LỬA THỬ VÀNG, VÀNG THỬ… TÂM THỢ BẠC
Ngày nay, dấu xưa của nghề thợ bạc Chợ Lớn vẫn còn lưu giữ ở những tiệm gia truyền hiếm hoi sót lại trước cổng chợ An Đông (Q.5, TP.HCM). Cũng ít ai biết về Hội quán Lệ Châu, nằm gần cuối đường Trần Hưng Đạo và là tổ đình đầu tiên của nghề thợ bạc Việt Nam từ thời phong kiến. Nhiều người lái xe chạy ngang hằng ngày nhưng không để ý đến sự tồn tại của nó, bởi khác với những ngôi chùa nổi tiếng và cầu kỳ về kiến trúc ở khu Chợ Lớn, ngôi đình một tầng này thường đóng cửa.
Chúng tôi tìm đến Hội quán Lệ Châu và được người giữ đình là ông Trần Văn Tư, 79 tuổi, "phá lệ" mở cửa đón tiếp. Ông vừa là một thợ bạc nổi tiếng thuộc thế hệ thứ tư tiếp nối nghề truyền thống của gia đình vừa giữ hương khói cho các vị tổ sư trong hội quán. Nhờ đó, ông có các tài liệu quý về nghề thợ bạc Việt Nam cũng như biết nhiều giai thoại thú vị.
"Tay nghề của thợ bạc được đánh giá theo 7 bậc nhưng trong nghề này, hiếm ai lên được bậc 7. Vì để đạt được thứ bậc đó, một thợ bạc phải rành cả 7 môn: làm đồ chạm, đồ trơn, đồ xi mạ, đồ đậu, đồ phân kim, đồ bọng, đồ hột. Trong gia đình tôi từ thời ông cố tới nay cũng chưa có ai làm được cả 7 món đó", ông Tư cho biết.
Ông Tư vào nghề năm 1963, khi ấy các chành vàng (chành - tiệm lớn) ở Sài Gòn - Chợ Lớn buôn bán "rất sung". Ông học nghề từ cha là ông Trần Văn Hai, một thợ bạc làm nghề từ thời Pháp thuộc. Ông Tư kể: "Ba tôi học nghề từ ông nội, còn ông cố tôi theo nghề từ thời phong kiến. Xưa, miền Nam có mấy chành vàng lớn, họ giàu, có vốn lớn nên thường nhập vàng nguyên liệu về rồi giao cho các thợ bạc làm. Nghề thợ bạc thời ấy nhờ vậy mà thịnh lắm. Ba tôi có lúc dạy mấy chục thợ bạc ra nghề. Riêng nhà tôi cũng có 3 anh em trai cùng nối nghề ba. Giờ 2 ông anh mất rồi, tôi chỉ có một cô con gái lại không ham theo nghề này".
Nhớ lại một thời sung túc của nghề, ông Tư nói người ta hay kêu "thợ bạc khét tiếng", thực ra là tai tiếng - ăn chơi "thấu trời ông địa". Theo lời ông Tư, thuở đó, thợ bạc làm được một cái cà rá (nhẫn trơn) là ăn 1 - 2 phân vàng, nhờ có nghề phân kim nên họ biết cách làm hao hụt vàng mà hưởng lợi. Có tiền rồi, thợ bạc đến khu Đại thế giới đánh bài, đi cá ngựa, đi ăn nhậu. Có khi vì thua trắng mà không trả vàng cho khách được, thế là mất uy tín, mất nghề.
"Cha tôi luôn dạy anh em tôi phải nhìn đó mà học, muốn giữ nghề thì phải làm ăn đàng hoàng, nhất là chịu khó. Gia đình tôi thường làm dây chuyền nhiều kiểu, rồi cà rá… Khó thì học từ từ, món nào khó quá có khi phải làm vài ngày, dễ thì trong ngày. Nhẫn trơn làm nhanh, ngày có lúc làm vài chục chiếc, nhẫn tam cấp phải làm 2 ngày, nhẫn yên ngựa mấy ông xì thẩu (ông chủ) người Tàu khoái đeo thì lâu hơn chút nhưng được cái mấy ổng trả công cũng hậu. Nhờ mình thiệt thà không phân kim làm hao hụt vàng người ta nên mấy chành vàng tin tưởng giao cho anh em tôi làm nhiều", ông Tư kể.
VÀNG SÀI GÒN - CHỢ LỚN BÁN KHẮP XỨ ĐÔNG DƯƠNG
Sau năm 1954, người Pháp không còn hiện diện ở miền Nam, việc sản xuất và mua bán vàng được chính quyền Sài Gòn cho hoạt động dưới sự coi sóc của Nghiệp đoàn vàng miền Nam Việt Nam - đại diện cho các chành vàng và là cầu nối với chính quyền. Những tiệm vàng nổi danh trước năm 1975 hầu hết do người Hoa sở hữu ở Chợ Lớn. Có thể kể ra như vàng miếng hiệu Kim Thành với 5 loại núi lớn, núi nhỏ, núi trung, núi trơn, núi sọc để phân theo giá và chất lượng vàng.
"Vàng Kim Thành thời đó có mẫu núi lớn giống vàng SJC bây giờ, đủ 4 số 9. Các món còn lại có khi chỉ 3 số 9 hay ít hơn thì giá rẻ hơn", anh H.L, một nhà sưu tầm vàng và cũng là thợ bạc ở TP.HCM, chia sẻ.
Ông Trần Văn Tư cũng nhắc tới các nhãn hiệu vàng thời bấy giờ được ưa chuộng như hiệu Thái Sơn với miếng vàng lá có hình con nai, Thái Tài, Minh Phát, Lion… nổi lên khắp xứ Đông Dương thời kỳ từ 1957 - 1975 ở miền Nam. Tuy nhiên, các chành vàng khi đó cũng phân rõ việc sản xuất và mua bán vàng. Chỉ có một số chành vàng như hiệu Kim Thành, Kim Phong, Thái Sơn, Thái Tài, Kim Tính… là vừa được sản xuất vừa buôn bán. Còn các tiệm khác như chành vàng VN của ông Tư Đắc, chành hiệu Kim Ánh… thì mua bán vàng miếng số 1 ở Sài Gòn - Chợ Lớn nhưng lại không được gia công, sản xuất.
Ông Tư kể thêm: "Vai trò của nghiệp đoàn lớn lắm. Như việc họ cấm thợ bạc phân kim làm hao hụt vàng của người dân. Ai mà cố tình làm gian là bị phạt tiền, rút giấy phép hành nghề, công bố công khai làm người dân không tin tưởng để đến làm ăn. Nên sau này hầu hết việc gia công, buôn bán rất quy củ. Có lẽ nhờ vậy mà vàng miền Nam Việt Nam thời đó được buôn bán hợp pháp, giao thương khắp nơi từ Sài Gòn đến Hồng Kông, Campuchia, Singapore… Nghiệp đoàn quản lý cả việc sản xuất, mua bán vàng. Nếu chành nào cần vàng nguyên liệu thì đăng ký với nghiệp đoàn, với chính quyền rồi mua vàng về sản xuất và đóng thuế, sau đó buôn bán cạnh tranh. Lúc đó Kim Thành được ưa chuộng nhất theo phương châm ai làm ngon lành nhất thì được dân chọn, còn anh làm ăn gian, hạ tuổi vàng thì người ta quay lưng, không ghé tiệm mua nữa".
Sau năm 1975, vàng miếng còn lại chủ yếu là từ các chành vàng khi trước để lại, các tiệm vàng thời bao cấp không được sản xuất vàng mới. Mãi đến 1986, nhà nước mới quản lý vàng và cho sản xuất lại. Tại TP.HCM có thương hiệu vàng SJC (Saigon Jewelry Company - Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn) rất nổi tiếng, sau này SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia Việt Nam, do nhà nước quản lý.
(còn tiếp)
Bình luận (0)