Mỹ đánh giá cao vị trí Vịnh Cam Ranh trên 'bàn cờ' Biển Đông

21/07/2015 15:51 GMT+7

(TNO) Vịnh Cam Ranh của Việt Nam có lợi thế lớn trong việc theo dõi các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông, và có vị trí quan trọng trong chính sách "tái cân bằng châu Á" của Mỹ, theo Asahi Shimbun (Nhật Bản).

(TNO) Vịnh Cam Ranh của Việt Nam có lợi thế lớn trong việc theo dõi các động thái Trung Quốc trên Biển Đông, và có vị trí quan trọng trong chính sách "tái cân bằng châu Á" của Mỹ, theo nhận xét của tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản).

Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng (phải) và Lý Thái Tổ neo đậu tại Vịnh Cam Ranh - Ảnh: Mai Thanh Hải
Philippines và Việt Nam đang tân trang lại các căn cứ quân sự cũ từ thời Chiến tranh lạnh. Mỹ trong khi đó sẽ tích cực liên hệ hợp tác với hai nước này nhằm thực hiện chiến lược xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương, Asahi Shimbun nhận định như vậy trong bài viết ngày 20.7.
Theo đó, các quan chức Mỹ xem Vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) là địa điểm quan trọng trong việc theo dõi các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, vì Cam Ranh cách quần đảo Trường Sa của Việt Nam 460 km, nơi Trung Quốc đang tiến hành xây đắp phi pháp. Ngoài lợi thế về vị trí, Washington cũng đánh giá cao địa thế của khu vực này vì Cam Ranh là một cảng nước sâu, có khả năng đón những tàu lớn như tàu sân bay, theo Asahi Shimbun.
Tờ báo Nhật khẳng định trong quá trình tăng cường hợp tác an ninh song phương giữa Việt Nam và Mỹ, Washington đang tìm cách tiếp cận Vịnh Cam Ranh để có thể được cung cấp hậu cần, nhiên liệu...
Vịnh Cam Ranh có vị trí thuận lợi để theo dõi các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông và là cảng nước sâu, có thể cho các tàu lớn vào - Ảnh: Mai Thanh Hải
Tàu ngầm 182 Hà Nội tại Vịnh Cam Ranh - Ảnh: Nguyễn Chung
Trên thực tế, Vịnh Cam Ranh từng được quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam trước đây. Từ năm 1979 đến 2002, Liên Xô và sau đó là Nga thuê lại và triển khai quân đội tại Vịnh Cam Ranh. Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng Vịnh Cam Ranh làm cảng thương mại và căn cứ hải quân.
Với vị trí địa chiến lược quan trọng, Vịnh Cam Ranh đang là mối quan tâm của cả Nga và Mỹ, những nước muốn được tiếp cận nơi này để tiếp nhiên liệu cho các hoạt động trong khu vực, Asahi Shimbun nhận định.
Trong khi đó, đối với Philippines, Mỹ đang có kế hoạch quay lại Vịnh Subic, cách thủ đô Manila 100 km về hướng tây bắc. Đây cũng là căn cứ quân sự Mỹ từng sử dụng cho đến khi kết thúc Chiến tranh lạnh năm 1992.
Sau nhiều động thái hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, Philippines và Mỹ gần đây đã ký thỏa thuận cho phép Mỹ sử dụng một số cơ sở xung quanh Vịnh Subic với hợp đồng thuê 15 năm. Quân đội Philippines cũng có kế hoạch đặt chừng 10 máy bay chiến đấu và hai tàu khu trục tại Vịnh Subic để bảo vệ vùng biển ở Biển Đông, ngăn các hoạt động bành trướng của Trung Quốc, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.