Hơn 5 năm nay, chị tưởng ông xã không yêu mình nên không màng đến chuyện gối chăn. Nhưng vì thấy chồng là một người đàn ông có trách nhiệm, chu toàn bổn phận nên chị cố nhịn để sống.
Chị thật sự ngỡ ngàng khi đứa con thứ hai chưa tròn 6 tháng thì anh mang về nhà một tập tài liệu bằng tiếng Anh và kêu chị đọc thử. Rồi anh nói luôn: “Trong tài liệu giải thích khá đầy đủ, em xem đi. Anh là người như vậy”. Chị để rơi tập tài liệu khi thấy những dòng chữ nói về giới tính thứ tư đang nhảy múa trước mặt.
Cứ tưởng là người bình thường
Trước đây, yêu nhau hơn 3 năm, anh T.Q (ông xã chị L.M. bây giờ) chưa một lần đòi hỏi chị chuyện ấy. Như bao cặp tình nhân khác, anh đưa chị đi xem phim, đi cà phê… nhưng anh chỉ nắm tay chị nhẹ nhàng hoặc quá lắm là vuốt tóc chị. Lúc đó, chị vui vì nghĩ rằng mình tìm được người yêu tử tế.
Rồi anh chị tổ chức đám cưới. Nhưng đêm tân hôn đến với chị muộn đến gần 4 tháng vì tối nào anh cũng ngồi ôm máy vi tính cho tới gần sáng với lý do: “Anh còn việc phải giải quyết, em cứ đi ngủ trước”.
Cưới nhau được hơn 2 năm, anh chị bị áp lực có con từ phía hai gia đình. Rồi anh chị cũng lên kế hoạch có con. Nhờ bác sĩ canh ngày rụng trứng, anh chỉ miễn cưỡng quan hệ với vợ. Khi chị có thai, anh như trút bỏ được gánh nặng, lại quay về với những thói quen cũ: trước khi vợ đi ngủ, anh hôn má, vuốt tóc và chúc vợ ngủ ngon với lời dặn “ngủ trước đi, chút anh vô, anh còn tí việc”.
Ai nhìn vào gia đình anh chị cũng thầm ngưỡng mộ vì chưa thấy anh chị giận nhau, to tiếng với nhau hay những bữa cơm không lành canh không ngọt. Chỉ có chị là luôn sống trong thấp thỏm vì không biết chồng mình có vấn đề gì hay chồng mèo mỡ bên ngoài nên không cần đến chị.
Chị P.T.L. (TPHCM) cũng tìm đến chuyên gia tâm lý với thắc mắc: “Là vợ chồng đã hơn 3 năm rồi mà số lần “ân ái” chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Anh ấy là người yêu con như vàng, trách nhiệm với gia đình nhưng không hiểu sao anh ấy không thích gần gũi vợ”.
Anh chị đều 30 tuổi, bề ngoài rất đẹp đôi, ai cũng khen là gia đình hạnh phúc. Nhưng sâu thẳm trong lòng chị là một nỗi buồn khó chia sẻ. “Người ta thì không nằm cạnh vợ không ngủ được, còn chồng tôi thích nằm một mình cho thoải mái” - chị ngậm ngùi.
“Nhịn” hay tự giải thoát?
Chị L.M. ngồi bệt xuống sàn nhà, đọc lướt tập tài liệu. Chị hiểu rằng người mang giới tính thứ tư không phải là bệnh hay xu hướng lệch lạc tình dục. Họ hoàn toàn khỏe mạnh, vẫn biết yêu thương người khác phái. Có khả năng nhưng không hề ham muốn chuyện đó.
“Từ khi yêu cho đến bây giờ, nụ hôn là thứ xa xỉ phẩm, những cái ôm cũng khó tìm thấy. Mỗi khi tôi chủ động bày tỏ “tình cảm” thì chỉ nhận được sự hờ hững dửng dưng của anh, điều đó làm tôi mất hứng và cảm thấy bị tổn thương. Buổi tối nằm ngủ, ôm chồng mà chẳng khác nào ôm gối ôm, không bao giờ ảnh có cảm giác, cũng chẳng đáp lại”- chị L. tâm sự.
Nói rồi, chị thở dài: “Ông xã là một người tốt, có trách nhiệm với gia đình, tôi không muốn là người phản bội. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng thèm những nụ hôn, những cái ôm thắm thiết của chồng. Lắm lúc tôi cũng suy nghĩ mình nên “nhịn” hay là tự giải thoát?”.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)