Muôn vàn nỗi khổ khi đi bảo hành đồ công nghệ

18/10/2021 11:49 GMT+7

Trả đồ thiếu hoặc sai so với thời điểm nhận sản phẩm, rủi ro rò rỉ dữ liệu hay điều kiện bảo hành oái oăm… không còn là chuyện xa lạ với người dùng đồ công nghệ tại Việt Nam hiện nay.

Từ chối bảo hành nếu không “chính chủ”

Câu chuyện không bảo hành đối với thiết bị gặp lỗi kỹ thuật nhưng người sử dụng không phải là người đã mua máy (đứng tên hợp đồng mua bán) từng xảy ra tại Việt Nam. Ở thời điểm đó, hãng công nghệ Trung Quốc Xiaomi đặt ra quy định chỉ chấp nhận bảo hành thiết bị nếu người mua và người đưa máy đi sửa là một. Điều này đồng nghĩa nếu thiết bị được bán qua tay người khác thì dù gặp lỗi phần cứng do nhà sản xuất trong thời gian bảo hành thì cũng không có hiệu lực.

Thiết bị có thể bị từ chối sửa chữa nếu người dùng không phải là người mua

AFP

Ở thời điểm đó, Xiaomi giữ im lặng trước phản ứng của truyền thông và người dùng. Ít lâu sau, hãng âm thầm xóa thông tin trên trong danh sách điều kiện được bảo hành thiết bị tại Việt Nam và cho biết đó chỉ là “hiểu lầm do lỗi dịch thuật”.

Nhưng đó là câu chuyện của cách nay vài năm. Một điều khoản tương tự vẫn đang được áp dụng đối với gói bảo hành Care+ của Samsung. Là nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới và đang giữ vị trí số một tại thị trường Việt Nam, Samsung có nhiều ưu đãi dành cho người dùng của mình, trong đó có tặng kèm gói Care+ đối với khách mua smartphone cao cấp. Gói này mở rộng quyền lợi cũng như thời gian được bảo hành đối với sản phẩm của hãng.

Mới đây một người dùng cho biết khi mang chiếc Samsung Note 20 Ultra 5G (có giá bán 32,99 triệu đồng) đi bảo hành, anh “ngã ngửa” khi biết hãng từ chối sửa chữa máy dù còn trong thời gian hiệu lực của gói Care+ vì lý do người dùng là anh trai của chủ hợp đồng (người đứng tên mua máy).

Theo giải thích từ Samsung, căn cứ vào điều khoản và điều kiện của dịch vụ, thiết bị di động phải được sử dụng chủ yếu bởi khách (người mua) hoặc thành viên gia đình trực hệ, có sự định đoạt của người mua. Cụ thể, “thành viên gia đình trực hệ” được Samsung xác định là vợ/chồng hoặc con của người đứng tên hợp đồng mua thiết bị. Trong trường hợp của khách hàng nói trên, do là anh trai của chủ hợp đồng nên anh bị hãng từ chối bảo hành máy.

Câu chuyện được khách hàng đăng lên mạng xã hội và nhận nhiều lượt chia sẻ, bình luận của cộng đồng, trong đó chủ yếu ngạc nhiên với quy định của Samsung. “Thời nay đi bảo hành Samsung phải đem hộ khẩu và xét nghiệm di truyền luôn”, thành viên Lê Thượng Tiến trên Facebook nói.

Các gói Care+ có nhiều mức giá khác nhau, được xác định tùy theo phân khúc giá máy. Đối với các model cao cấp (từ 16 tới 35 triệu đồng), giá gói một năm là 2,499 triệu đồng và có thể lên tới 5,699 triệu đồng đối với máy Z Fold 3. Không ít người chấp nhận thêm tiền để sở hữu gói bảo vệ này, hoặc có thể được tặng khi mua máy. Nhưng trong trường hợp chuyển nhượng thiết bị, Care+ sẽ mất hiệu lực. Điều này đồng nghĩa nếu mua tặng một thiết bị cao cấp cho người khác, gói bảo vệ này cũng không còn hữu dụng.

Thiết bị không còn nguyên trạng khi trả lại

Vấn nạn này xảy ra từ nhiều năm và đến giờ vẫn có những sai sót khi người dùng đi bảo hành thiết bị. Trung tuần tháng 10.2021, người dùng tên N.T.A cho biết anh đi bảo hành sản phẩm chuột và pad PowerPlay do hãng Logitech sản xuất, được phân phối bởi một hệ thống chuyên kinh doanh thiết bị gaming có tiếng. Sau khi gửi sản phẩm tại trung tâm bảo hành ủy quyền một thời gian, khi tiếp nhận lại sản phẩm anh phát hiện thiết bị thiếu nhiều phụ kiện so với thời điểm bàn giao như pad cứng, dây, cục sạc gắn vào chuột.

Người dùng nên yêu cầu biên bản xác nhận bàn giao thiết bị khi bảo hành

AFP

Sau khi phản ánh, có người tại trung tâm đã chủ động trả lại thiết bị còn thiếu nhưng trong tình trạng không còn nguyên vẹn, thậm chí có phụ kiện không phải của anh. Phía trung tâm còn đề nghị thu lại sản phẩm lỗi với giá 930.000 đồng, trong khi thiết bị mới là 2,5 triệu đồng và thời hạn bảo hành 2 năm 1 đổi 1 vẫn còn.

Một hình thức “không còn nguyên trạng” khác nhưng ở phía cạnh phần mềm, khi dữ liệu trên máy bị kỹ thuật viên tại nơi bảo hành can thiệp bất hợp pháp và không cần thiết. Tháng 9 vừa qua, người dùng đã phản ánh chuyện kỹ thuật viên sửa chữa tại một cửa hàng của FPT Shop trực tiếp xâm phạm vào phần mềm trên máy để lấy cắp nhiều dữ liệu, trong đó có thông tin nhạy cảm có thể ảnh hưởng tiêu cực tới người dùng.

Vụ việc được nhiều người quan tâm và trở nên nghiêm trọng khiến FPT Shop chính thức lên tiếng xin lỗi, đưa ra cam kết và hứa chịu trách nhiệm nếu có bất kỳ nội dung nào của nạn nhân bị rò rỉ lên mạng. Đơn vị đồng thời sa thải đối với nhân viên liên quan vụ việc.

Người dùng nên làm gì khi đưa máy đi bảo hành?

Mọi thiết bị, đặc biệt là đồ công nghệ, đều có rủi ro hỏng hóc nhất định. Hiện nay, các nhà sản xuất đều kèm điều kiện bảo hành chi tiết đối với mỗi sản phẩm bán ra. Vì vậy, việc đầu tiên người dùng phải làm là nắm rõ các quy định này để biết trong những trường hợp nào thì thiết bị của mình sẽ được sửa chữa, thay thế miễn phí từ nhà sản xuất. Nếu khó hiểu khi đọc các quy định, hãy tham khảo tư vấn từ người bán hoặc từ tư vấn viên của hãng tại nơi mua sản phẩm, ở trung tâm bảo hành hoặc thông qua dịch vụ tư vấn trực tuyến trên trang chủ của nhà sản xuất thiết bị (nếu có).

Luôn giữ lại hóa đơn mua bán, ít nhất trong thời gian bảo hành còn hiệu lực để có cơ sở đối chiếu khi được yêu cầu. Với một số hãng, trong đó có Apple, việc bảo hành chính hãng tại Việt Nam có thể yêu cầu người mua xuất trình được hóa đơn mua sản phẩm nhằm tránh nhầm lẫn với hàng xách tay.

Khi đến nơi bảo hành thiết bị, người dùng cần trình bày rõ lỗi và yêu cầu nhân viên kiểm tra tại chỗ. Trường hợp phải để thiết bị lại, người dùng nên yêu cầu phía tiếp nhận bảo hành lập biên bản xác nhận tình trạng máy, loại linh kiện, phụ kiện đi kèm… Một số nơi còn khuyến khích khách hàng ký hoặc đánh dấu lên những thành phần quan trọng của thiết bị để tránh tình trạng “tráo đồ”.

Một việc không kém phần quan trọng khi bảo hành thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại, máy tính… là tự thực hiện sao lưu dữ liệu trước khi mang máy đi sửa. Tốt nhất hãy tạo bản lưu cho dữ liệu, lưu trữ tại nơi an toàn như ổ cứng ngoài hoặc máy chủ đám mây có mã hóa và tiến hành xóa sạch dữ liệu trên thiết bị đưa đi sửa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.