Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm qua tuyên bố Lầu Năm Góc không có kế hoạch hoãn thêm các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, theo Reuters. Trước đó, nước này đã hủy một số cuộc diễn tập thường niên với đồng minh, bao gồm tập trận “Người bảo vệ Tự do Ulchi” với sự tham gia của hơn 50.000 lính Hàn Quốc và 17.500 quân Mỹ, nhằm bày tỏ thiện chí trước cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên tại Singapore hồi tháng 6. “Chúng tôi không có kế hoạch hoãn thêm bất kỳ cuộc tập trận nào khác”, Bộ trưởng Mattis khẳng định. Cùng ngày, Yonhap dẫn lời phát ngôn viên Phủ tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-keum cho hay hiện nước này và Mỹ vẫn chưa thảo luận cụ thể về nối lại hoạt động tập trận. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vấn đề này sẽ được xem xét và quyết định sau khi cân nhắc tiến triển trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Hiện đàm phán Mỹ - Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ bế tắc mới, dẫn đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh hủy chuyến công du Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo dự kiến trong tuần này. CNN dẫn các nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ quyết định được đưa ra sau khi Nhà Trắng nhận một bức thư của Phó chủ tịch Ban Chấp hành đảng Lao động Triều Tiên kiêm Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Kim Yong-chol. Trong đó, Bình Nhưỡng cảnh cáo đàm phán về vấn đề hạt nhân “đang bị đe dọa và có nguy cơ tan rã” vì Mỹ “chưa sẵn sàng đáp ứng kỳ vọng liên quan đến ký kết hiệp ước hòa bình”. Theo giới quan sát, Triều Tiên muốn đạt được hiệp ước chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) còn Mỹ yêu cầu đối phương trước hết phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nước này cũng lo ngại việc ký hiệp ước hòa bình đồng nghĩa phải giảm bớt lực lượng tại Hàn Quốc và khiến vị thế trong khu vực bị suy yếu. Bức thư còn cảnh báo nếu hai bên không đạt được thỏa hiệp và tiến trình đàm phán sụp đổ, Triều Tiên “có thể khôi phục hoạt động hạt nhân và tên lửa”.
Cũng trong ngày 29.8, tờ The Washington Post loan tin Nhật Bản và Triều Tiên được cho là đã bí mật hội đàm hồi tháng 7 nhưng không thông báo cho Mỹ. Cuộc gặp diễn ra giữa lãnh đạo Văn phòng Tình báo và Nghiên cứu nội các Nhật Shigeru Kitamura và ông Kim Song-hye thuộc Ủy ban Hòa bình thống nhất tổ quốc của Triều Tiên. Tờ báo cũng dẫn lời một số quan chức Tokyo thừa nhận Nhật không thể chỉ dựa vào Mỹ để giải quyết các vấn đề nội bộ, chẳng hạn như việc đàm phán trao trả công dân Nhật đang bị Triều Tiên giam giữ. Trong cuộc họp báo tại Tokyo hôm qua, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối bình luận về những thông tin trên.
Bình luận (0)