Chính phủ Mỹ hôm 12.5 thông báo tập tài liệu nổi tiếng “Hồ sơ Lầu Năm Góc” không còn được xếp vào loại tài liệu tuyệt mật nữa. AFP dẫn thông báo cho hay từ đầu tháng 6 tới, công chúng có thể tiếp cận trực tiếp tài liệu này tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở Yorba Linda, bang California.
Với tên gọi chính thức là “Quan hệ Mỹ - Việt giai đoạn 1945-1967: Nghiên cứu do Bộ Quốc phòng thực hiện”, tài liệu này nêu chi tiết về hành động can dự quân sự và chính trị của Mỹ tại Việt Nam từ năm 1945 đến 1967, thời điểm nó ra đời. Tháng 6.1967, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó Robert McNamara ra lệnh thành lập nhóm nghiên cứu 36 người, bí mật thực hiện một bộ hồ sơ toàn diện về chiến tranh Việt Nam. Đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về động cơ của ông McNamara khi che giấu chuyện này. Tổng thống Lyndon Johnson chỉ biết về “Hồ sơ Lầu Năm Góc” sau khi nó bị tiết lộ năm 1971, theo tạp chí Air Force Magazine.
|
Khi xuất hiện lần đầu tiên trên trang nhất của tờ The New York Times ngày 13.6.1971, “Hồ sơ Lầu Năm Góc” gây chấn động dư luận khi chứng tỏ 4 đời tổng thống Mỹ, đặc biệt là chính quyền của ông Johnson, đã lừa dối công luận một cách có hệ thống về cuộc chiến. Nó ngay lập tức tạo ra làn sóng phản chiến dữ dội và buộc Tổng thống Johnson quyết định không ra tái tranh cử.
Lừa dối
Ellsberg ủng hộ WikiLeaks Ellsberg rất ủng hộ việc WikiLeaks tiết lộ các tài liệu về chiến tranh Iraq và các thư tín ngoại giao mật của Mỹ. Cuối năm 2010, khi thế giới chấn động vì WikiLeaks và người sáng lập Julian Assange, Ellsberg viết trên website Ellsberg.net: “Tôi đã chờ chuyện này 40 năm”. Ông cũng tích cực kêu gọi thả binh nhì Bradley Manning, người bị cáo buộc tuồn hồ sơ cho WikiLeaks và được gọi là “truyền nhân của Ellsberg”. Theo Sky News, Ellsberg, 80 tuổi, bị bắt hồi tháng 3 năm nay do tham gia biểu tình đòi trả tự do cho Manning nhưng được thả sau đó. |
“Hồ sơ Lầu Năm Góc” cũng chứa một bản ghi nhớ của Bộ Quốc phòng về lý do Mỹ cương quyết bám trụ tại Việt Nam. Trong đó, lý do chính là Washington muốn tránh một thất bại nhục nhã sau khi đã gây quá nhiều tranh cãi về cuộc chiến. Tiếp theo là nhằm “giữ cho miền Nam Việt Nam và khu vực lân cận không lọt vào tay Trung Quốc”. Bản ghi nhớ trên khẳng định việc Mỹ ủng hộ chính quyền Sài Gòn “không phải là để giúp một đồng minh”.
Cứ thế, những chi tiết trong “Hồ sơ Lầu Năm Góc” khiến dư luận Mỹ đi từ bàng hoàng đến phẫn nộ. Không chỉ người dân mà cả Quốc hội Mỹ cũng đã bị lừa dối trong nhiều năm trời. Người có công chính trong việc phơi bày sự thật là một nhà nghiên cứu trong nhóm chuyên viên của ông McNamara tên là Daniel Ellsberg.
Cuộc chiến cam go
Ellsberg là chuyên viên cao cấp của Tập đoàn nghiên cứu chiến lược RAND và tham gia soạn thảo “Hồ sơ Lầu Năm Góc”. Càng tiếp cận với các thông tin mật, Ellsberg càng mất niềm tin vào cuộc chiến phi lý, theo hồi ký Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon papers (Những bí mật về chiến tranh Việt Nam). Thế là từ 1.10.1969, Ellsberg bắt đầu sao chụp tài liệu cùng người bạn Anthony Russo. Sau đó, Ellsberg đến gặp Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger và các nghị sĩ William Fulbright, George McGovern cùng nhiều người khác nhưng không ai quan tâm.
Đến tháng 3.1971, Ellsberg quyết định trao “Hồ sơ Lầu Năm Góc” cho ký giả Neil Sheehan của The New York Times. Những tiết lộ từ tài liệu này không chỉ bóc trần những lừa dối của các chính quyền trước mà còn đụng chạm tới cả Tổng thống đương nhiệm Richard Nixon. Sau đó, theo yêu cầu của Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell, tòa án ra lệnh cấm The New York Times tiếp tục đăng tải. Trong khi chờ tờ báo kháng án, để tiếp tục phơi bày sự thật, Ellsberg cung cấp hồ sơ cho Washington Post. Tương tự, tờ này vướng vào cuộc chiến pháp lý giằng dai với chính quyền để bảo vệ quyền đưa sự thật đến với công chúng. Đến ngày 30.6.1971, sau nhiều phiên xử ở nhiều cấp, Tòa án tối cao Mỹ phán quyết 2 tờ báo thắng kiện.
Về phần Ellsberg, Nhà Trắng và CIA sử dụng nhiều thủ đoạn để vô hiệu hóa ông. Theo The New York Times, các cố vấn của Tổng thống Nixon từng cho người tới văn phòng bác sĩ tâm lý đánh cắp hồ sơ để sửa bệnh án nhằm quy cho Ellsberg bị bệnh tâm thần. Trong hồi ký nói trên, Ellsberg khẳng định Nhà Trắng từng âm mưu bỏ thuốc gây ảo giác vào thức ăn của ông trước một buổi diễn thuyết nhưng kế hoạch này bị hủy bỏ. Ellsberg tự nộp mình cho chính quyền vào tháng 6.1971. Ellsberg và Russo bị cáo buộc nhiều tội danh và với mức án tổng cộng tới 115 năm tù. Sau nhiều phiên xử, ngày 11.5.1973, tòa tuyên bố hủy mọi cáo trạng. Ellsberg và Russo được trả tự do.
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Ellsberg tiếp tục là “cái gai” trong mắt chính quyền Mỹ bằng các hoạt động phản chiến, đặc biệt là đối với việc Tổng thống George W.Bush đổ quân vào Iraq năm 2003. Anthony Russo thì qua đời vào năm 2008 ở tuổi 71.
Trọng Kha
Bình luận (0)