Quan ngại về an ninh quốc phòng đang dâng cao nên các tập đoàn Mỹ bớt lo chuyện hao hụt lợi nhuận do nước này cắt giảm ngân sách.
Tổng doanh thu xuất khẩu vũ khí của Mỹ đạt 34,8 tỉ USD trong năm tài khóa 2011, vừa kết thúc hồi tháng 9, theo thông báo mới nhất từ Lầu Năm Góc. Reuters dẫn tuyên bố của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA), chịu trách nhiệm theo dõi hoạt động buôn bán vũ khí cho nước ngoài của Mỹ, cho biết đây là năm thứ tư liên tiếp các nhà thầu vũ khí nước này bán được hơn 30 tỉ USD/năm. Đây là con số trong mơ của Nga, nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, khi Moscow chỉ đặt mục tiêu bán được ít nhất 9,5 tỉ USD vũ khí trong năm nay.
|
Sau một thập niên tận hưởng lợi nhuận tăng gấp 4 lần nhờ ngân sách quốc phòng Mỹ tăng vọt, những nhà sản xuất vũ khí như Lockheed Martin, Boeing và Raytheon lại đang lo lắng trước thông tin ngân sách quốc phòng của nước này lẫn thị trường truyền thống là EU bị cắt giảm mạnh vì khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, nhu cầu tại các thị trường tiềm năng như châu Á và vùng Vịnh lại tăng mạnh sau nhiều diễn biến căng thẳng về an ninh vừa qua. Bản thân Lầu Năm Góc cũng rất hăng hái trong vai trò trung gian của những thương vụ nhằm phục vụ chính sách phòng thủ và ngoại giao theo hướng “hỗ trợ đồng minh có được vũ khí, dịch vụ và huấn luyện quốc phòng”. Do đó, Reuters dẫn lời giới chức DSCA dự đoán doanh thu bán vũ khí trong năm 2012 của Mỹ cũng sẽ vượt mức 30 tỉ USD.
Thị trường và mặt hàng tiềm năng
10 khách hàng lớn nhất 1. Afghanistan: 5,4 tỉ USD |
Ngày 6.12, chính quyền của Tổng thống Barack Obama thông báo trước quốc hội về hợp đồng bán 4.900 bom hành trình cho UAE. Bloomberg đưa tin giá trị thỏa thuận này vào khoảng 304 triệu USD và bên bán là Boeing và Nhà máy McAlester. Thỏa thuận trên bao gồm 600 bom BLU-109 phá boong-ke, 600 bom tấn công trực tiếp được trang bị hệ thống dẫn đường và 304 bom có thể định vị mục tiêu di động. Ngoài ra, UAE còn bỏ hơn 2 tỉ USD mua tổ hợp phòng thủ tầm cao di động THAAD của Lockheed Martin có khả năng bắn hạ nhiều loại tên lửa. Sắp tới, Mỹ dự kiến sẽ cung cấp các hệ thống cảnh báo sớm và bộ phận đánh chặn tên lửa cho các tàu chiến của Bahrain tại vùng Vịnh, biển Ả Rập và biển Đỏ. Cùng lúc, có tin Kuwait đang đẩy mạnh kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ vòng ngoài trên biển và trang bị thêm các hệ thống đánh chặn trên đất liền như THAAD, đồng thời nâng cấp 40 đơn vị tên lửa phòng không Patriot MIM-104 PAC-2 của hãng Raytheon.
Còn tại châu Á, nhiều nước cảm thấy lo ngại trước tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và nhắm đến các hệ thống vũ khí thế hệ thứ 5 của Mỹ. Lầu Năm Góc đang nỗ lực cung cấp chiến đấu cơ đa nhiệm F-35 cho các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây nhất là Ấn Độ. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho các đơn vị mặt đất. Tokyo hiện còn hợp tác với Washington trong dự án phát triển phiên bản mới của tên lửa SM-3. Gần đây nhất, New Delhi đang trở thành khách hàng chủ chốt tại Nam Á của Washington nhờ các đơn hàng mua máy bay vận chuyển C-17, C-130J, máy bay tuần tiễu P-8 và dòng trực thăng chiến đấu Apache AH-64D. Chưa hết, Ấn Độ vẫn đang cân nhắc mua thêm nhiều vũ khí trong thời gian tới trong kế hoạch nâng cấp khả năng quốc phòng.
Thụy Miên
Bình luận (0)