Mỹ không chấp nhận Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

03/06/2017 09:50 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra tuyên bố trên tại Đối thoại Shangri-La ngày 3.6 tại Singapore.

Ông Mattis cho rằng nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiềm chế CHDCND Triều Tiên là đáng khích lệ nhưng Washington sẽ không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.
“Chúng tôi không chấp nhận các hành động của Trung Quốc đụng chạm đến lợi ích của cộng đồng quốc tế, phá hoại trật tự dựa trên các quy tắc mang lại lợi ích cho tất cả các nước”, ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng phản đối việc quân sự hóa các thực thể, hành động đơn phương thay đổi hiện trạng và tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Theo Reuters, tuyên bố của ông Mattis thể hiện chính quyền Tổng thống Donald Trump đang muốn cân bằng giữa việc thúc ép Trung Quốc kiềm chế các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên với việc đối phó với hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh lâu năm và kiên định nhằm tăng cường tối đa an ninh khu vực. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi có phương tiện quân sự để duy trì hòa bình. Nhưng chúng tôi sẽ không dùng các đồng minh và đối tác, hoặc khả năng đảm bảo an ninh để làm con bài mặc cả", ông khẳng định.
"Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế"
Ông Mattis kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và khẳng định cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp trên biển của các bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phân tích quy mô và ảnh hưởng từ các hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên biển hoàn toàn khác biệt với các nước xét về bản chất của việc quân sự hóa, việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, không đếm xỉa đến lợi ích của các quốc gia khác và bác bỏ các giải pháp không đối đầu.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục bay, giong buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và thể hiện giải pháp thông qua hoạt động hiện diện ở Biển Đông và những nơi khác. Hoạt động của chúng tôi trong khu vực thể hiện ý chí bảo vệ lợi ích của chúng tôi và tự do theo luật pháp quốc tế", ông tuyên bố.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La Reuters
Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, ông Mattis cho biết nguy cơ là “rõ ràng và hiện hữu” khi Bình Nhưỡng tăng tốc chương trình vũ khí hạt nhân.
“Chính quyền Trump được khích lệ khi Trung Quốc tái khẳng định cam kết cùng cộng đồng quốc tế tiến đến giải trừ vũ khí hạt nhân. Trên hết, chúng tôi tin rằng Trung Quốc sẽ nhìn nhận Triều Tiên như một gánh nặng chiến lược chứ không phải là tài sản”, ông phát biểu và cho biết Mỹ sẽ cùng các nước trong khu vực gây áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Triều Tiên.
Đối với đồng minh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, ông Mattis cho rằng khu vực này là ưu tiên nhằm xây dựng mối quan hệ. Tuy nhiên, các nước cần phải “góp phần đầy đủ vào việc đảm bảo an ninh của chính họ”.
Ông Mattis cho biết Mỹ hoan nghênh sự phát triển kinh tế của Trung Quốc nhưng ông dự báo sẽ có những bất đồng: “Trong cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc thì mâu thuẫn là điều không thể tránh”.
Ông cũng cho rằng cần đánh bại “các nhóm cực đoan” không chỉ ở Iraq và Syria mà còn ở Đông Nam Á và Mỹ sẽ tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin với các nước trong khu vực.
Ông Mattis hôm 2.6 cũng đã khẳng định cam kết của Mỹ với các đồng minh ở châu Á – Thái Bình Dương khi đặt chân đến Singapore tham dự đối thoại an ninh khu vực.
Trước đó vào sáng 25.5, tàu khu trục USS Dewey của Mỹ đã đi vào khu vực 6 hải lý xung quanh đá Vành Khăn, một trong số 7 thực thể địa lý bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và xây dựng thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Động thái của USS Dewey vào ngày 25.5 đánh dấu lần đầu tiên một chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) được triển khai ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.