Mỹ và Nga vừa đạt thỏa thuận để tránh nguy cơ máy bay chiến đấu của hai nước đụng độ trong chiến dịch không kích tại Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) chào đón người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại Điện Kremlin ngày 20.10 - Ảnh: AFP |
AFP ngày 21.10 dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết thỏa thuận có hiệu lực ngay khi được ký vào ngày 20.10.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoli Antonov, thỏa thuận này nêu rõ các quy chuẩn cần thực hiện để đảm bảo không xảy ra “sự cố” giữa máy bay của hai nước ở không phận Syria.
Cụ thể, bản quy chuẩn khuyến cáo các phi công cần phải “hành động một cách chuyên nghiệp” và thường xuyên trao đổi thông tin qua tần số vô tuyến chung. Ngoài ra, Mỹ và Nga cũng thống nhất lập đường dây nóng liên lạc ở mặt đất.
Ngay từ khi bắt đầu không kích “chống khủng bố” tại Syria vào ngày 30.9, Moscow đã đề nghị Washington thảo luận về việc trao đổi thông tin để tránh nguy cơ đụng độ vì mục tiêu tấn công và khu vực hoạt động của hai bên có thể trùng lặp. Một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết một số máy bay của liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) do nước này đứng đầu đã từng phải thay đổi đường bay vì phát hiện máy bay Nga ở gần đó.
Lầu Năm Góc khẳng định bản thỏa thuận vừa được ký sẽ không mở ra khả năng phối hợp tác chiến giữa hai nước tại Syria. Ông Cook nhận định: “Chúng tôi vẫn cho rằng chiến lược của Nga tại Syria là phản tác dụng và việc họ ủng hộ tổng thống nước này Bashar al-Assad chỉ làm giao tranh thêm nghiêm trọng hơn”.
Cho đến nay, Nga khẳng định chỉ tấn công các cứ điểm của IS và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác. Trong khi đó, phương Tây cáo buộc chiến dịch không kích của Moscow trên thực tế nhằm hỗ trợ Damascus trấn áp “phe nổi dậy ôn hòa”.
Ngày 21.10, Điện Kremlin bất ngờ thông báo ông al-Assad vừa thăm chính thức Nga. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Syria kể từ khi khủng hoảng chính trị bùng phát ở nước này vào năm 2011. Theo AFP, ông al-Assad đã ngỏ lời cảm ơn người đồng cấp Nga Vladimir Putin vì đã giúp “ngăn chặn sự trỗi dậy của bọn khủng bố” bằng các đợt không kích. Hai vị nguyên thủ cũng khẳng định sau chiến dịch quân sự sẽ hướng đến một giải pháp chính trị cho khủng hoảng ở Syria.
Trong một diễn biến liên quan, ngay sau chiến thắng tại kỳ tổng tuyển cử, hôm qua, thủ tướng tương lai của Canada, Justin Trudeau đã thông báo với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng nước này sẽ chấm dứt không kích IS tại Syria và Iraq. Đây là một trong những cam kết quan trọng trong chiến dịch tranh cử của đảng Tự do (LIB) do ông Trudeau đứng đầu.
Bình luận (0)