Mứt dừa, vị ngọt... trên cao

03/02/2021 20:35 GMT+7

Tôi không nhớ mình đã ăn mứt dừa lần đầu khi nào. Nhưng chắc chắn “lần ấy” phải là cái tết nào đấy trong tít mù quá khứ.

Bởi chỉ có tết thì tôi và lũ trẻ nghèo cùng xóm mới được ăn mứt dừa một cách thoải mái.
Vị ngọt của mứt dừa nghe thanh tao lắm. Đó là hương vị được lấy từ trên cao tít “ngọn dừa”. Ở một nơi thoáng đãng giữa trời xanh nên mứt dừa phảng phất cái mùi của sương gió nắng mưa. Vừa nhắc tới dừa đã nghe ngọt lịm rồi. Không chỉ là vị ngọt từ nước dừa mà còn là vị ngọt của cùi dừa được xắt lát mỏng sên với đường cát. Giờ mứt dừa nhiều màu lắm: màu hoa hồng, xanh lá cây, tím mồng tơi... được “cho là” tạo bởi chất liệu tự nhiên.
Riêng tôi, tôi nhớ nhất là mứt dừa màu nâu sậm. Sở dĩ mứt dừa có màu này là do được sên bằng loại đường sản xuất theo phương pháp thủ công. Bây giờ giữa một “rừng” mứt dừa với bộ cánh đẹp đẽ được sản xuất đại trà, tôi vẫn thương nhớ mứt dừa màu nâu sậm thời bé dại. Có thể ai đó cho tôi là hoài cổ nhưng thiệt tình tôi vẫn đứng về phía mứt của màu xưa cũ. Có lẽ vì cái ngọt của đường “thô” lắm vương nhiều vấn, cũng có thể do một thời “thiếu ngọt” đã hằn sâu trong ký ức tuổi thiếu niên.
Những năm gần đây, truyền thông nói nhiều về một số cơ sở sản xuất  mứt tết “thiếu tâm”, dùng quá mức các chất phụ gia để tẩy trắng, tạo màu, tạo mùi, chất bảo quản... mà coi nhẹ sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, chị em xóm tôi bảo nhau tự làm mứt tết. Vừa đỡ tốn tiền, vừa không lo hóa chất “nhập thân”. Vườn nhà, dừa nhà, có khó gì đâu? Đường cát trắng thì giá khá dễ chịu. Bận bịu gì mà không làm?
Muốn mứt dừa ngon đúng chuẩn phải chọn những trái dừa tầm “trung niên”, nghĩa là phải trên trẻ một chút, dưới già một xíu. Người lớn lóc vỏ, khỏ gáo cho nứt vài đường, bỏ nước vì dừa ở “tuổi” này không còn ngọt nữa. Lũ trẻ hàng xóm xúm nhau cạy lấy cùi dừa. Chúng cũng biết “vần công” như người lớn nên nhà nào hô làm mứt dừa là có mặt ngay. Công việc cạy cùi dừa dễ nhàm chán nhưng chúng làm rất hăng vì vừa cạy dừa vừa nói với nhau về áo mới, về chuyện theo mẹ lên chùa hái lộc, theo cha đi chúc xuân ông bà, “lên phương án” dùng tiền lì xì mua quyển sách này, cây bút kia...
Mứt dừa tuy dễ làm nhưng phải tỉ mẩn một chút. Dùng dao hai lưỡi gọt phần vỏ màu nâu sẫm của cùi dừa. Cũng với con dao này, những sợi dừa được xắt mỏng, hơi dài để sau khi sên xong dễ trang trí trong khay. Rửa sợi dừa vài lần bằng nước ấm cho rút bớt chất dầu, sau đó rải ra trên nong hong cho ráo. Trút dừa vào thau rồi tẩm đường, bột vani vào. Đợi cho đường tan ra, ươn ướt từng sợi dừa thì đổ vào chảo lớn để đưa vào giai đoạn sên. Chỉ cần nhỏ lửa, nhẹ nhàng đảo đều để đường kết tinh vào sợi dừa đến khi khô hẳn. Khó nhất và cũng tinh tế nhất là khi sên mứt, không để sợi dừa gãy hoặc dính vào nhau.
Khách tới nhà chúc tết, khay mứt dừa là “phương tiện” đẩy đưa những câu chuyện đầu xuân, nhất là với giới nữ. Tôi còn quá nhỏ, lại thèm ăn, thèm ngọt nên hay đứng xớ rớ quẩn quanh nơi bàn khách, mong được cha mẹ nhón cho vài nhúm mứt. Để đủ dùng trong mấy ngày tết, mẹ giao chị “quản” thật chặt cái túi đựng mứt dừa nhằm hạn chế mấy “ông nhỏ” thèm ăn rồi bốc ẩu. Mà thiệt! Tôi nhiều lần ẩu, bốc trộm mứt dừa mỗi lần cả nhúm bự, chạy ra ngõ ngồi ăn một mình.
Trong tiếng gió khua lá dừa tí tách, tôi nhâm nhi từng sợi mứt dừa, lòng vui sướng với ý nghĩ mỗi sợi mứt dừa chứa một vị ngọt... trên cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.