Muôn đời vẫn quyết lấy lại Hoàng Sa

14/01/2015 14:38 GMT+7

(TNO) Ngày 19.1.1974, Trung Quốc xua quân cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (bấy giờ đang thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa). 40 năm sau, tháng 5.2014, Trung Quốc bất ngờ đưa giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép ở vùng biển Tri Tôn, Hoàng Sa. Sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của ngoại bang một lần nữa lại thổi bùng ngọn lửa yêu nước của toàn dân tộc, với lời hứa sắt son: Dù có bao nhiêu đời cũng quyết lấy lại Hoàng Sa.

(TNO) Ngày 19.1.1974, Trung Quốc xua quân cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (bấy giờ đang thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa). 40 năm sau, tháng 5.2014, Trung Quốc bất ngờ đưa giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép ở vùng biển Tri Tôn, Hoàng Sa. Sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của ngoại bang một lần nữa lại thổi bùng ngọn lửa yêu nước của toàn dân tộc, với lời hứa sắt son: Dù có bao nhiêu đời cũng quyết lấy lại Hoàng Sa.

Kỳ 1: Ước nguyện cuối cùng

Thế hệ trai tráng người Việt một thời chinh phục sóng gió và giữ Hoàng Sa trước ngày 19.1.1974 nay tuổi đa phần đã ngoài “thất thập”, già nua và ốm đau theo quy luật thời gian. Thế nhưng trong mỗi người vẫn chưa nguôi day dứt nỗi đau mất đảo và vẫn bùng cháy khát vọng trở lại Hoàng Sa.

Bốn mặt trận đấu tranh buộc Trung Quốc triệt thoái giàn khoan phi pháp - ảnh 1Tàu Trung Quốc ngang ngược xâm phạm vùng biển VN và hung hăng uy hiếp tàu chấp pháp của VN vào tháng 5.2014 - Ảnh: Lê Quân chụp lại từ clip
Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 khỏi vùng biển Việt Nam - ảnh 1Các tàu hộ tống Trung Quốc co cụm quanh giàn khoan Hải Dương-981 - Ảnh: Độc Lập
Đạn bắn hơn bão biển
Năm 2015, ông Nguyễn Văn Tấn bước sang tuổi 82 và tịnh dưỡng tại quê nhà làng Vĩnh Xương, xã Điền Môn (Thừa Thiên-Huế). Tuổi thanh xuân, ông đến với Hoàng Sa tình cờ khi cùng gia đình vào Đà Nẵng và được một đồng hương ở Nha khí tượng giới thiệu vào làm nhân viên tại đây.
Lúc ông Văn Tấn 39 tuổi thì ông có chuyến “thử sóng” đầu tiên. Tạm biệt vợ và 5 người con, ông cùng 3 đồng nghiệp khí tượng khác lên đường đi Hoàng Sa. Từ năm 1972 đến ngày 19.1.1974, khi Trung Quốc đổ bộ chiếm đảo, tổng cộng ông đi Hoàng Sa 4 chuyến, mỗi chuyến 3 tháng làm việc.
Cùng ra Hoàng Sa chuyến cuối cùng với ông Văn Tấn là ông Tạ Hồng Tấn (81 tuổi, ngụ Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Ông Hồng Tấn cũng là người quen của Hoàng Sa vì từ năm 1963 ông đã thường xuyên vào ra nơi này.
Công việc của ông Hồng Tấn có phần phức tạp hơn khi mỗi ngày quan trắc 3 giờ/lần, lấy thông số sức gió, lượng mưa, độ ẩm rồi chuyển về đất liền. Còn ông Văn Tấn, giờ rảnh rỗi thì chăm sóc những luống rau để cải thiện bữa ăn.
Điều ông Nguyễn Văn Tấn đau xót nhất là Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch này khi ngay trong ngày mọi người bị bắt, Trung Quốc đã đưa người lên đảo cất nhà cửa, đưa tàu cá và ngư dân cùng ngư lưới cụ vào đảo sinh hoạt, ngụy tạo việc cư dân Trung Quốc đã sinh sống ở đây, trong khi mới vài tiếng trước, người Việt Nam vẫn đang quyết liệt bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa.
“Sáng 19.1.1974, Trung Quốc đưa tàu chiến qua nhiều lắm, tôi chạy ra trên lầu thì thấy chúng rất đông. Trước đó một tuần, Trung Quốc cũng đã đưa tàu bè tác chiến rảo vô rảo ra, với ý dọa địa phương quân. Chúng tôi báo về đất liền, Nha khí tượng báo vào trong Sài Gòn, sau đó họ động viên chúng tôi yên tâm, cứ chuẩn bị sẽ cho tàu hoặc máy bay ra đón vô”, ông Văn Tấn kể lại.
Nhưng tàu và máy bay chưa thấy đâu thì sáng sớm 19.1.1974 - ông Văn Tấn nhớ rõ đó là ngày thứ bảy cuối cùng của năm cũ - mọi người đã nghe những tiếng pháo long trời lở đất từ tàu chiến của Trung Quốc bắn theo đường vòng cung trút xuống đảo.
“Tàu Trung Quốc bắn chặn trước và chặn sau đảo để bộ binh đổ bộ, hình như không cho chúng tôi chạy, nhưng đảo nhỏ thì chạy đường mô cho thấu, 4 anh em Nha khí tượng tay không nên chạy vô rừng bụi phía sau dãy nhà. Pháo bắn rát, chúng tôi tưởng cú này chết chắc rồi chứ sống chi nổi”, ông Văn Tấn nhớ lại.
Từ phải qua: Ông Tạ Hồng Tấn, ông Ngô Tấn Phát, ông Võ Như Dân (những nhân viên Nha khí tượng cũ từng ra Hoàng Sa) thăm phòng trưng bày các tư liệu lịch sử của UBND huyện đảo Hoàng Sa - Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Hồng Tấn thì nhớ đạn pháo của Trung Quốc còn ghê gớm hơn trận bão biển kinh hoàng năm 1964 với những con sóng cao cả chục mét tưởng vùi lấp cả Hoàng Sa mà ông và đồng nghiệp đã từng trải qua.
Bất ngờ, mọi người nghe lính Trung Quốc phóng loa nói tiếng Việt lơ lớ, đọc vanh vách tên từng người còn trốn, dọa nếu không ra đầu hàng thì sẽ cho quân đi càn quét, châm xăng đốt trụi dãy rừng.
Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã tìm gặp lại nhiều người lính địa phương quân thuộc Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam nhận nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa trước ngày 19.1.1974 như đôi bạn Nguyễn Văn Dữ (62 tuổi, ngụ phường Thọ Quang) và Trần Văn Sơn (68 tuổi, ngụ phường Phước Mỹ, cùng quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Với các ông được cống hiến tuổi xuân ở vùng biển trời xa nhất của Tổ quốc là một niềm tự hào, nhưng niềm tự hào đó chưa trọn vẹn khi quần đảo của nước ta đã bị chiếm đóng.
“Sự kiện 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa còn chưa nguôi, thì vừa qua Trung Quốc lại đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào Hoàng Sa như trêu ngươi. Hành động này cũng giống như thời chúng tôi canh giữ, Trung Quốc cũng từng đưa tàu cá có vũ trang vào khiêu khích tàu Việt Nam ở Hoàng Sa. Nay dù tuổi cao nhưng nếu được chọn thì tôi cũng tình nguyện đi bảo vệ biển đảo Hoàng Sa như thời trẻ đã từng”, ông Sơn quả quyết.
Còn ông Dữ có phần điềm tĩnh hơn, ông tin tưởng rằng, với việc kiên trì đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc thì chắc chắn Nhà nước sẽ có biện pháp sáng suốt giành lại Hoàng Sa cho Việt Nam. “Chứ không lẽ để Trung Quốc làm tới luôn”, ông Dữ trăn trở.
Nguyễn Tú
“Chúng vào dãy đồn trú địa phương quân và nhà khí tượng lấy tài liệu, hồ sơ của chúng tôi nên biết số lượng người trên đảo, nắm danh tính nên dễ dàng lùng bắt. Chúng còn cẩn thận kiểm đếm nhiều lần từ sáng đến tối cho đủ người rồi mới áp tải mọi người xuống tàu đưa về đảo Hải Nam. Sáng hôm sau, chúng tôi ngủ được 4 tiếng thì tiếp tục bị đưa đi suốt 1 ngày đến Quảng Đông và tống vào trại giam”, ông Văn Tấn ngậm ngùi.
Theo ông Hồng Tấn, sau khi bị bắt giam, nhiều lần cán bộ Trung Quốc qua phiên dịch nói với những người bị bắt rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc nhưng bị Việt Nam chiếm, nay Trung Quốc lấy lại. Tuy nhiên, tất cả người Việt bị bắt đều cực lực phản đối việc này.
Lúc này ở nhà, vợ con ông Văn Tấn đều tưởng chồng, cha đã chết nên lập bàn thờ nghi ngút khói hương. Mãi 28 ngày sau ông Tấn được trao trả, Nha khí tượng bảo lãnh ông về Đà Nẵng thì cả gia đình mới gặp lại nhau trong ngậm ngùi.
“Cướp biển” lần nữa
Những ngày này, sức khỏe ông Văn Tấn không được tốt bởi cái lạnh thấu xương ở quê nhà. “Tiếc quá, năm này tôi yếu rồi nên không vào Đà Nẵng tham dự buổi gặp gỡ nhân chứng do UBND huyện đảo Hoàng Sa tổ chức thường niên vào ngày 19.1 tới đây”, giọng ông thoáng buồn.
Mỗi khi nhắc đến Hoàng Sa, ông già 82 tuổi này vẫn run giọng bởi chưa nguôi nỗi uất ức năm xưa. Điều ông đau xót nhất là Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch này khi ngay trong ngày mọi người bị bắt, Trung Quốc đã đưa người lên đảo cất nhà cửa, đưa tàu cá và ngư dân cùng ngư lưới cụ vào đảo sinh hoạt, ngụy tạo việc cư dân Trung Quốc đã sinh sống ở đây, trong khi mới vài tiếng trước, người Việt Nam vẫn đang quyết liệt bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa.
Đối với ông, sự kiện tháng 5.2014 Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, cách nam Tri Tôn 17 hải lý là hành động tính “cướp biển nước ta một lần nữa”.
“Họ lại âm mưu chiếm biển của ta trong khi món nợ cướp đảo năm xưa còn chưa trả, qua đó để thấy sự lộng hành của Trung Quốc trên biển Đông, tuy nhiên nước ta đã kiên trì đấu tranh, buộc giàn khoan phải rút về nước”, ông Văn Tấn nói.
“Tôi già rồi, cũng còn sống không bao lâu nữa, nhưng vẫn muốn kể những câu chuyện cho con cháu biết Hoàng Sa luôn luôn là của Việt Nam, để mong thế hệ trẻ giữ lửa rồi một ngày nào đó tụi nó sẽ lấy lại Hoàng Sa”, ông Văn Tấn tin tưởng.
Ông Nguyễn Văn Tấn kể lại câu chuyện Hoàng Sa với ông Dương Trung Quốc (phải) - Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Trần Văn Sơn mong muốn được trở lại Hoàng Sa - Ảnh: Nguyễn Tú
Cùng bước qua tuổi “bát thập” như ông Văn Tấn, ông Hồng Tấn cũng đã già yếu, nhưng trí nhớ vẫn in đậm hình ảnh Hoàng Sa bởi 11 năm thường xuyên ra đây công tác. Ông còn nhớ rõ chuyến ra Hoàng Sa đầu tiên vào năm 1963, sau một đêm nghỉ ngơi, sáng hôm sau ông đã chạy ra hòn đá lớn trước đảo và khắc lên đó dòng chữ Tạ Hồng Tấn - Nha khí tượng - 1963 bên cạnh chằng chịt tên của những người Việt khác từng làm nhiệm vụ tại đó với niềm tự hào.
Ông Hồng Tấn chỉ có một ước nguyện, đó là được một lần nhìn lại tên mình đã khắc trên hòn đá ở đảo Hoàng Sa, như minh chứng của một thời tuổi trẻ cống hiến cho biển trời Tổ quốc. (còn tiếp)
Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 khỏi vùng biển Việt Nam - ảnh 1
Các tàu hộ tống Trung Quốc co cụm quanh giàn khoan - Ảnh: Độc Lập
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.