AFP dẫn lời thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein cho biết: “Nhiều hoạt động theo dõi đã được thực hiện trong hơn một thập niên mà ủy ban không được báo cáo đầy đủ. Quốc hội cần được biết chính xác các cơ quan tình báo đang làm gì”. Theo bà Feinstein, việc Tổng thống Barack Obama không biết Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén Thủ tướng Đức Angela Merkel từ năm 2002 là “một vấn đề nghiêm trọng”.
Trước đó, Nhà Trắng tuyên bố có thể cần tăng cường kiểm soát các cơ quan tình báo của nước này. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fusion ngày 28.10, ông Obama cho biết Washington sẽ ra một số chỉ thị cho NSA. Tổng thống Mỹ nói: “Những năm qua, chúng tôi đã thấy khả năng phát triển của NSA như thế nào. Vì thế, tôi cho rà soát lại các hoạt động tình báo để đảm bảo họ không thực hiện toàn bộ những gì họ có thể làm được”.
Washington tiếp tục bị nhiều nước phản ứng mạnh mẽ sau khi các thông tin về chương trình theo dõi toàn diện của NSA (PRISM) liên tục được công bố trong những ngày qua, từ nghe lén 60 - 70 triệu người Tây Ban Nha, Pháp đến Thủ tướng Đức Angela Merkel. Mới đây, quốc hội Đức thông báo sẽ họp vào ngày 18.11 để đánh giá hệ quả chương trình “lỗ tai nối dài” của Mỹ.
Cho đến nay, những báo đài hợp tác với cựu nhân viên CIA Edward Snowden chỉ công bố các chi tiết liên quan đến hơn 10 nước được xem là đồng minh của Washington mà không hề nhắc đến những mục tiêu hàng đầu của tình báo Mỹ như Nga, Iran, Trung Quốc... Theo tờ Le Monde, mục đích của những cơ quan truyền thông nói trên là đấu tranh cho quyền tự do cá nhân. Còn tiết lộ thông tin liên quan đến những nước “không phải đồng minh” có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Lan Chi
>> Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ: Châu Âu nên biết ơn về chương trình do thám
>> Báo chí Mỹ ‘kém tự do ngôn luận’ trong vụ do thám của NSA
>> EU nổi giận vì chương trình do thám của Mỹ
>> Mỹ bị cáo buộc do thám Thủ tướng Đức
Bình luận (0)