Gần như cùng lúc, 3 đội tàu với các chiến hạm nổi tiếng của Mỹ cùng xuất hiện tại tây Thái Bình Dương. Ngày 2.10, tờ The Philippine Star đưa tin tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard với 2 tàu hộ tống chở theo khoảng 2.200 lính thủy đánh bộ đang trên đường từ đảo Guam đến biển Đông để chuẩn bị tập trận chung với lực lượng Philippines vào cuối tháng này. USS Bonhomme Richard còn chở theo xe đổ bộ, xe thiết giáp nhẹ, pháo cối, trực thăng và chiến đấu cơ Harrier. The Philippine Star dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Manila Harry Thomas Jr., cuộc tập trận Phiblex 2012 nhằm nâng cao khả năng phối hợp giữa lực lượng 2 nước trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu là hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa. Đáng chú ý, địa điểm tập trận là 2 tỉnh Palawan và Zambales, nằm gần các khu vực Philippines tuyên bố chủ quyền tại Trường Sa và bãi cạn Scarborough.
|
Trước khi trực chỉ biển Đông, đội tàu của USS Bonhomme Richard đã ghé qua Nhật và cùng hoạt động vài ngày với nhóm tàu Mỹ trong đó có hàng không mẫu hạm USS George Washington tại biển Hoa Đông, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cùng có mặt trong khu vực là nhóm của tàu sân bay USS John C.Stennis, tạp chí Time dẫn lời giới chức hải quân Mỹ xác nhận. Mỗi tàu sân bay được trang bị hơn 80 máy bay chiến đấu và từng nhóm đều được bảo vệ bởi tàu hộ tống mang tên lửa hành trình, tàu khu trục, tàu ngầm và tàu tiếp tế.
Thông thường, các nhóm tàu sân bay và lực lượng thủy quân lục chiến hoạt động đơn lẻ. Do vậy, việc cả 3 nhóm tác chiến cùng hội tụ trong một vùng biển hẹp như tây Thái Bình Dương được giới chuyên gia đánh giá là động thái tập trung hỏa lực mạnh “một cách bất thường”, theo Time. Chưa hết, 3 nhóm tàu nói trên đều mới tham gia các đợt huấn luyện bắn đạn thật tại khu vực đảo Guam và đảo Tinian, vốn đang là những cứ điểm có vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ tăng cường hiện tại châu Á - Thái Bình Dương. Các đợt huấn luyện này bao gồm cả một cuộc tập trận bảo vệ đảo giữa lực lượng Mỹ và Nhật Bản.
Theo Time, USS George Washington và USS Bonhomme Richard được cho là sẽ lưu lại khu vực này tương đối lâu, còn nhóm tàu USS John C.Stennis sắp tới sẽ tiếp tục lên đường đến vùng Vịnh nhằm phản ứng kịp thời với tình hình căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. Hiện tàu USS John C.Stennis đang thực hiện một số cuộc tuần tra chung với USS George Washington cũng như giao lưu với các nước trong khu vực. Theo tờ New Straits Times, một nhóm quan chức và báo chí Malaysia vào ngày 2.10 đã lên tham quan tàu đậu trong vùng biển quốc tế ngoài khơi nước này.
Tuy nhiên, Time dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Darryn James khẳng định các chiến dịch huấn luyện và triển khai nói trên “không nhất thiết phải liên quan đến căng thẳng hiện nay do tranh chấp chủ quyền tại khu vực và không xuất phát từ bất cứ sự kiện cụ thể nào”. Theo ông James, sự hiện diện đồng thời của 2 nhóm tàu sân bay Mỹ tại tây Thái Bình Dương nhằm đảm bảo ổn định và hòa bình theo cam kết của Washington đối với an ninh khu vực. Phát ngôn viên này từ chối không bình luận thêm về công tác triển khai sắp tới của hải quân Mỹ.
Trung Quốc lại điều tàu gần Senkaku/Điếu Ngư Sáng 2.10, cảnh sát biển Nhật Bản phát hiện 4 tàu hải giám và 2 tàu ngư chính Trung Quốc tại vùng biển xung quanh nhóm đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Kyodo News dẫn thông báo của Chánh văn phòng Nội các Nhật Osamu Fujimura cho hay chính phủ đang thu thập thông tin tình báo về động thái điều tàu liên tục của Trung Quốc đến vùng tranh chấp. Do tàu Trung Quốc chưa vào đến vùng biển Nhật tuyên bố chủ quyền nên lực lượng nước này chỉ cảnh cáo thông thường chứ không có hành động gì thêm. Trong thời gian qua, tàu Nhật, Trung Quốc đại lục và Đài Loan thường xuyên hiện diện trong hoặc gần khu vực tranh chấp, dẫn tới một số vụ va chạm nhỏ như cuộc đấu vòi rồng hồi tuần trước. H.G |
Thụy Miên
>> Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông
>> Thái Lan muốn tham gia vấn đề biển Đông
>> Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi phản ứng Trung Quốc ở biển Đông
>> Bão mạnh cấp 13 có thể di chuyển vào biển Đông
>> Úc, Singapore kêu gọi hạ nhiệt ở biển Đông
Bình luận (0)