn, đó là lý do để nhiều nhà máy sản xuất muối tinh trong nước vẫn không mặn mà với hạt muối của diêm dân VN. Ở đồng muối Sa Huỳnh - Quảng Ngãi, nhiều hộ diêm dân đã vay ngân hàng để làm nền xi măng, hạt muối vì vậy rất ít tạp chất, ấy thế mà cả cánh đồng muối Sa Huỳnh vẫn tồn đọng 4.000 tấn/năm! Điều này cho thấy, việc các DN nhận được sự ưu ái của Bộ Công thương để nhập khẩu muối với lý do “muối kém chất lượng” là điều khó tin. Kém chất lượng thì Nhà nước hướng dẫn cho diêm dân làm sao đó để muối có chất lượng chứ không thể lấy cớ đó để gây khó cho diêm dân bằng việc nhập khẩu muối như lâu nay.
Cùng với nông dân, diêm dân là những người đầu tắt mặt tối để làm nên sản phẩm. Rất khó để chúng ta phân biệt đâu là vị mặn của mồ hôi còn đâu là vị mặn của muối đối với diêm dân hiện nay. Vì vậy, không thể bàng quan vô cảm để đưa ra các quyết định bất lợi cho diêm dân.
Trần Đăng
Bình luận (0)