Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự ở Đông Á

08/10/2024 05:45 GMT+7

Dù Nhà Trắng sắp có chủ nhân mới, Mỹ vẫn đang tăng cường triển khai vũ khí hiện đại đến Đông Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Hôm qua 7.10, cổng thông tin của quân đội Mỹ phát đi thông cáo về việc lực lượng này và quân đội Philippines đang tiến hành cuộc tập trận chung Sama Sama lần thứ 8 tại vùng lân cận vịnh Subic (Philippines).

"Hàng khủng" đến Nhật Bản và Philippines

Gần đây, Washington liên tục thúc đẩy các hoạt động tập trận cũng như hợp tác quân sự cùng Manila.

Trong đó, Mỹ và Philippines cũng đã tiến hành cuộc tập trận chung tại một căn cứ ở Philippines có hướng ra Biển Đông. Tại cuộc tập trận này, phía Mỹ đã khai hỏa Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) với giả định phòng thủ trong tình huống bao gồm một cuộc xung đột có thể xảy ra ở Biển Đông đe dọa chủ quyền của Philippines. Trước cuộc tập trận này, Mỹ cũng đã triển khai HIMARS đến Philippines. Không những vậy, Lầu Năm Góc cũng đã triển khai hệ thống phóng tên lửa Typhon, hay còn gọi là hệ thống tên lửa tầm trung (MRC), đến Philippines. MRC có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa đối không SM-6.

Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự ở Đông Á- Ảnh 1.

Hình ảnh mô phỏng tàu USS Preble tác chiến bằng vũ khí laser

ẢNH: LOCKHEED MARTIN

Không chỉ Philippines, MRC của Mỹ gần đây cũng đã được triển khai tại Nhật Bản. Đầu tháng 10 vừa qua, truyền thông Mỹ đưa tin Lầu Năm Góc vừa điều động tàu khu trục USS Preble (DDG-88) gia nhập Hạm đội 7 và đồn trú tại Nhật Bản. Thuộc lớp Arleigh Burke, nhưng USS Preble nổi bật khi tích hợp hệ thống vũ khí laser vốn được đánh giá là có nhiều ưu việt trong đánh chặn máy bay không người lái (UAV), tên lửa. Vì thế, việc USS Preble hiện diện tại Nhật Bản mang thông điệp quan trọng về răn đe quân sự.

Cân bằng sức mạnh quân sự ở khu vực

Trả lời Thanh Niên hôm qua 7.10, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá việc Mỹ triển khai hệ thống phóng tên lửa tầm trung Typhon và dòng tàu chiến mới nhất đến Nhật Bản cho thấy một số điều sau.

"Thứ nhất, quá trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc buộc Mỹ và các đồng minh phải tăng cường kho vũ khí để duy trì cán cân quân sự. Từ năm 2014 - 2023, Trung Quốc đã đóng khoảng 150 tàu chiến. Con số này tương đương với tổng số tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, cũng tương đương một nửa tổng số tàu chiến Mỹ", TS Nagao phân tích.

TS Nagao chỉ ra thêm: "Về kho vũ khí tên lửa, tính đến năm ngoái, Trung Quốc sở hữu hàng ngàn tên lửa đạn đạo tầm trung. Suốt thời gian dài, Mỹ bỏ trống loại tên lửa này. Vì vậy, Mỹ gần đây tăng cường số lượng tên lửa Tomahawk để lấp đầy khoảng trống này. Washington cũng đang triển khai hệ thống phóng tên lửa Typhon, có thể phóng tên lửa Tomahawk ở Philippines. Mỹ cũng đang tính triển khai hệ thống Typhon đến Nhật nhằm đáp ứng mục tiêu vừa nêu. Không chỉ trên đất liền, Mỹ còn đưa tên lửa trên tàu chiến và máy bay".

Thứ hai, theo TS Nagao, Trung Quốc gần đây tăng cường hợp tác với Nga và CHDCND Triều Tiên. Trong đó, Bình Nhưỡng và Moscow đều có kho tên lửa với số lượng khá lớn, đồng thời đang phát triển nhiều dòng mới. Vừa qua, Trung Quốc và Nga tiến hành các cuộc tập trận hải quân lớn. Trong tình hình như vậy, nếu Mỹ và đồng minh không tăng cường kho tên lửa thì cán cân quân sự sẽ thay đổi.

"Thứ ba, công nghệ mới đang tạo ra các chiến thuật mới. Cùng với tên lửa, UAV có thể xem là một loại "tên lửa" mới. Trong cuộc xung đột Ukraine, UAV đóng vai trò hỏa lực quan trọng. Ukraine đã sử dụng nhiều UAV để tấn công cả trên đất liền và trên biển. Vì thế, Mỹ triển khai tàu chiến tích hợp vũ khí laser đến Nhật Bản nhằm tăng cường năng lực phòng chống UAV khi loại vũ khí này trở thành xu thế mới trong chiến tranh", TS Nago phân tích thêm và kết luận: "Cùng với việc triển khai tàu chiến và phát triển kho vũ khí tên lửa, ngành sản xuất UAV chiến đấu cũng sẽ là phần quan trọng trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung".

Hàn Quốc - Philippines tăng cường hợp tác ở Biển Đông

AFP đưa tin trong cuộc hội đàm diễn ra tại Manila (Philippines), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và người đồng cấp chủ nhà Ferdinand Marcos nhất trí thắt chặt quan hệ giữa lực lượng tuần duyên hai nước.

Phát biểu với truyền thông sau hội đàm, ông Yoon nhấn mạnh: "Chúng tôi chia sẻ sự thông hiểu về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an toàn ở Biển Đông. Hai nước sẽ tiếp tục phối hợp thiết lập trật tự hàng hải dựa trên luật lệ và tự do hàng hải và hàng không theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế ở Biển Đông".

Hồi tháng 3, Seoul đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc Trung Quốc "liên tục sử dụng vòi rồng chống lại các tàu Philippines" trong khu vực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.