Quy định không cho phép giảm giá vượt quá 50% giá bán trước đó đã khiến nhiều doanh nghiệp VN gặp không ít khó khăn.
Quy định không cho phép giảm giá vượt quá 50% giá bán trước đó đã khiến nhiều doanh nghiệp VN gặp không ít khó khăn.
Vì thế, việc doanh nghiệp (DN) cần xả hàng tồn kho thu hồi vốn, thanh lý hàng hóa lỗi… là những nhu cầu chính đáng nhưng cũng không dễ gì thực hiện được.
Quy định hiện tại khiến nhiều DN thời trang VN không được bán giảm giá hơn 50% - Ảnh: D.Đ.M |
Không giống thông lệ
|
Ông Liên An Thạch, Giám đốc kinh doanh - Siêu thị điện máy Chợ Lớn, kể: Ra nước ngoài đều thấy các chương trình giảm giá sốc đến 70 - 80% nhưng ở VN điều này là không được phép. Đôi khi, có một số sản phẩm gặp lỗi trong quá trình vận chuyển như bị móp méo, bao bì bị hư hoặc hàng trưng bày, khi đó các DN sẵn sàng chấp nhận bị lỗ để giải phóng kho, thu hồi một phần vốn... Thế nhưng vì vướng quy định không được giảm giá cao hơn 50% giá bán trước đó nên siêu thị điện máy Chợ Lớn thường chỉ bán thanh lý nội bộ nên kết quả rất chậm.
Tại buổi đối thoại với chính quyền TP.HCM mới đây, đại diện Công ty máy tính Thành Nhân cho biết hiện các DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử đang tồn kho nhiều, do tình hình suy thoái nói chung. Đây là những sản phẩm có tuổi đời ngắn vì sự thay đổi công nghệ trên thế giới đang diễn ra rất nhanh. Thông thường chỉ sau 6 tháng sản phẩm có thể xem như lỗi thời, sau 12 tháng thì những hàng hóa đó càng khó bán vì đã có hàng loạt sản phẩm mới thay thế nên nhà sản xuất rất muốn giảm giá mạnh để bán hàng nhưng không được phép.
Đặc biệt đối với ngành hàng thời trang, nhu cầu giảm giá mạnh tay để giải phóng hàng tồn của DN rất cấp thiết. Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty may quốc tế Thắng Lợi, phân tích hàng thời trang được sản xuất theo mùa xuân, hạ, thu, đông. Vì vậy cứ sau mỗi mùa đều phải giải quyết hàng tồn. “DN tự chấp nhận lỗ để thu hồi được đồng vốn nào hay đồng đó. Bởi cứ để hàng chất đống trong kho thì không biết bán cho ai mà cũng không có vốn để sản xuất hàng mới. Nhưng muốn bán rẻ cũng không xong vì quy định khống chế tỷ lệ giảm giá không quá 50%. Quy định này bất hợp lý, không thực tế, không phù hợp cho hoạt động kinh doanh của DN”, ông Ngô Đức Hòa nói. Thê thảm hơn, một DN may ở Bắc Ninh (không muốn nêu tên) kể: Vì nhiều lý do mà hàng mùa đông xuất khẩu của công ty làm ra từ mùa trước bị tồn rất nhiều. Công ty muốn mạnh tay giảm giá 60 - 80% tùy sản phẩm nhưng chỉ được phép giảm đến 49%. Do đó việc thanh lý quá chậm chạp, công ty vừa bị thua lỗ nặng nề, vừa thiếu vốn xoay vòng, thiếu mặt bằng kho lưu trữ hàng hóa mới…
Trong khi đó, các DN lớn bị kiểm tra rất kỹ, nếu khuyến mãi không đúng quy định sẽ bị phạt ngay thì rất nhiều cửa hàng giảm giá cao hơn, thậm chí đến 70% mà không thấy bị phạt. Điều đó tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Người tiêu dùng bị thiệt
|
Hiện Chính phủ vẫn đang tập trung sửa đổi nhiều chính sách để tạo thuận lợi cho DN từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của DN trong nước. Vì vậy quy định không cho phép giảm giá bán quá 50% ban hành từ năm 2006 được nhận định là quá lạc hậu với thị trường. Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn, nêu ý kiến rằng chúng ta nên học tập theo thông lệ của thế giới trong hoạt động thương mại nói chung. Tại sao nước ngoài được giảm giá đến 70 - 80% liên tục trong năm mà tại VN thì không? Bản thân các DN trong nước, đặc biệt là DN vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn khi sức tiêu thụ thấp, hàng tồn kho chất đống, nguồn vốn bị tồn đọng, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng thì điều này càng gây thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Quy định này không chỉ hạn chế sự cạnh tranh của DN trong nước mà còn làm mất cơ hội mua hàng hóa giá rẻ cho nhiều người tiêu dùng. Theo ông Vị, các chính sách cần có sự linh hoạt hơn và kích thích tăng trưởng tiêu dùng. Đặc biệt cần trao quyền tự quyết nhiều hơn cho DN, nhất là trong vấn đề quyết định giá bán cho sản phẩm của mình. Đồng quan điểm trên, ông Ngô Đức Hòa cũng nhận định với các DN tư nhân, quyền tự quyết là quan trọng nhất sẽ giúp họ chủ động, linh hoạt khi kinh doanh trên thị trường đang ngày càng cạnh tranh gay gắt giữa hàng nhập khẩu với hàng trong nước. Do đó nhà nước không nên can thiệp hay hạn chế những việc cụ thể như giảm giá khuyến mãi ở mức nào vì nó bất hợp lý và quá lạc hậu với xu hướng mở cửa thị trường hiện nay. Còn theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội các DN nhỏ và vừa, việc giảm giá, xả hàng tồn để thu hồi vốn là nhu cầu chính đáng của DN. Việc khống chế giảm giá là không có cơ sở và không phù hợp với quy luật thị trường. Ông Kiêm nhấn mạnh: VN đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường thế giới nên chúng ta phải làm theo thông lệ quốc tế. Không thể một mình một chợ với những quy định không giống ai.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng con số đưa ra dừng ở mức 50% là cảm tính và chủ quan. Đối với hàng công nghệ cao thì sau một thời gian, DN có thể giảm giá rất sâu. Hoặc những hàng tươi sống, hàng tiêu dùng gần đến hết hạn sử dụng ở các nước, DN cũng giảm giá tối đa để bán hàng nhanh. Đó cũng là cơ hội cho nhiều người tiêu dùng mua được sản phẩm với giá rẻ hơn. “Luật chỉ nên quy định là không được phép bán phá giá để hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Nếu có dấu hiệu này thì cơ quan quản lý kiểm tra và xử lý theo luật Cạnh tranh hoặc các cơ quan thuế bằng nghiệp vụ của mình để truy thu thuế nếu DN vi phạm, cố tình hạ giá bán. Chúng ta phải trao quyền tự quyết nhiều hơn cho DN vì khi kinh doanh không ai muốn bị thua lỗ nhưng DN sẽ linh hoạt với các chính sách phù hợp với từng giai đoạn và tình hình của mình”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.
Mai Phương
>> Người tiêu dùng Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhất châu Á
>> Người tiêu dùng bất an
>> Người tiêu dùng Việt không hề dễ dãi với giá cả đâu!
Bình luận (0)