Mỹ mất đồng minh chống ma túy quan trọng tại Mexico như thế nào?

Văn Khoa
Văn Khoa
16/12/2022 16:00 GMT+7

Nhiều quan chức Mỹ và Mexico mới đây hé lộ câu chuyện chưa kể về đồng minh đáng tin cậy nhất trong cuộc chiến chống ma túy của Mỹ và mối quan hệ song phương rạn nứt ra sao khi ma túy tổng hợp tràn vào Mỹ.

Câu chuyện nói trên, dựa vào các cuộc phỏng vấn với hơn 30 quan chức đương nhiệm và cựu quan chức của Mỹ và Mexico, được The Washington Post đăng gần đây. Họ cho hay vào năm 2018, khi đối mặt với các loại ma túy tổng hợp chết người tràn qua biên giới Mỹ, Cơ quan phòng chống ma túy (DEA), Cục Hải quan và Biên phòng cùng các cơ quan khác của Mỹ đã điều một chiếc máy bay giám sát nhỏ để theo dõi các phòng thí nghiệm ma túy bí mật ở Mexico.

"Đại bàng" chống ma túy

Chiếc máy bay giám sát đó được trang bị một thiết bị hình quả cầu với nhiều bộ cảm biến và ăng-ten, được sử dụng để xác định hóa chất. Trong một ngày vào tháng 8.2018, chiếc máy bay giám sát cất cánh từ căn cứ hải quân ở bang Baja California (Mexico) và bay cao qua biển Cortez. Khi lập biểu đồ hành trình cho dãy núi Sierra Madre, lãnh thổ của các băng nhóm ma túy, chiếc máy bay giám sát không xuất hiện trên bất kỳ thiết bị theo dõi chuyến bay nào.

Khi đó, chờ đợi ở trên mặt đất là lực lượng của đồng minh đáng tin cậy nhất của Mỹ ở Mexico, một người có giá trị đối với DEA hơn bất kỳ thiết bị mới lạ nào. Đó là đô đốc Marco Antonio Ortega Siu, người đứng đầu đơn vị đặc nhiệm của hải quân Mexico và đã làm việc với Mỹ trong gần một thập niên. Nổi tiếng với sự dũng cảm, ông Ortega Siu và những binh sĩ của ông đã hạ gục hàng chục kẻ buôn lậu lớn. Tuy nhiên, ông lại giữ một hình ảnh khiêm tốn đến mức không được dân chúng Mexico biết đến nhiều, trong khi nhiều người Mỹ biết đến ông với mật danh “El Águila” (Đại bàng).

Đô đốc hải quân Mexico Marco Antonio Ortega Siu (thứ ba từ phải sang), đã làm việc với Mỹ trong cuộc chiến chống các băng nhóm ma túy

Chụp Màn hình The WAshington POST

Khi bay đến mục tiêu, chiếc máy bay giám sát đã xác nhận thông tin từ những người cung cấp thông tin cho DEA về vị trí của một phòng thí nghiệm. Sau khi giám sát xong, những người của ông Ortega Siu xông vào, phát hiện nhiều hũ dung môi, thùng tiền chất và những chiếc bao bố chứa đầy methamphetamine. Tổng cộng, họ đã phát hiện khoảng 50 tấn ma túy đá, một trong những vụ tịch thu ma túy lớn nhất trong lịch sử Mexico. “Thật không thể tin được. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ma túy đá có thể được sản xuất với số lượng như thế”, ông Matt Donahue, người điều hành văn phòng DEA ở Mexico vào thời điểm đó, cho hay.

Quan hệ hợp tác rạn nứt

Việc phát hiện số lượng lớn ma túy nói trên là một chiến thắng cho liên minh chiến thuật giữa Mỹ và các lực lượng đặc nhiệm của hải quân Mexico, giúp định hình cuộc chiến chống ma túy của hai quốc gia trong một thập niên. Cuộc chiến này dựa trên sự phân công nhiệm vụ chi tiết. Theo đó, Mỹ cung cấp công nghệ và tình báo, còn Mexico trang bị lực lượng và thể hiện quyết tâm.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau vụ phát hiện lượng ma túy đá khổng lồ, mối quan hệ hợp tác đó bắt đầu rạn nứt, khi một nhà lãnh đạo mới của Mexico từ chối thỏa thuận chống ma túy trị giá 3 tỉ USD đã kéo dài qua ba đời tổng thống Mỹ, được gọi là Sáng kiến Mérida. Cụ thể, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, một người theo cánh tả và nhậm chức vào tháng 12.2018, lập luận rằng chiến lược chống ma túy đã khiến các vụ giết người gia tăng ở Mexico trong khi không kiềm chế được nhu cầu chất cấm từ Mỹ.

Thế là các chuyến bay của chiếc máy bay giám sát nói trên dừng lại, còn ông Ortega Siu bị gạt sang một bên và đội biệt kích thiện chiến của ông được phân công lại nhiệm vụ. Ông López Obrador cũng đã từ chối lời đề nghị của Mỹ về việc cung cấp công nghệ phát hiện ma túy mới. Mexico còn đóng cửa một căn cứ quan trọng, nơi các lực lượng đặc nhiệm của ông Ortega Siu từng làm việc với các đặc vụ Mỹ. Thậm chí, chính phủ Mexico còn lấy lại chỗ đậu dành cho chiếc máy bay giám sát của DEA tại một sân bay bên ngoài thủ đô Mexico City. Tình trạng này diễn ra ngay khi Mexico chuẩn bị trở thành cửa ngõ cung cấp fentanyl số 1 cho Mỹ, vượt qua Trung Quốc, theo DEA.

Fentanyl là một loại thuốc giảm đau gây nghiện mạnh hơn heroin nhiều lần, được chế tạo dễ dàng với nguyên liệu rẻ tiền và dễ buôn lậu. Số ca tử vong do sử dụng thuốc quá liều ở Mỹ đã vượt qua con số 107.000 vào năm 2021, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó có tới 2/3 số ca tử vong liên quan đến fentanyl.

Một số trường hợp tử vong này là do fentanyl được trộn với các loại thuốc bất hợp pháp khác như cocaine, methamphetamine và heroin. “Những tên buôn lậu thuốc đang gây ra tình trạng nghiện và gia tăng lợi nhuận của chúng bằng cách trộn fentanyl với những loại thuốc bất hợp pháp khác. Bi kịch là nhiều nạn nhân dùng quá liều đã không biết họ sử dụng phải fentanyl chết người đến khi quá muộn”, lãnh đạo DEA Anne Milgram cho hay.

Các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã tịch thu hơn 20,55 kg fentanyl trong thời gian từ tháng 1 đến 11.2022, tăng từ 2,6 kg trong năm 2018, theo phân tích của The Washington Post về dữ liệu mới nhất của chính phủ Mỹ.

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador phát biểu tại Mexico City ngày 27.11.2022

Reuters

Nhiều người từng tham gia cuộc chiến chống ma túy đã đổ lỗi cho các chính sách của Tổng thống López Obrador về sự rạn nứt với Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn mới đây ở cả hai quốc gia cho thấy một bức tranh phức tạp hơn, theo The Washington Post. Quan hệ đối tác an ninh Mỹ-Mexico đã gặp rắc rối trước khi ông López Obrador lên nắm quyền. Trong một thập niên, hai nước đã hứa sẽ giải quyết hai nguồn gốc chính của cuộc khủng hoảng ma túy: hệ thống tư pháp của Mexico và nhu cầu sử dụng ma túy của người Mỹ. Tuy nhiên, không bên nào đáp ứng được nhiệm vụ của mình.

Kết quả là nỗ lực ngăn chặn dòng chảy ma túy vào Mỹ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào một người đàn ông là đô đốc Ortega Siu. “Águila trở thành hiệp sĩ áo trắng. Người rất được yêu thích,” ông John Feeley, từng làm phó đại sứ Mỹ ở Mexico từ năm 2009-2012, nhận định. Ông Ortega Siu dường như không liên minh với các băng nhóm và đôi khi đi cùng người của mình trong các cuộc đột kích, sử dụng khẩu súng tiểu liên UMP45. “Ông ấy là người đầu tiên bước qua cửa. Ông ấy không giống như các lực lượng khác, nơi chỉ huy chỉ ngồi trong văn phòng”, cựu giám đốc DEA ở Mexico Joe Evans, nhận định.

Tuy nhiên, ông Ortega Siu đã làm việc ở một quốc gia có hệ thống pháp luật chưa đủ sức răn đe, nơi có chưa đến 2% tội phạm được giải quyết. Ngoài ra, vào thời điểm Tổng thống López Obrador nhậm chức, Mexico là quốc gia có 20% lãnh thổ quốc gia nằm dưới sự kiểm soát của các băng nhóm, theo ước tính của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) mà The Washington Post có được.

Quan chức Mỹ thất vọng

Công việc của đô đốc Ortega Siu rất nhạy cảm nên lý lịch đầy đủ của ông vẫn là một bí mật quốc gia. Sau nhiều tháng đàm phán với The Washington Post, ông đã đồng ý cung cấp câu trả lời bằng văn bản cho một số câu hỏi. Ông từ chối bình luận về các chính sách an ninh hiện tại của Mexico hoặc hoàn cảnh ra đi của ông, chỉ nói rằng ông đã xin nghỉ phép không lương vào tháng 7.2019 và đã “hỗ trợ các con tôi trong cuộc sống hằng ngày của chúng”.

Trong những năm kể từ khi ông Ortega Siu ra đi, những kẻ buôn lậu đã khai thác tình trạng rạn nứt trong hợp tác song phương Mỹ-Mexico, khi chúng chuyển từ các loại ma túy có nguồn gốc thực vật như cần sa và heroin sang các loại ma túy tổng hợp nguy hiểm hơn.

Hàng trăm gói cocaine được cất giấu trên đường cao tốc ở rìa Thành phố Mexico City

Reuters

Trước tình trạng người tử vong vì dùng thuốc quá liều ngày càng tăng, các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thể hiện sự thất vọng. “Mexico cần phải làm nhiều hơn nữa. Chúng tôi tin rằng họ có thể làm được nhiều hơn nữa. Chúng tôi nghĩ rằng điều cực kỳ quan trọng là Mexico phải nỗ lực giải quyết những vấn đề này một cách không mệt mỏi như chúng tôi”, lãnh đạo DEA Anne Milgram cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Bà Milgram cho hay lượng fentanyl bị tịch thu ở Mexico chỉ bằng 15% số lượng mà giới chức Mỹ tịch thu.

Trong khi đó, ông Roberto Velasco, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mexico, phản bác rằng chiến lược chống ma túy trước đó đã “thất bại ở hai mục tiêu chính” là giảm bạo lực ở Mexico và ngăn chặn nạn buôn bán ma túy ở cả hai quốc gia. “Chúng tôi đã gặp phải sự gia tăng số ca tử vong do sử dụng fentanyl và tình trạng gia tăng bạo lực ở Mexico, vì vậy cách tiếp cận này rõ ràng là không thành công và rõ ràng là chúng ta đã không thành công trong việc triệt phá các tổ chức tội phạm tồn tại ở hai quốc gia”, ông Velasco khẳng định, theo The Washington Post.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.