Phát biểu với báo giới hôm qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Kurt Campbell nói: “Chúng tôi rất quan tâm tới tình hình căng thẳng tại biển Đông. Mỹ có những nguyên tắc bất di bất dịch về tự do hàng hải, giao thương cũng như duy trì hòa bình, ổn định và hy vọng các bên liên quan tự kiềm chế”. AFP cũng dẫn lời ông Campbell khẳng định: “Mỹ sẽ giúp tìm cách giảm căng thẳng và không có ý định thêm dầu vào lửa ở biển Đông”.
Tuyên bố này dường như nhằm đáp trả phát biểu bị cho là hăm dọa của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải hôm 22.6. Tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Thôi bác bỏ những lời kêu gọi Mỹ tham gia hỗ trợ giải quyết tranh chấp ở biển Đông và nói: “Tôi cho rằng nhiều nước đang đùa với lửa và tôi hy vọng ngọn lửa sẽ không lan trúng Mỹ”. Hôm 23.6, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng phản ứng phát biểu của ông Thôi bằng tuyên bố kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết mâu thuẫn theo luật pháp quốc tế.
|
Ông Cambpell và ông Thôi sẽ gặp nhau trong buổi tham vấn song phương về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương tại Hawaii hôm 25.6 (trưa nay, giờ VN). Theo AFP, vấn đề biển Đông sẽ được đặt ra trên bàn nghị sự. Ngoài ra, phía Mỹ sẽ tìm hiểu về phương hướng phát triển quân sự của Trung Quốc cũng như vấn đề CHDCND Triều Tiên và Myanmar.
Cũng trong hôm qua, Ngoại trưởng Singapore K.Shanmugam kêu gọi tất cả các bên không để căng thẳng tăng thêm ở biển Đông. Channel News Asia dẫn lời ông Shanmugam nói: “Các tuyên bố chủ quyền nên được dàn xếp theo cách mà tất cả các bên có thể chấp nhận được và nhất là không để tái diễn các sự cố trên biển như vừa qua”. Ngoại trưởng Singapore cũng nói ASEAN có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý các tranh chấp ở biển Đông. Dự kiến, vấn đề này sẽ được nêu ra tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tháng tới tại Bali, Indonesia.
Trong khi đó, theo website chính thức của Hạ viện Anh, đến ngày 24.6, đã có 9 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền, Công đảng và đảng Dân chủ và Lao động ký tên vào bản kiến nghị về tình hình căng thẳng ở biển Đông. Nội dung kiến nghị nêu rõ: “Thành viên Hạ viện quan ngại về tình hình leo thang căng thẳng tại biển Đông”. Các nghị sĩ hoan nghênh lời kêu gọi của các nước ASEAN giải quyết tranh chấp thông qua những giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. Kiến nghị cũng kêu gọi có các hướng tiếp cận song phương và đa phương để giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình và khôi phục ổn định trong khu vực.
Lê Loan
Bình luận (0)