(TNO) Lầu Năm Góc được cho là đang xem xét và nâng cấp kế hoạch đề phòng chiến tranh với Nga lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ.
Trụ sở Lầu Năm Góc ở bang Virginia, Mỹ - Ảnh: Reuters
|
Mỹ có động thái trên là do tình hình xung đột ở miền đông Ukraine, theo nhận định của bà Michèle Flournoy, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ - nhà đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu An ninh mới của Mỹ (CNAS).
Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga viện trợ vũ khí và binh lính cho phe ly khai đang chiếm nhiều khu vực ở miền đông Ukraine. Nhưng Moscow luôn bác bỏ thông tin này.
Đây là lần đầu tiên Mỹ xem xét và điều chỉnh những kế hoạch đề phòng trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào 1991.
Theo quan chức quốc phòng trên, kế hoạch mới của Mỹ tập trung vào giả thuyết Nga xâm chiếm các quốc gia Baltic và có hai phần:
Một là, với tư cách thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ có thể làm gì nếu Nga tấn công các quốc gia thành viên NATO. Hai là, ngoài vai trò thành viên NATO, riêng Washington sẽ làm gì để hỗ những quốc gia bị Nga tấn công?
Các nước Baltic - Estonia, Latvia và Lithuania - tách khỏi Liên Xô cũ và trở thành những quốc gia độc lập vào năm 1991, sau đó gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO vào năm 2004.
Chính quyền các quốc gia Baltic từng bày tỏ quan ngại trước nguy cơ bị Nga xâm chiếm, sau khi Crimea bỏ phiếu ly khai Ukraine, sáp nhập vào Nga hồi tháng 4.2014. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon còn “góp dầu vào lửa” hồi tháng 2.2015 khi nói “Tôi lo ngại về Tổng thống Nga Vladimir Putin, về việc ông ta gây áp lực các nước Baltic, về cách ông ta thách thức NATO”.
Nhưng Tổng thống Putin hồi tháng 6.2015 cho hay: “Tôi nghĩ rằng chỉ có những người bị điên và người đang nằm mơ mới có thể tưởng tượng rằng Nga sẽ bất ngờ tấn công NATO. Tôi nghĩ rằng một số quốc gia chỉ đơn giản lợi dụng sự sợ hãi của người dân nhằm vào Nga. Họ chỉ muốn đóng vai trò là các quốc gia tiền tuyến để nhận được viện trợ, quân sự, kinh tế, tài chính và những viện trợ khác”.
Mỹ luôn xem Nga là một mối đe dọa, còn Moscow cho biết NATO và động thái “bành trướng phía đông” mới thật sự là một mối quan ngại. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hồi đầu tháng 9.2015 khẳng định Nga sẽ sớm thiết lập thêm căn cứ không quân ở những quốc gia láng giềng.
Hồi tháng 7.2015, Nga cũng đã điều chỉnh học thuyết hải quân, động thái được xem là nhằm đối phó với việc NATO tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho hay NATO đang đẩy Nga vào “cuộc chạy đua vũ trang” sau khi có thông tin tên lửa Mỹ được triển khai đến các quốc gia Đông Âu và Baltic.
Bình luận (0)