Đẩy mạnh thế trận không - hải
Ngày 27.6, trang mạng của lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương đưa tin 3 máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 được điều động đến căn cứ ở Alaska (Mỹ) để phục vụ cho năng lực tấn công khẩn cấp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Các máy bay này có thể nhanh chóng tổ chức tấn công đến vùng biển Nhật Bản khi cần thiết.
Ngoài ra, một số máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1 Lancer gần đây được Lầu Năm Góc triển khai ở căn cứ đảo Guam, cũng nhằm đáp ứng cho chiến lược Indo-Pacific.
Bên cạnh đó, Washington cũng đã tăng cường nhiều chiến hạm, từ chiến hạm cận bờ, tàu khu trục, tàu tuần dương… đến tàu đổ bộ tấn công, tàu vận tải đổ bộ, tàu sân bay hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương. Đặc biệt, trong số này có đến 3 tàu sân bay gồm USS Theodore Roosevelt, USS Ronald Reagan và USS Nimitz cùng một số tàu ngầm tấn công.
Thời gian qua, chiến lược Indo-Pacific tự do và rộng mở được Mỹ đẩy mạnh nhằm kết hợp với 3 nước còn lại trong bộ tứ an ninh (gồm Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc) để cùng ứng phó các thách thức trong khu vực, đặc biệt là trước các hành động từ Trung Quốc.
Liên quan tình hình khu vực, truyền thông Nhật ngày 26.6 đưa tin Bộ Quốc phòng nước này đang có kế hoạch xây dựng một nhóm công tác chuyên trách Indo -Pacific nhằm thúc đẩy chiến lược ở khu vực này. Nhóm công tác sẽ thực thi các chính sách nhằm tăng cường hợp tác với Úc và Ấn Độ.
Tuần qua, ngày 23.6, Nhật Bản đã điều động 2 chiến hạm JS Kashima và JS Shimayuki tham gia tập trận tại Biển Đông cùng chiến hạm cận bờ USS Gabrielle Giffords thuộc lớp Independence của Mỹ. Không chỉ tập trận hải quân, cuối tháng 5, Nhật điều 16 máy bay tiêm kích, bao gồm 2 loại F-15 và F-2, tập trận cùng 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer của Mỹ ở khu vực vùng biển xung quanh quần đảo Okinawa. Không quân hai nước gần đây còn có nhiều hoạt động chung khác.
Chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc
Trong khi đó, thời gian qua, Bắc Kinh triển khai chương trình phong tỏa, chống tiếp cận ở Thái Bình Dương với tâm điểm là hệ thống tên lửa chống tàu chiến nhằm đe dọa tàu chiến Mỹ.
Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét nổi bật trong số vũ khí “diệt hạm” của Trung Quốc có tên lửa Đông Phong 21. Đầu tiên, dù sức mạnh thực sự của loại hỏa tiễn này vẫn chưa rõ ràng thì đây vẫn là một mối đe dọa cho tàu sân bay Mỹ. Thứ hai, tầm bắn của Đông Phong 21 là 1.800 km, nên tàu chiến và căn cứ Mỹ ở đảo Guam nằm ngoài tầm bắn của Đông Phong 21. Thứ ba, ngoài tàu sân bay thì Mỹ còn có tàu ngầm - vốn không thể bị tấn công bởi tên lửa đối hạm tầm xa. Và tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ có tầm bắn từ 1.300 - 3.000 km, nên tàu chiến nước này từ khoảng cách an toàn thì vẫn có thể tấn công Trung Quốc.
Cũng trả lời Thanh Niên, chuyên gia Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và nay đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận xét tàu sân bay Mỹ luôn được hộ tống bởi các tàu khu trục vốn tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tối tân. Chính vì thế, các tàu chiến Mỹ có thể tự bảo vệ trước lực lượng tên lửa Trung Quốc.
Cảnh báo “những vụ việc đáng báo động” ở Biển Đông
Ngày 27.6, tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 diễn ra vào ngày 26.6, bày tỏ lo ngại về “các vụ việc đáng báo động xảy ra ở Biển Đông”, giữa lúc các nước trong khu vực bận đối phó đại dịch Covid-19. Tuy ông Duterte không nêu rõ “các vụ việc đáng báo động” là gì, song báo chí phương Tây cho rằng lãnh đạo Philippines đề cập việc Trung Quốc gia tăng hoạt động ở Biển Đông. Hồi tháng 4, Philippines đã gửi 2 công hàm cho Trung Quốc nhằm phản đối các động thái của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong đó có vụ Trung Quốc ngày 18.4 lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” nhằm kiểm soát Biển Đông.
Huỳnh Thiềm
|
Trung Quốc “lại nạo vét” ở đảo Phú Lâm
Trang BenarNews mới đây đưa tin so sánh hình ảnh chụp từ vệ tinh, trong quãng thời gian từ ngày 17.4 - 25.6, cho thấy Trung Quốc đang nạo vét phi pháp tại một bãi đá trong đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Cụ thể, một đá ngầm cạn ven bờ nằm phía tây bắc đảo Phú Lâm bị nạo vét một khoảng lớn ở giữa. Hình ảnh còn cho thấy có một số dãy đất mới có thể làm nền móng cho việc bồi đắp thêm để mở rộng đảo Phú Lâm. Ngoài ra, hình ảnh chụp ngày 8.5 có thể cho thấy cần cẩu và máy móc hạng nặng đang làm việc tại cùng địa điểm nói trên.
Từ năm 2014, Bắc Kinh tiến hành chiến dịch nạo vét, bồi đắp đất quy mô lớn nhằm biến những thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông thành đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng. Chiến dịch này đã hoàn tất vào năm 2017, nhưng hoạt động nạo vét quy mô nhỏ hơn vẫn tiếp diễn.
Đến nay, Bắc Kinh đã xây dựng hạ tầng quy mô lớn ở đảo Phú Lâm, trong đó có cả đường băng, nhà chứa máy bay cùng nhiều hạ tầng quân sự. Họ cũng nhiều lần điều động máy bay tiêm kích và oanh tạc cơ đến đảo Phú Lâm, kèm theo đó còn có các hệ thống tên lửa đối không và chống hạm. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tiến hành nhiều hoạt động núp bóng dân sự để tăng cường kiểm soát vùng biển xung quanh đảo Phú Lâm.
Minh Trung
|
Bình luận (0)