Bộ tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ (SAC) đã lên kế hoạch tấn công hạt nhân nhắm vào Liên Xô, Trung Quốc và Đông Đức trong năm 1959, theo tài liệu mới được chính phủ Mỹ giải mật.
Tên lửa Titan II mang đầu đạn hạt nhân đặt trong hầm phóng, tại bảo tàng tên lửa Titan ở Green Valley, bang Arizona, Mỹ - Ảnh: AFP |
“SAC liệt kê danh sách mục tiêu trên 1.200 thành phố trong khối Liên Xô, từ Đông Đức cho đến Trung Quốc, cùng với những mục tiêu ưu tiên tấn công hàng đầu”, chuyên san The National Interest (Mỹ) ngày 23.12 dẫn lại báo cáo của tổ chức nghiên cứu phi chính phủ National Security Archive (Mỹ).
Thủ đô Moscow (với 179 mục tiêu) và thành phố Leningrad (bây giờ là Saint Petersburg, 145 mục tiêu) của Nga là hai nơi bị tấn công ưu tiên hàng đầu trong danh sách chi tiết của SAC. Thủ đô Berlin (Đông Berlin) của CHDC Đức có 91 mục tiêu sẽ bị tấn công. Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Warsaw (Ba Lan) cũng nằm trong danh sách bị tiêu diệt bằng vũ khí hạt nhân của Mỹ.
National Security Archive, tổ chức nghiên cứu thuộc Đại học George Washington (Mỹ), đã đề nghị chính phủ Mỹ giải mật tập tài liệu 800 trang này. Tập tài liệu mới được giải mật có tựa đề “Nghiên cứu yêu cầu vũ khí hạt nhân cho năm 1959”. SAC soạn thảo tài liệu này vào năm 1956, lên hoạch và mục tiêu tấn công trong tình huống chiến tranh xảy ra ba năm sau đó.
Mục tiêu của SAC là tấn công hạt nhân phá hủy sức mạnh không quân của Liên Xô trước khi những máy bay ném bom của Liên Xô có thế tấn công Mỹ và các mục tiêu Đông Âu.
Khoảng 1.100 sân bay của Liên Xô trở thành mục tiêu hàng đầu, cùng với những căn cứ không quân có máy bay ném bom Tu-16. Một khi sức mạnh không quân của Liên Xô bị tiêu diệt, SAC lên kế hoạch tấn công các ngành công nghiệp, trụ sở chính quyền địa phương.
Các nhà chiến lược SAC dự đoán, trong năm 1959, họ có thể tiến hành các đợt tấn công bằng vũ khí hạt nhân với 2.130 chiếc máy bay ném bom B-52 và B-47, máy bay trinh sát RB-47, máy bay tiêm kích - ném bom F-101, cùng 376 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân và cả bom nguyên tử.
Vào thời điểm đó thì tên lửa tầm xa vẫn chưa được phát triển hoàn thiện, nên máy bay ném bom là phương tiện tốt nhất để ném bom và phóng tên lửa.
Hình ảnh vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch lần đầu tiên của Mỹ vào ngày 1.11.1952 - Ảnh: AFP
|
Lúc bấy giờ, Mỹ có lợi thế hơn Liên Xô, với kho vũ khí hạt nhân lớn hơn gấp 10 lần, ông Matthew G. McKinzie, thuộc Tổ chức nghiên cứu Natural Resources Defense Council (Mỹ), nhận định.
Kế hoạch tấn công hạt nhân của SAC bất chấp việc gây thương vong thường dân cho thấy đây là giai đoạn đỉnh điểm thời kỳ Chiến tranh lạnh, theo ông McKinzie.
Ném bom vào các thành phố, nhắm vào thường dân dù là vô nhân đạo nhưng từng được xem là chiến lược để làm giảm tinh thần chiến đấu của đối phương, buộc đối phương đầu hàng và có thể dẫn đến chiến tranh kết thúc sớm hơn.
Bình luận (0)