Tôi luyện trước biển cả
28 tuổi, thợ lặn Nguyễn Thanh Biên – Thuyền trưởng tàu QNg – 90247 TS đã có hơn chục năm thâm niên trong nghề đi biển. Đánh bắt miết ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhưng chưa năm nào, kình ngư trẻ này lại lạc giữa tâm bão lớn như cơn bão số 1 vừa qua. Giọng anh Biên còn bàng hoàng: “Ngày 16 - 7, chúng tôi cho tàu neo đậu tại đảo Đá Bắc (Hoàng Sa) nhưng không ngờ bão ập đến quá nhanh và mạnh. Biển một màu đen kịt, gầm gào, sóng như mái nhà lớn đổ ập, hăm he nuốt cả con tàu”.
Vừa trấn an bạn tàu, anh Biên bẻ lái cho thuyền húc thẳng vào mũi sóng tránh để bị đánh úp mạn thuyền. Các neo được gia cố, thêm những tấm dòm dù căng kéo giữa trận cuồng phong. Lúc này, cùng trú đảo Đá Bắc có cả thuyền của ngư dân Trương Tày (cùng trú xã Bình Châu) nhưng chỉ được một lúc, chiếc tàu cùng 11 ngư dân bị đánh chìm giữa biển. Anh Biên vội vứt bớt tài sản, làm nhẹ thuyền để cứu vớt các ngư dân trong cơn hoạn nạn.
Gần ngày trời vật lộn trong tâm bão dữ, tàu anh Biên may mắn thoát nạn nhưng hầu hết máy móc, tàu thuyền bị sóng đánh tơi tả. Đồ nghề lặn chẳng còn gì. Phải nhờ sự tiếp tế của tàu hải quân cứu nạn vùng 3, những ngư dân này mới có thể trở về đất liền.
Năm nào cũng thế, mùa bão lũ trở thành nỗi ám ảnh mất mát của những làng chài ven biển miền Trung. Tuy nhiên, bão vừa tan, khắp cảng cá Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Quảng Nam, đến âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng)... những chiếc tàu vừa chữa trị “thương tích” sau những ngày lạc giữa tâm bão lại cấp tập chuẩn bị, tiếp tục ra khơi.
Ông Trương Quang Trị - Thuyền trưởng tàu Qng 95893, thợ lặn lão luyện nói: Hoàng Sa đã là quê hương thứ hai của chúng tôi rồi. Không đi thì nhớ lắm. chúng tôi đi thành từng nhóm 5 - 6 thuyền bạn với nhau để vừa tương trợ những lúc khó khăn vừa tránh sự áp bức trên biển khơi.
“u cũng là cái nghiệp. Biển thế nhưng không bỏ được đâu. Còn sống là còn dong thuyền ra với biển”– kình ngư Nguyễn Thanh Biên tặc lưỡi, uống ực ly rượu, chạy ra phía con tàu đang sửa chữa giai đoạn cuối để chuẩn bị ra khơi. Anh bảo : Tàu bị hư hại nặng do bão. Phần vỏ hỏng gần hết, máy móc bị ảnh hưởng nặng, cánh quạt không thể sử dụng... sửa chữa gần tuần lễ mất thêm vài chục triệu bạc.
Đầu năm 2009, tàu anh Biên từng bị phía Trung Quốc bắt giữ, đòi chuộc hơn 200 triệu đồng; đến giữa năm, anh tiếp tục bị phía Indonesia bắt người, tịch thu tài sản, giam hai tháng trời. Không chùn lòng, năm 2010, ngư dân trẻ Nguyễn Thanh Biên vay mượn, cầm cố hơn 500 triệu đồng để đóng mới con tàu nhưng vừa ra khơi thì gặp bão số 1... Thiên tai cùng mối họa nhân tai vẫn không thể ngăn ý chí thợ lặn hướng ra biển.
Mang chuông đi đánh xứ người...
Không chỉ đánh bắt trên vùng biển truyền thống, những thợ lặn xã Bình Châu đã bắt đầu hải trình liên kết vươn ra biển lớn. Tại cơ sở đóng tàu Trường Đà, hai chiếc tàu lớn của ông Dương Văn Diên (54 tuổi) và thợ lặn Võ Văn Hiếu (37 tuổi, cùng trú thôn Định Tân, xã Bình Châu) đang được khẩn trương hoàn tất giai đoạn cuối, sẵn sàng cho ngày “xuất ngoại”. “Từ trước đến nay, làng chài có ai đóng tàu đến 19m đâu, vậy mà giờ người ta đổ xô đóng tàu lớn, dài đến hơn 20m, công suất lớn để ra nước ngoài đánh bắt” – lão ngư Diên nói.
Ông Phùng Đình Toàn - Chi cục phó Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi cho hay: Đơn vị này thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật để các ngư dân tham gia đánh bắt ở vùng biển nước ngoài đảm bảo đúng quy định về thủ tục, pháp lý.
Tuy nhiên, điều lo ngại là vẫn còn một số ngư dân đi xuất khẩu chui, không đúng quy định. Thậm chí có một vài trường hợp bị lừa xuất khẩu lao động. Do đó, tiềm ẩn nhiều rủi ro. |
Lão Diên kể lại: để đưa tàu sang hành nghề lặn hải sản tại vùng biển Malaysia, gia đình phải liên hệ và làm thủ tục qua một Cty đóng tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Tàu phải đảm bảo các thủ tục pháp lý cần thiết: Giấy phép khai thác thủy sản; giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm; biên bản kiểm tra kỹ thuật hàng năm; sổ chứng nhận khả năng hoạt động tàu cá; tờ khai xóa đăng ký hoặc tạm ngừng đăng ký không đánh bắt tại vùng biển Việt Nam… và phải đóng một khoản tiền trên dưới 15.000 USD cho công ty này.
Mỗi giấy phép khai thác có thời hạn một năm. Tàu cá khi hết hạn khai thác được phép làm thủ tục cấp lại và chỉ tốn 50% lệ phí ban đầu. Tuy theo sự phân định bên Malaysia, các tàu sẽ được bố trí ngư trường tại những vùng đánh bắt khác nhau.
Làm ăn thuận lợi, gia đình thợ lặn Dương Văn Diên tiếp tục đầu tư gần 2 tỷ đồng tự thuê người làm, bến bãi, mua vật liệu về đóng tiếp tàu mới để lên đường vươn khơi. Các thợ lặn trong làng lân la đến học hỏi rồi rủ nhau đóng tàu xuất khẩu nghề lặn. Ngay anh Hiếu, chủ sở hữu tàu lặn đang hành nghề tại vùng biển Malaysia giờ cũng đang đóng thêm tàu mới để rộng đường làm ăn. “Tàu cá ngày càng nhiều, vùng biển truyền thống thu hẹp nên việc đi nước ngoài lặn biển đang là một xu hướng ” - anh Hiếu nói.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu Nguyễn Thanh Hùng: Xuất khẩu nghề lặn rộ lên từ hai năm trở lại đây. Trước chỉ có 5 – 6 tàu thuyền của ngư dân tham gia đánh bắt ở nước ngoài. Giờ con số này đã lên đến trên 30 tàu, chủ yếu tập trung ở Châu Thuận, Định Tân...
Chuyến khai thác hải sản tại Malaysia, lần này anh Dương Thạch tiếp tục trúng lớn. Anh nhẩm tính: trung bình mỗi chuyến lãi ròng từ 800 - 900 triệu đồng. Thậm chí không ít chuyến lãi trên cả tỷ bạc. Điều đáng nói hơn cả là đánh bắt ở ngư trường Malaysia ít rủi ro hơn so với việc khai thác tại vùng biển truyền thống.
Những chuyến xuất ngoại của các thợ lặn Bình Châu trung bình kéo dài hơn một tháng. Theo tính toán của ngư dân, do giá dầu ở Malaysia rẻ hơn nhiều lần so với Việt Nam nên chi phí giảm đáng kể, trong khi đó giá bán hải sản tại nước này lại cao hơn giá đổ cho các đầu nậu trong nước nên hiệu quả rất cao.
Thợ lặn Võ Văn Hiếu cho hay: ngư dân quanh vùng nổi tiếng với nghề lặn, lại được khai thác trên ngư trường an toàn, không cánh canh nỗi lo mất tàu, bị tàu lạ xâm chiếm do đó an tâm làm ăn.
Anh Hiếu nhẩm tính: gần 20 năm theo nghề thợ lặn đánh bắt tại ngư trường truyền thống, chuyến được chuyến mất, gia đình chẳng dành dụm được nhiều, nhưng từ hai năm nay đi lặn tại Malaysia không ít người dân trong vùng đã khá giả trông thấy. Có đánh bắt an toàn đời thợ lặn mới có thể thoát nghèo bền vững được - anh Hiếu nhấn mạnh.
>> Kỳ 2: Đánh đổi với nghề 'độc' dưới đáy đại dương
>> Kỳ 1: Nghề "độc" dưới đáy đại dương
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)