Mỹ loại biên tàu tác chiến cận bờ chỉ sau 13 năm hoạt động

Văn Khoa
Văn Khoa
01/10/2021 15:18 GMT+7

Hải quân Mỹ mới đây chính thức cho loại biên chiếc tàu tác chiến cận bờ (LCS) đầu tiên thuộc lớp Freedom chỉ sau 13 năm hoạt động, giữa lúc có nhiều vấn đề phát sinh từ lớp tàu chiến này.

Lễ loại biên tàu tác chiến cận bờ USS Freedom diễn ra tại căn cứ hải quân ở thành phố San Diego thuộc bang California vào ngày 29.9, theo chuyên trang The Drive.
Sau khi được đưa vào biên chế vào năm 2008, tàu USS Freedom được dùng làm tàu thử nghiệm và huấn luyện. Vào lúc bị loại bỏ, tàu USS Freedom có 9 sĩ quan và 41 thủy thủ.
Sau khi tàu USS Freedom bị loại biên, hải quân Mỹ còn 21 chiếc LCS đang hoạt động, gồm 9 chiếc thuộc lớp Freedom và 12 chiếc thuộc lớp Independence.

Hải quân Mỹ tạm biệt "Tự do" và "Độc lập" vì năng lực yếu?

Hồi tháng 7, hải quân Mỹ đã âm thầm cho loại biên chiếc đầu tiên thuộc lớp Independence là USS Independence, sau 11 năm hoạt động, theo chuyên trang USNI News.
Hải quân Mỹ đang có kế hoạch loại biên thêm một số chiếc LCS trong vài tháng tới. Trong khi đó có 10 chiếc LCS, thuộc cả hai lớp tàu nói trên, đang được đóng hoặc được hoàn thiện và hải quân Mỹ cũng đã đặt hàng thêm 2 chiếc.
Hồi tháng 4, báo Defense News đưa tin hải quân Mỹ đang phải đau đầu với kinh phí vận hành LCS. Theo đó, một chiếc LCS với 32 thủy thủ và 8 sĩ quan tốn khoảng 70 triệu USD mỗi năm cho việc hoạt động.

Tàu tác chiến cận bờ USS Independence trong lễ loại bỏ hồi tháng 7

Hải quân Mỹ

Trong khi đó, kinh phí vận hành của một tàu khu trục lớp Arleigh Burke với độ choán nước gấp đôi, thậm chí là gấp 3 và được trang bị vũ khí nhiều hơn, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn so với tàu LCS lại tốn khoảng 81 triệu USD mỗi năm.
Vấn đề kinh phí hoạt động nảy sinh khi mà các tàu LCS vẫn đang gặp rắc rối về vấn đề về động cơ, kỹ thuật, đặc biệt là trên lớp tàu Freedom.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.