Mỹ đang tìm cách tấn công vào toàn ngành bán dẫn của Trung Quốc?

Văn Khoa
Văn Khoa
13/07/2022 18:36 GMT+7

Chính quyền Washington được cho là nhận thấy rằng việc quấy rối các nhà sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc dễ hơn là hỗ trợ ngành công nghiệp này của Mỹ.

Quốc hội Mỹ đã tranh luận về Đạo luật CHIPS trong một năm rưỡi qua nhưng vẫn chưa điều chỉnh được các phiên bản của dự luật này ở hạ viện lẫn thượng viện, theo bài phân tích do báo Asia Times đăng ngày 11.7. Đạo luật CHIPS sẽ cung cấp 52 tỉ USD để trợ cấp cho các công ty bán dẫn trong và ngoài nước đầu tư ở Mỹ.

Trong khi đó, có một số báo cáo rằng chính phủ Mỹ đang gây áp lực lên Hà Lan để ngăn chặn công ty ASML Holding NV bán công nghệ được sử dụng cho việc sản xuất một phần lớn chip của thế giới cho Trung Quốc. Ngoài ra còn có báo cáo rằng chính phủ Nhật Bản cũng đang được Mỹ khuyến khích cấm bán công nghệ sản xuất chip tương tự của công ty Nikon cho Trung Quốc.

Tác động từ lệnh cấm bán công cụ DUV

ASML là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về công cụ in thạch bản cực tím (DUV), được sử dụng trong sản xuất hầu hết các chất bán dẫn, và là nhà sản xuất công cụ cực tím (EUV) duy nhất. Nikon không sản xuất công cụ EUV nhưng là nhà cung cấp công cụ DUV xếp thứ hai, trong đó nhà sản xuất chip Intel của Mỹ là khách hàng lớn nhất.

Công ty Canon của Nhật Bản cũng sản xuất các công cụ DUV, nhưng không tiên tiến như hàng của Nikon. Không có công ty Mỹ nào chế tạo công cụ DUV hoặc EUV. Cymer, một công ty Mỹ được ASML mua lại vào năm 2013, cung cấp nguồn sáng EUV.

Mỹ đang kêu gọi những nhà chế tạo in thạch bản dừng bán mặt hàng này cho Trung Quốc

Chụp Màn hình ASIA TIMES

EUV, có bước sóng ngắn hơn so với DUV, được Công ty chế tạo bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc sử dụng để sản xuất chip 3 và 5 nanomet (nm). DUV có thể được sử dụng để sản xuất chip 7 nm, nhưng không hiệu quả bằng.

Các lô hàng công cụ EUV đến Trung Quốc đã bị cấm vận dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tình trạng này khiến SMIC, công ty của Trung Quốc đang cố gắng cạnh tranh với TSMC, bị tụt lại phía sau.

Một lệnh cấm bán DUV cho Trung Quốc sẽ là cuộc tấn công vào toàn ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, nhưng sẽ không cản trở nước này sản xuất nhiều sản phẩm bán dẫn kém tiên tiến hơn như hiện nay, theo Asia Times. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ khó có thể mở rộng sản xuất vượt quá khả năng khi tất cả công cụ được giao cho việc thực thi lệnh cấm vận đều được vận hành.

Đối với một lệnh cấm vận mới, Hà Lan và Nhật Bản có thể không chấp nhận áp lực từ Mỹ. Cả hai đều tổn thất nhiều khi không bán hàng cho Trung Quốc. Một phát ngôn viên của ASML nói rằng công ty “không biết về bất kỳ thay đổi chính sách nào”. Người phát ngôn còn nói: “Cuộc thảo luận không phải là mới. Không có quyết định nào được đưa ra, và chúng tôi không muốn suy đoán hay bình luận về những tin đồn". Nikon cũng không có bình luận.

SPE từ Mỹ đến Trung Quốc “sẽ gặp rủi ro”

Theo dữ liệu từ hiệp hội ngành công nghiệp SEMI, doanh số bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn (SPE) cho khách hàng ở Trung Quốc đã tăng 58% trong năm ngoái, chiếm 29% doanh số bán hàng trên toàn thế giới. Con số đó bao gồm cả doanh số bán hàng cho các công ty không phải của Trung Quốc có nhà máy ở nước này. Trong 5 năm, tính đến năm 2021, doanh số bán SPE cho khách hàng ở Trung Quốc đã tăng gấp 4,6 lần. Trung Quốc là khách hàng mua SPE lớn nhất thế giới trong cả năm 2020 và 2021.

Với tình hình trên, những chính trị gia Mỹ chống Trung Quốc đã nổi giận. Nghị sĩ Michael McCaul nói với báo chí: “Nếu chính quyền (Tổng thống Joe) Biden nghiêm túc về việc đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn ở Mỹ và các nước đồng minh và đối tác, thì thật vô lý khi để [Trung Quốc] mua hết và tích trữ nguồn cung cấp công cụ và thiết bị toàn cầu để tạo ra chất bán dẫn”. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ mới là chỗ có vấn đề trì hoãn liên quan, chứ không phải chính quyền Tổng thống Biden và việc mở rộng năng lực tích cực của Trung Quốc chỉ vượt nhu cầu một chút, theo Asia Times.

Hạ nghị sĩ Michael McCaul

Chụp từ Clip

Trong khi đó, số liệu của 3 nhà sản xuất SPE hàng đầu của Mỹ, gồm Applied Materials, Lam Research và KLA, cho thấy doanh số kết hợp ở Trung Quốc tăng 44% từ năm 2020 đến năm 2021 và tăng 3,5 lần kể từ năm 2017 lên 14,5 tỉ USD. Nếu các lô hàng công cụ in thạch bản DUV của Hà Lan và Nhật Bản đến Trung Quốc bị dừng lại, các lô hàng SPE của Mỹ đến Trung Quốc cũng sẽ gặp rủi ro, theo Asia Times. “Điều này sẽ nhắc nhở tất cả các quốc gia về nguy cơ chỉ phụ thuộc vào Mỹ về mặt công nghệ, và cũng sẽ thúc đẩy họ đạt được sự độc lập và tự chủ trong khoa học và công nghệ với tốc độ nhanh hơn”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 6.7.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.