Mỹ cắt tài trợ cho UNESCO

01/11/2011 11:19 GMT+7

(TNO) Mỹ tuyên bố cắt tài trợ cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) sau khi tổ chức này công nhận Palestine làm thành viên thứ 195 trong cuộc bỏ phiếu vào hôm 31.10.

Động thái này sẽ khiến UNESCO mất đi 1/4 ngân sách thường niên, bao gồm 22% do Mỹ đóng góp (khoảng 70 triệu USD) cộng với 3% của Israel, theo tờ New York Times.


Phiên họp của đại hội đồng UNESCO - Ảnh: AFP

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói với các phóng viên: “Chúng tôi vốn định đóng góp 60 triệu USD cho UNESCO vào tháng 11 và chúng tôi sẽ không chuyển tiền”.

Trước đó, tại trụ sở UNESCO ở Paris (Pháp), nghị quyết chấp nhận Palestine làm thành viên đã được thông qua với 107 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 52 phiếu trắng bất chấp sự chống đối kịch liệt của Mỹ và Israel.

“Chấp nhận Palestine làm thành viên UNESCO là một chiến thắng của lẽ phải, công lý và tự do”, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu.

Pháp, nước vốn bày tỏ một số nghi ngờ về kiến nghị của Palestine, cuối cùng đã bỏ phiếu thuận cùng với gần như tất cả các nước Ả Rập, châu Phi, Nam Mỹ và châu Á, gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ.

Bên cạnh Israel và Mỹ, Canada, Úc và Đức đã bỏ phiếu chống trong khi Nhật và Anh bỏ phiếu trắng.

Đại sứ Israel tại UNESO Nimrod Barkan đã lớn tiếng lên án những quốc gia “thông qua phiên bản khoa học giả tưởng của hiện thực bằng cách chấp nhận một nhà nước không hiện hữu vào một tổ chức khoa học”.

“UNESCO nên quan tâm đến khoa học không phải khoa học giả tưởng”, ông Barkan nói.

Sau khi được chấp nhận làm thành viên của UNESCO, Palestine có thể tiếp tục vận động trở thành thành viên của các tổ chức thuộc LHQ khác như Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) hoặc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Những động thái đó có thể đặt Mỹ vào một tình thế ngoại giao khó xử bởi một đạo luật từ thập niên 1990 của nước này ngăn cấm việc tài trợ cho bất kỳ tổ chức thuộc LHQ nào công nhập Palestine là thành viên đầy đủ. 

“Không trả hội phí trong các tổ chức đó có thể hạn chế và giảm thiểu khả năng chi phối và hành động trong các tổ chức đó của chúng tôi và chúng tôi nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của Mỹ”, bà Nuland thừa nhận.

Tổng thống Abbas vốn đệ đơn yêu cầu LHQ công nhận Palestine là thành viên đầy đủ từ tháng 9 và Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) sẽ nhóm họp vào ngày 11.11 để quyết định xem có tổ chức cuộc bỏ phiếu chính thức về yêu cầu của Palestine hay không.

Là thành viên thường trực của HĐBA, Mỹ từng tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào công nhận Palestine là thành viên đầy đủ. Tuy nhiên, không giống với HĐBA, tại UNESCO và một số cơ quan khác của LHQ, không thành viên nào có quyền phủ quyết.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.