Còn chỉ hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán, thị trường mứt tết đã được chuẩn bị sẵn sàng, đặc biệt có nhiều sản phẩm mới ra mắt người tiêu dùng.
TP.HCM: Mứt dẻo lên ngôi
Đại diện các hệ thống siêu thị như Maximark, Co.op Mart, Citimart, Big C… cho biết, tết năm nay, ngoài các sản phẩm truyền thống như mứt dừa, mứt bí, mứt gừng… thì đơn vị nào cũng sẵn sàng một lượng hàng lớn mứt sấy dẻo mới nhằm mang đến hương vị khác lạ hơn cho người tiêu dùng như mứt cóc, xoài, bưởi, mít, thơm, dừa, dừa nước, sen…
|
Theo các nhà sản xuất như Thành Long, Lương Gia… cá loại mứt này được giữ nguyên hương vị tự nhiên của từng loại trái cây. Chẳng hạn, mứt cóc có hình dáng là trái cóc bóc vỏ giữ nguyên, người thưởng thức vẫn cảm nhận được vị chua chua ngọt ngọt của cóc thái, có thể dùng nhiều mà không thấy ngán. Mứt mít sẽ cho hương vị hoàn toàn khác với mít sấy bình thường trước đây, từng miếng mứt dẻo mềm để lại hương mít thoang thoảng rất hấp dẫn. Mứt xoài cũng cho hương xoài thơm khi ăn và giữ được vị chua chua của xoài rất đặc trưng, không ngán… Mứt dừa, dừa nước, sen, bưởi… dẻo mang đến hương vị hoàn toàn khác so với mứt sấy khô trước đây.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Giám đốc cơ sở Thành Long, sở dĩ các loại mứt sấy dẻo mới của Thành Long vẫn giữ nguyên được hương vị đặc trưng của từng loại trái cây là do được sản xuất theo công nghệ thẩm thấu chân không hiện đại. Lượng đường dùng sản xuất mứt theo công nghệ mới này chỉ bằng 1/5 lượng đường được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Chẳng hạn, theo phương pháp làm mứt truyền thống, cứ 1 kg nguyên liệu làm mứt sẽ “nuốt” khoảng 1 kg đường thì với công nghệ mới này, 1 kg nguyên liệu chỉ dùng 200gr đường.
Giá bán tại các siêu thị hiện nay: mứt cóc: 200.000 đồng/kg, mứt xoài: 250.000 đồng/kg, mứt mít: 200.000 đồng/kg, mứt thơm: 250.000 đồng/kg…
Tuy nhiên, người tiêu dùng nên lưu ý, thị trường mứt tết tại TP.HCM năm nay cũng còn tồn tại những sản phẩm được sản xuất, bảo quản không đảm bảo an toàn vệ sinh. Theo ghi nhận của chúng tôi tại chợ Bình Tây, An Đông, Bà Chiểu,… có bày bán nhiều loại mứt tết không nguồn gốc, nhãn mác, không hạn sử dụng.
Trong đó, có không ít sản phẩm toàn là chữ Trung Quốc mà cả người bán lẫn người mua đều không hiểu chúng mang ý nghĩa gì. Đồng thời, các sản phẩm mứt của miền Bắc cũng được đưa vào tiêu thụ nhiều tại thị trường miền Nam, mà không ít sản phẩm không bao bì và cũng chẳng có nhãn mác gì gắn kèm. Nhiều loại ô mai như bí đao, kiwi, mơ, mận... không thể hiện xuất xứ ngoài lời chào mời của người bán.
Hà Nội: phong phú mứt đặc sản và mứt homemade
Mứt homemade là khái niệm không còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng, nay càng trở nên phổ biến bởi sự phong phú và sôi động của thị trường này tại Hà Nội. Trên một số diễn đàn như Lamchame, Webtretho hay lên mạng xã hội Facebook gõ từ khóa: “Mứt Tết tự làm”, “mứt homemade”, bạn sẽ gặp rất nhiều những tin quảng cáo nhận đặt mứt Tết.
|
Đi kèm theo đó, các chủ bếp nêu rõ quy trình chế biến mứt từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, thành phần chế biến món mứt và quá trình chế biến ra sản phẩm như một cách tạo lòng tin đối với khách hàng. Thực khách ưa thích các món mứt có thể tìm thấy rất nhiều hương vị mứt từ cổ truyền tới hiện đại, thậm chí là cả những món mứt đặc biệt do mỗi bếp tự sáng tạo nên.
Ở những địa chỉ bán mứt thủ công này, phổ biến nhất vẫn là mứt dừa, mứt gừng, cầu kỳ hơn có mứt quất, mứt trần bì (vỏ cam), mứt khế, mứt cà rốt, mứt hồng, mứt đào, mận, mứt sấu, mứt trám… Giá của những loại mứt này thường đắt hơn 20 – 30% so với giá mứt của những công ty bánh kẹo hộp sẵn bày bán trên thị trường hàng năm. Cụ thể, mứt dừa: 120.000 đồng/kg, mứt gừng: 100.000 đồng/ kg, mứt khoai lang: 120.000 đồng/kg, mứt đậu trắng: 150.000 đồng/kg, mứt đậu đỏ: 150.000 đồng/kg…
Giải thích nguyên nhân về sự chênh lệch giá, chị Lan (ở phố Tôn Đức Thắng) - một đầu bếp lâu năm có thâm niên trong nghề làm mứt homemade tâm sự: “Để giữ được sự đồng đều về chất lượng trong từng mẻ mứt, các bếp phải chuẩn hóa quy trình sản xuất từ công thức, tỷ lệ thực phẩm, không sử dụng phụ gia, chất bảo quản. Hơn nữa, do các món mứt đều được làm rất kỹ theo những công thức gia truyền nên không thể đủ nhanh để phục vụ nhu cầu lớn của khách hàng. Và việc sử dụng nguyên liệu tốt hơn cũng khiến giá thành sản phẩm cao hơn”.
Nhược điểm lớn nhất của mứt homemade là bao bì và mẫu mã không đẹp, bắt mắt như những sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, các loại mứt này vẫn hút khách bởi mang lại niềm tin cho người tiêu dùng về sự an toàn.
|
Là người yêu thích mứt, nhưng lại quá ngán ngẩm trước những thông tin về mứt bẩn, mứt ôi thiu, mứt quá date trên thị trường, từ nhiều năm nay, chị Linh (ở đường Xuân Diệu, Tây Hồ) đã trở thành tín đồ trung thành của mứt homemade. Chị cho biết gia đình mình đã từ bỏ thói quen mua mứt ngoài hàng, chỉ trung thành với một số bếp mứt homemade, riêng với 2 món là mứt gừng và mứt dừa, chị và các con cùng làm tại gia, “vừa vui, vừa an toàn, vừa tiết kiệm”.
Ngược lại, ở phân khúc mứt truyền thống, thị trường vẫn còn khá im ắng. Bác Nguyễn Thu Lý – một chủ tiệm cửa hàng bánh kẹo khá lớn trên đường Tây Sơn (Q. Đống Đa, Hà Nội) cho hay các hãng bánh kẹo lớn như Hữu Nghị, Kinh Đô, Hà Nội… vẫn chưa chào nhiều mặt hàng mứt tết dù doanh nghiệp nào cũng khẳng định sẽ không thiếu hàng phục vụ tết. Về giá cả, bác Lý nói rằng cũng không thấy họ thông báo về việc sẽ tăng giá.
Cẩm Nhi – Hồng Minh
Bình luận (0)